Thực tiễn đấu tranh, phòng chống tội phạm cho thấy tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp, ý thức tuân thủ pháp luật, phòng ngừa tội phạm của một bộ phận nhân dân còn thấp. Vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp, tội phạm tham nhũng, chức vụ, tội xâm phạm các hoạt động tư pháp vẫn xảy ra cho thấy ý thức chấp hành pháp luật của một số cán bộ tư pháp còn yếu kém, cần nâng cao hiệu quả tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ tư pháp cũng như cán bộ ngành KSND.
Từ đòi hỏi thực tiễn, với đặc thù tuyên truyền, PBGDPL “thông qua việc thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp” được quy định tại Điều 39 Luật tổ chức VKSND, yêu cầu đặt ra cho VKS là không chỉ tuyên truyền, PBGDPL cho toàn thể cán bộ trong và ngoài ngành mà còn cho các tầng lớp nhân dân trong thời gian tới, nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ VKS.
Do đó, để triển khai nhiệm vụ theo luật định, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, việc xây dựng Đề án là rất cần thiết.
Việc xây dựng Đề án nhằm mục tiêu: tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến cán bộ, công chức, viên chức trong, ngoài ngành Kiểm sát và các tầng lớp nhân dân về quy định của pháp luật liên quan đến tổ chức, hoạt động của VKS, về thực hiện cải cách tư pháp, hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành, nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.
Để thực hiện mục tiêu trên, dự thảo Đề án đề ra 8 nhiệm vụ trọng tâm là: Nâng cao nhận thức các cấp ủy Đảng và hệ thống cơ quan VKSND các cấp về chức năng, nhiệm vụ triển khai công tác tuyên truyền, PBGDPL; tiếp tục hoàn thiện thể chế về tổ chức và triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL của toàn ngành; tổ chức phổ biến rộng rãi, đầy đủ, kịp thời tới nhân dâ về các chủ trương của Đảng, quy định pháp luật mới, nhất là về phòng, chống tội phạm, về hoạt động tư pháp, về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của VKS; đổi mới, đa dạng hóa hoạt động tuyên truyền, PBGDPL; chú trọng đến nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, PBGDPL; tăng cường mối quan hệ với các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện; đảm bảo các nguồn lực thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL thực hiện xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực; tăng cường trao đổi, học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án trong từng giai đoạn.
Bên cạnh đó, dự thảo Đề án cũng đưa ra 6 giải pháp để thực hiện các nhiệm vụ là: Ban chỉ đạo công tác tuyên truyền ngành KSND định hướng nội dung và chỉ đạo toàn ngành tổ chức thực hiện; về xây dựng, hoàn thiện thể chế, góp ý hoàn thiện quy định liên quan đến tuyên truyền PBGDPL, hoàn thiện Đề án xác định vị trí việc làm gắn với tuyên truyền PBGDPL; tổ chức thực hiện các hình thức tuyên truyền PBGDPL thông qua các Chương trình truyền hình KSND, Cổng thông tin điện tử của VKSND tối cao và các trang Thông tin điện tử của toàn ngành, các Chương trình phát thanh KSND trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, trên sóng của đài phát thanh cấp tỉnh, báo và tạp chí in của ngành, biên soạn, phát hành sách chuyên khảo, sổ tay pháp luật, sách hệ thống hóa pháp luật, ấn phẩm tuyên truyền cho nhân dân; xây dựng đội ngũ cán bộ thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành và hợp tác quốc tế; tăng cường kinh phí và các điều kiện thực hiện.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc của Tổ biên tập Đề án và đề nghị tiếp thu những ý kiến góp ý của các bộ, ngành liên quan, chú ý phương thức mở rộng tuyên truyền, PBGDPL đến nhân dân; phối hợp tốt với các ngành chức năng; rà soát lại kinh phí đề án, từ đó tiến hành các bước tiếp theo để hoàn thành Đề án theo đúng kế hoạch đã đề ra.