Lịch sử ra đời Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế (giai đoạn 1975 - 1976)

Chủ nhật - 22/03/2020 07:11
Trụ sở Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2005
Trụ sở Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2005
Đứng trước tình hình kinh tế-xã hội, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội diễn biến phức tạp, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện ngay sau ngày quê hương giải phóng là nhanh chóng xây dựng và củng cố hệ thống chính quyền cách mạng, mặt trận dân tộc và các tổ chức đoàn thể quần chúng các cấp; vận động nhân dân tích cực tham gia các phong trào cách mạng như tiếp quản, khôi phục và đưa vào sử dụng các cơ sở kinh tế, văn hóa; xây dựng mô hình làm ăn tập thể tổ đổi công, hợp tác xã; điều chỉnh và chia lại công điền, công thổ, xây dựng hệ thống thuỷ nông; tiến hành đăng ký kinh doanh công thương nghiệp; bài trừ các loại văn hóa phẩm đồi trụy, xây dựng nền văn hóa mới... nhằm từng bước đưa nền kinh tế, xã hội ra khỏi tình trạng khủng hoảng.

Đến tháng 6-1975, hệ thống quản lý nhà nước ở địa phương được hình thành từ cấp tỉnh xuống tận 102 xã, 11 khu phố và 589 thôn của các huyện, thành phố với tên gọi Uỷ ban nhân dân cách mạng, là mô hình quản lý nhà nước chuyển tiếp theo thiết chế xã hội chủ nghĩa làm nhiệm vụ chuyên chính vô sản, trong đó lấy việc cải tạo, khôi phục, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội làm căn bản. Cùng với việc hình thành bộ máy quản lý nhà nước, Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng và các tổ chức đoàn thể thanh niên, phụ nữ, nông dân, công nhân... cũng nhanh chóng được tổ chức và củng cố, đã phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước.

Cùng với sự hình thành hệ thống chính quyền và tổ chức đoàn thể, để góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh trấn áp bọn phản cách mạng và bọn tội phạm hình sự, quản lý trật tự xã hội, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Đảng, bảo vệ Chính quyền, bảo vệ cuộc sống hòa bình của nhân dân, tiến hành công tác giáo dục pháp luật trong nhân dân, tuyên truyền chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta đối với Ngụy quân, Ngụy quyền; sau ngày quê hương giải phóng, ngành kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cũng nhanh chóng được hình thành với nhiệm vụ chính trị cơ bản là bảo vệ pháp chế Xã hội chủ nghĩa, bảo vệ tài sản của nhà nước, của tập thể, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, tự do danh dự và nhân phẩm của công dân, để mọi hành vi xâm phạm lợi ích hợp pháp của công dân đều bị xử lý trước pháp luật.
vovanan

Tháng 9-1975, lực lượng cán bộ kiểm sát đầu tiên ở Thừa Thiên Huế do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cử vào để thành lập hệ thống công tố tỉnh, huyện, thành phố gồm 6 người là đồng chí Võ Văn An, kiểm sát viên cao cấp (trưởng đoàn), đồng chí Lê Thường Anh, chuyên viên, các đồng chí Trần Viết Hường, Nguyễn Văn Tý, Lê Xuân Mãng là cán bộ và đồng chí Tạ Quang Tịnh là Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Từ Liêm, Hà Nội. Sau đó, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao còn tăng cường thêm đồng chí Lương Á Châu, kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La và hai đồng chí Trần Ngọc Mậu, Đỗ Văn Lãm là cán bộ thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Tuy được cử vào Thừa Thiên Huế để thành lập hệ thống công tố, nhưng do nhạy bén trong việc nắm bắt chủ trương của Bộ Chính trị là đưa cả nước tiến lên Chủ nghĩa xã hội, nên đoàn cán bộ đã đề xuất với Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế bỏ qua bước quá độ đó, để thành lập ngay hệ thống Viện Kiểm sát các cấp tại địa phương. Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã chấp thuận đề xuất của đoàn, ra quyết định thành lập Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, các Viện Kiểm sát nhân dân ở thành phố Huế và ở các huyện.

Trụ sở làm việc đầu tiên của Viện Kiểm sát nhân dân Thừa Thiên Huế ở tại trường Tín Đức đường Lê Trung Định cũ, nay là trường Trung học Phổ thông Tố Hữu, Huế. Sau hai tháng hoạt động, tháng 11-1975 Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh dời trụ sở đến số 76 - 78 đường Đinh Tiên Hoàng, phường Thuận Lộc, Huế.
Do cơ sở vật chất còn khó khăn, lực lượng cán bộ ban đầu ít ỏi, không đủ phân bố cho cơ quan cấp tỉnh và các huyện, thành phố nên Viện Kiểm sát nhân dân Thừa Thiên Huế một mặt lo ổn định nơi làm việc, mặt khác nhanh chóng lập hồ sơ tuyển dụng cán bộ là sĩ quan, hạ sĩ quan tại ngũ trong quân đội, con em của gia đình cán bộ đã có trình độ đại học – kể cả đại học luật của chế độ cũ, học sinh vừa học xong cấp III.

Căn cứ Nghị định 01/NĐ ngày 12-9-1974 của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam quy định nhiệm vụ tổ chức chính quyền địa phương, theo đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, ngày 30-12-1975 Uỷ ban nhân dân cách mạng Thừa Thiên Huế ra Quyết định số 3436/QĐ-UB đồng ý cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tiếp nhận 30 cán bộ quân đội chuyển ngành và 20 học sinh để đào tạo và bố trí công tác. Bước đầu, Viện kiểm sát nhân dân Thừa Thiên Huế đã tiếp nhận 18 cán bộ từ quân đội chuyển ngành, gồm các đồng chí Hoàng Văn Đàm, Phạm Minh Ngọc, Trương Tấn Nam, Trần Ngọc Yên, Vũ Xuân Thủy, Lê Ngọc Bang, Trần Đức Thống, Trần Hảo Cầu, Trịnh Hồng Thắm, Phan Thanh Lý, Trần Quốc Kỳ, Dương Ngô Chính, Nguyễn Xuân Hậu, Nguyễn Hữu Thùy, Trịnh Minh Hiền, Phan Bá Huy, Trần Xuân Dũng, Trần Đình Trung. Đến 28-4-1976, Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế ra quyết định tạm tuyển dụng 20 học sinh vào biên chế ngành kiểm sát tỉnh, gồm các đồng chí Lê Khắc Thắng, Nguyễn Thị Lan Phương, Hoàng Thị Như Ân, Huỳnh Văn Vĩnh, Lê Thị Ái, Hoàng Cân, Nguyễn Văn Minh, Ngô Dũng, Huỳnh Quốc Hồng, Nguyễn Văn Bình, Huỳnh Xuân Anh, Nguyễn Thành Nhân, Nguyễn Đôn Cử, Võ Thị Thanh Tịnh, Nguyễn Văn Hùng, Võ Tần, Nguyễn Thị Cần, Trần Viết Mười, Hồ Thị Ái Phương, Nguyễn Thị Ánh Tuyết. Viện Kiểm sát nhân dân Thừa Thiên Huế đã kịp thời tổ chức lớp học bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ kiểm sát trong 2 tháng tại trường Mai Khôi, đường Chi Lăng, phường Phú Cát, Huế cho 38 người được tuyển dụng này.
Dựa vào lực lượng được tăng cường tại chỗ, Viện kiểm sát nhân dân Thừa Thiên Huế đã xây dựng bộ khung các đơn vị cấp huyện và thành phố; mỗi đơn vị huyện bố trí 3 cán bộ gồm 1 Viện trưởng, 1 kiểm sát viên, 1 thư ký (sĩ quan quân đội làm Viện trưởng, hạ sĩ quan làm kiểm sát viên, học sinh làm thư ký) riêng thành phố Huế có 4 cán bộ.
lanhdaocacky
Đồng chí Hà Mạnh Trí (Nguyên Viện trưởng VKSND tối cao 1996 - 2007) chụp ảnh với các đồng chí Nguyên là Lãnh đạo Viện KSND tỉnh Thừa thiên Huế qua các thời kỳ.  (Từ trái sang phải: đ/c Lại Thế Nam, đ/c Lương Á Châu, đ/c Lê Thường Anh, đ/c Hà Mạnh Trí, đ/c Hoàng Trọng Khảm, đ/c Hồ Ngọc Đàn, đ/c Tạ Quang Tịnh, đ/c Hồ văn Ninh)
Tại Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh có 21 cán bộ, do đồng chí Võ Văn An làm Viện trưởng, đồng chí Lê Thường Anh làm Phó Viện trưởng, đồng chí Trần Viết Hường là kiểm sát viên giữ chức Trưởng phòng Tổng hợp - Tổ chức.
Tại 9 Viện Kiểm sát nhân dân các huyện, thành phố do các đồng chí sau đây làm Viện trướng:
1.    Tạ Quang Tịnh - Thành phố Huế
2.    Trịnh Minh Hiền - Huyện Phong Điền
3.    Nguyễn Hữu Thùy - Huyện Quảng Điền
4.    Hoàng Văn Đàm - Huyện Hương Trà
5.    Vũ Xuân Thuỷ - Iluyện Hương Thủy
6.    Trần Hảo Cầu - Huyện Phú Vang
7.    Nguyễn Xuân Hậu - Huyện Phú Lộc
8.    Nguyễn Văn Kính - Huyện Nam Đông
9.    Trần Ngọc Yên - Huyện A Lưới
Với chức năng là một cơ quan kiểm sát việc tuân theo pháp luật, có vị trí độc lập, chịu sự giám sát của Hội đồng nhân dân cùng cấp; ngay từ khi ra đời, mặc dù đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên còn thiếu, trình độ nghiệp vụ, cơ sở vật chất còn hạn chế... nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế và Viện kiểm sát nhân dân tối cao, ngành Kiểm sát nhân dân Thừa Thiên Huế đã biết bám sát vào nhiệm vụ chính trị của mình, dựa vào tình hình thực tế của địa phương, với bản lĩnh cách mạng kiên cường, vượt qua những khó khăn và thách thức, đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của địa phương.
 

Tin, ảnh: Nguồn: Lịch sử Viện KSND tỉnh Thừa Thiên Huế - 30 năm xây dựng và trưởng thành.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây