Nâng cao chất lượng công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy có đối tượng phạm tội là người dân tộc, phụ nữ, người chưa thành niên

Thứ tư - 28/10/2015 08:35 2.636 0
Trong hai ngày 26, 27/10/2015, VKSNDTC tổ chức Hội nghị “Nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy có đối tượng phạm tội là người dân tộc, phụ nữ, người chưa thành niên” tại tỉnh Vĩnh Phúc. Đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC dự và chỉ đạo Hội nghị.
Đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC phát biểu tại Hội nghị
Đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC phát biểu tại Hội nghị
Cùng dự có đồng chí Nguyễn Văn Trì, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, đồng chí Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, thành viên Ban chỉ đạo 138, thành viên Ủy ban Quốc gia phòng chống ma túy – HIV – mại dâm của Chính Phủ. Đại diện lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao; Hội đồng dân tộc của Quốc hội; Bộ Lao động thương binh và xã hội; Cơ quan thường trực phòng chống tội phạm và ma túy; Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an; Bộ tư lệnh biên phòng; các đơn vị trực thuộc VKSNDTC và 29 VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phía Bắc…
 
 
Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Trần Công Phàn nhấn mạnh: Số vụ phạm tội ma túy do các đối tượng là người dân tộc thiểu số, phụ nữ, người chưa thành niên trong thời gian qua tăng và diễn biến phức tạp. Tổng số người dân tộc thiểu số phạm tội về ma túy tăng 22,6% (2012 - 2014) so với (2009 - 2011); số phụ nữ phạm tội về ma túy tăng 38,1%; số đối tượng chưa thành niên phạm tội về ma túy tăng 43,2%. Trên cơ sở đó, VKSNDTC tổ chức Hội nghị “Nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy có đối tượng phạm tội là người dân tộc, phụ nữ, người chưa thành niên” để đánh giá nguyên nhân, điều kiện và đề xuất các giải pháp, kiến nghị, nhằm hạn chế tình trạng phạm tội về ma túy. Đồng thời đề xuất các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác THQCT, KSĐT, KSXX sơ thẩm các vụ án ma túy có đối tượng nêu trên.
 
 
Đồng chí Phạm Quốc Khánh, Phó Vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra án ma túy trình bày báo cáo tóm tắt
 
Theo báo cáo đồng chí Phạm Quốc Khánh, Phó Vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra án ma túy (vụ 4) trình bày tại Hội nghị: Tình hình vi phạm, tội phạm về ma túy trong thời gian từ năm 2012 đến 2014 ở nước ta vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp; tăng về số vụ, quy mô, tính chất, mức độ. Năm 2015 số lượng ma túy thu giữ khi bắt quả tang có vụ lên đến gần 500 bánh heroin; hàng tấn cần sa và hàng chục nghìn viên ma túy tổng hợp. Cơ quan chức năng đã khởi tố 44.437 vụ/56.935 bị can (tăng so với cùng kỳ 3 năm trước là 6.085 vụ, bằng 13,7%). Nhiều đối tượng phạm tội ma túy có tiền án, tiền sự; hoạt động mang tính chất chuyên nghiệp, mức độ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Các đối tượng cầm đầu, chủ mưu thường không lộ diện, chúng thuê người dân tộc thiểu số, phụ nữ, người chưa thanh niên, đối tượng nghiện ma túy hoặc lôi kéo người thân trong gia đình, họ hàng, bạn bè tham gia thực hiện tội phạm. Tính chất, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt, thường xuyên thay đổi địa bàn, phương thức, thời gian hoạt động. Khi bị phát hiện, ngoan cố, quanh co, không hợp tác.
 
Để tìm đường vận chuyển ma túy vào nước ta, đối tượng cầm đầu các đường dây mua bán ma túy đã lợi dụng sự kém hiểu biết về pháp luật và đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn vùng núi, vùng biên giới nước ta, dụ dỗ hoặc dùng những thủ đoạn nham hiểm để ép buộc họ làm việc. Thời gian qua, số lượng người dân tộc thiểu số làm việc trong các mỏ khai thác khoáng sản, công trình thủy điện... tập trung thành nhiều nhóm nhỏ, rủ nhau sử dụng trái phép chất ma túy gia tăng. Cụ thể, từ năm 2012 đến 2014, số người dân tộc thiểu số phạm tội mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy là 9.371 bị can, chiếm tỷ lệ 16,8% tổng số bị can phạm tội ma túy (tăng 43,7% so với thời gian từ năm 2009 đến 2011).

Trong thời gian qua, số đối tượng phạm tội ma túy là phụ nữ gia tăng, với thủ đoạn ngày càng tinh vi và liều lĩnh. Trước đây hầu hết các vụ án ma túy có phụ nữ tham gia chỉ với vai trò là người vận chuyển, mang vác thuê thì trong thời gian qua phát hiện nhiều vụ án vận chuyển, mua bán ma túy số lượng lớn do các đối tượng phụ nữ giữ vai trò cầm đầu, chủ mưu. Số bị can nữ phạm tội mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy là 6.841 bị can, chiếm tỷ lệ 12% trên tổng số các đối tượng phạm tội về ma túy (tăng 37,8% so với 3 năm 2009-2011). Nhiều vụ đối tượng phạm tội ma túy là phụ nữ có thai, đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi lợi dụng các quy định mang tính nhân đạo của pháp luật lại tiếp tục nhiều lần thực hiện hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy và trốn tránh thi hành án phạt tù.

Bị can chưa thành niên phạm tội ma túy hầu hết là các đối tượng nghiện ma túy, có hoàn cảnh gia đình khó khăn; có bố, mẹ nghiện ma túy hoặc đã ly hôn, không được sự quản lý, quan tâm từ gia đình, nhà trường; thiếu hiểu biết về pháp luật nên dễ bị lôi kéo, dụ dỗ, đua đòi đi vào con đường nghiện ma túy, chấp nhận đi bán và vận chuyển ma túy để kiếm tiền. Các đối tượng ở các tỉnh, thành phố lớn chủ yếu mua bán, vận chuyển các loại ma túy tổng hợp phổ biến hiện nay như ATS, Ketamine, Mathamphetamine... Số bị can chưa thành niên phạm tội mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy là: 858 bị can, chiếm tỷ lệ 1,5% trên tổng số bị can phạm tội về ma túy (tăng 22,6% so với 3 năm 2009-2011).

 
Các đại biểu dự Hội nghị
 
Trong thời gian qua, VKSND các cấp đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị công tác hàng năm của Viện trưởng VKSND tối cao; Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 06/12/2013 của Viện KSND tối cao về “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”; Thông tư liên tịch số 06/TTLT-BCA-BTC-BNN&PTNN-VKSNDTC ngày 02/8/2013 của Liên ngành Trung ương về tiếp nhận, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; các Nghị quyết số 37, 63, 67, 96 của Quốc hội... để thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác được giao, trong đó có công tác THQCT, KSĐT, KSXXST án ma túy.
 
Cơ quan tiến hành tố tụng các cấp đã kiểm sát chặt chẽ các vụ án ma túy nói chung và các vụ án có đối tượng là người dân tộc thiểu số, phụ nữ, người chưa thành niên ngay từ khi khởi tố vụ án và trong suốt quá trình điều tra vụ án, đảm bảo 100% hồ sơ đều có yêu cầu điều tra và có biên bản trao đổi giữa Điều tra viên và Kiểm sát viên để đánh giá chứng cứ, thủ tục tố tụng trong vụ án trước khi Cơ quan điều tra kết thúc điều tra. Thực hiện tốt công tác truy tố, đảm bảo việc truy tố có căn cứ và trong hạn luật định. Chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra, Tòa án xác định án điểm và giải quyết án điểm, xét xử lưu động các vụ án được dư luận xã hội quan tâm. Các Kiểm sát viên trước khi tham gia phiên tòa đã nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, chuẩn bị tốt đề cương xét hỏi, dự thảo luận tội, dự kiến tình huống có thể phát sinh tại phiên tòa, chủ động tranh luận với Luật sư và những người tham gia tố tụng khác. Chủ động phối hợp với Tòa án tổ chức tốt các phiên tòa lưu động, phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp, không để xảy ra oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm.

Tại Hội nghị, các đại biểu đại diện VKSND tại các địa phương đã trình bày tham luận về thực trạng công tác THQCT, KSĐT, KSXX sơ thẩm các vụ án mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy có đối tượng phạm tội là người dân tộc, phụ nữ, người chưa thành niên. Các đại biểu đã phản ánh được tình hình tội phạm tại địa phương mình và đưa ra các giải pháp, kiến nghị để nâng cao chất lượng công tác THQCT, KSĐT, KSXX sơ thẩm các vụ án mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy có đối tượng phạm tội là người dân tộc, phụ nữ, người chưa thành niên.
 
Một số hình ảnh tại hội nghị
 

 

 

 
 
 
Cũng tại hội nghị, các đại biểu đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Cơ quan thường trực phòng chống tội phạm và ma túy, Cục CSĐT tội phạm về ma túy Bộ Công an, Tổng cục Hải quan, Hội đồng dân tộc của Quốc hội, Cục phòng chống tệ nạn Bộ lao động thương binh xã hội, Bộ đội biên phòng...đã có ý kiến tham luận để tăng cường sự phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy đối tượng là người dân tộc, phụ nữ, người chưa thành niên.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC cảm ơn các đại biểu đại diện các cơ quan chức năng, các đại biểu đại diện VKS các địa phương đã tham dự hội nghị và có những ý kiến tham luận góp phần nâng cao công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy nói chung, tội phạm ma túy đối tượng là người dân tộc, phụ nữ, người chưa thành niên nói riêng. Đồng chí yêu cầu các đơn vị VKS địa phương tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của nhà nước, các Nghị quyết của Quốc hội, về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đặc biệt tăng cường quan hệ phối hợp với các cơ quan tố tụng trong việc xử lý tin báo tố giác tội phạm. Bên cạnh đó, cần nắm rõ nguyên nhân, thực trạng, diễn biến và đặc thù của tội phạm về ma túy để THQCT, KSĐT và KSXX sơ thẩm các vụ án ma túy góp phần từng bước ngăn chặn và tiến tới đẩy lùi tội phạm ma túy trên toàn quốc.

 

Tin, ảnh: Thu Hiền

Nguồn tin: Kiểm sát Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây