Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác kiểm sát trong tình hình hiện nay

Thứ tư - 27/07/2011 20:37
Tại Hội nghị sơ kết công tác kiểm sát 6 tháng đầu năm của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng chí Trần Thanh Bình, Phó bí thư thường trực tỉnh ủy đã đến dự và đã đánh giá cao kết quả công tác kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế:

Chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp của đơn vị đã được nâng cao, thể hiện tính chủ động rõ rệt; công tác quản lý, chỉ đạo điều hành có chiều sâu hơn, có cải tiến hơn và thực sự đã mang lại kết quả tốt hơn; đơn vị đã xây dựng và hoàn thiện các quy chế phối hợp với các cơ quan hữu quan, tăng cường hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, nghiên cứu chuyên đề để nâng cao trình độ, tập trung giải quyết tốt các vụ án nghiêm trọng, phức tạp.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trong thời gian tới, ngành kiểm sát nhân dân phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ toàn diện hơn nữa về phương thức, biện pháp thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình trong từng lĩnh vực công tác kiểm sát. Thay mặt Ban thường vụ tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, đồng chí Trần Thanh bình đã phát biểu chỉ đạo, nêu rõ những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành kiểm sát cần phải thực hiện trong những năm tới như sau:

          Một là cần triển khai, quán triệt và thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Đại hội Đảng các cấp, đặc biệt là Nghị quyết 49/NQ-TW của Bộ chính trị về chiến lược cải cách tư pháp, quan tâm tiếp tục chỉ đạo triển khai có hiệu quả Chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về nhiệm vụ công tác kiểm sát năm 2011, Pháp lệnh sửa đổi một số điều của Pháp lệnh kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân. Trong đó, phải đề cao trách nhiệm bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, thực hện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh phòng chống tội phạm.

          Hai là Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cần tập trung chỉ đạo, lãnh đạo tốt chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp trong việc tổ chức hệ thống Viện kiểm sát nhân dân thành 4 cấp phù hợp với hệ thống tổ chức của Tòa án nhân dân. Theo Kết luận số 79/KL-TW của Bộ Chính trị thì tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân phải đáp ứng được mục tiêu chung của việc đổi mới các cơ quan tư pháp, đó là đảm bảo tính khoa học, đồng bộ, đề cao tính độc lập, khách quan, tuân thủ pháp luật của từng cơ quan tư pháp. Đồng thời Viện kiểm sát nhân dân đảm bảo nguyên tắc tập trung, thống nhất lãnh đạo trong ngành, là nguyên tắc tổ chức và hoạt động đặc thù của viện kiểm sát.

          Ba là quán triệt thực hiện tốt Chỉ thị 48/CT-TW ngày 22/10/2010 của Bộ chính trị và kế hoạch 06/KH-TU của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới, tăng cường kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, phấn đấu nâng cao tỉ lệ phát hiện xử lý tội phạm, bảo đảm việc khởi tố, điều tra, áp dụng các biện pháp tố tụng phải có căn cứ và đúng pháp luật. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan điều tra, cơ quan xét xử trong công tác điều tra, truy tố, xét xử kịp thời nghiêm minh các tội phạm bảo đảm không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Tiếp tục nâng cao chất lượng tranh tụng trong các phiên tòa nhằm làm cơ sở cho các Tòa án ra những bản án, quyết định đúng đắn, công bằng và có sức thuyết phục cao. Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân hai cấp cần chỉ đạo tăng cường nhiều hơn nữa công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp, qua đó khẳng định ví trí vai trò của ngành kiểm sát trong giai đoạn mới hiện nay.

          Bốn là tăng cường hiệu quả lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao chất lượng lãnh đạo của Ban cán sự Đảng, của các Đảng bộ, các Chi bộ trong ngành kiểm sát. Quan tâm hơn nữa công tác quy hoạch, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đúng yêu cầu, đúng vị trí, đúng chức danh tư pháp, chuẩn bị tốt nhân sự cho các Viện kiểm sát khu vực trong thời gian tới theo tiến trình cải cách tư pháp. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, có tình thần trách nhiệm cao, có lương tâm nghề nghiệp và hiểu biết về luật pháp quốc tế để bảo đảm thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của ngành, đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp và yêu cầu hội nhập quốc tế. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc học tập “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, gắn với việc thực hiện lời dạy của Người đối với cán bộ, công chức ngành Kiểm sát “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.

          Ngành kiểm sát nhân dân có truyền thống đáng tự hào, đặc biệt Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng 3, nay lại đang đứng trước một nhiệm vụ lớn lao, nặng về nhưng rất vinh quang. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế luôn trân trọng, tin cậy và chờ đợi những đóng góp của ngành kiểm sát nhân dân tỉnh nhà trong việc bảo vệ pháp chế, đấu tranh phòng chống tội phạm, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây