Rút kinh nghiệm việc áp dụng pháp luật trong vụ án vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ

Thứ sáu - 18/01/2013 15:44 6.467 0

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa
Vừa qua, Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự ban hành thông báo số 345/TB-VKSTC-V3 rút kinh nghiệm vụ án Nguyễn Đức Vũ bị kết án về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”; chúng tôi trích đăng để bạn đọc tham khảo:
Nội dung vụ án: Chiều ngày 27/11/2010 anh Phạm Ngọc Linh điều khiển xe mô tô của mình đến cửa hàng sửa chữa xe máy của anh Nguyễn Đức Vũ để giao cho Vũ sửa chữa. Khoảng 19 giờ cùng ngày sau khi sửa chữa xong Vũ tự ý lấy xe mô tô của Linh điều khiển tham gia giao thông. Trong quá trình điều khiển xe, do không làm chủ tay lái, không làm chủ tốc độ và không giữ khoảng cách an toàn theo quy định của Luật giao thông đường bộ nên Vũ đã đâm vào xe mô tô do anh Võ Hoàng Lâm điều khiển phía trước cùng chiều làm anh Lâm bị thương nặng và chết trên đường đi cấp cứu.
Quá trình giải quyết vụ án:
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 62 ngày 13/7/2011 của Tòa án nhân dân thành phố TH, tỉnh PY áp dụng Khoản 1 Điều 202 Bộ luật hình sự xử phạt Vũ 03 năm tù về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự, Khoản 4 Điều 623, Điều 610 Bộ luật dân sự buộc Vũ bồi thường cho người bị hại tổng cộng là 52.055.000 đồng gồm các khoản: chi phí cấp cứu, mai táng phí và tiền bù đắp tổn thất về tinh thần.
Ngày 25/7/2011 bị cáo kháng cáo kêu oan. Ngày 27/7/2012 đại diện hợp pháp của bị hại là bà Lương Thị Tú kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại về trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Tại bản án hình sự phúc thẩm số 127 ngày 13/9/2011 Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm số 62 ngày 13/7/2011 của Tòa án nhân dân thành phố TH đối với bị cáo Vũ về tội danh và hình phạt; đồng thời áp dụng khoản 2 Điều 250 Bộ luật tố tụng hình sự hủy bản án sơ thẩm nêu trên về phần dân sự để xét xử sơ thẩm lại.
Tại kháng nghị giám đốc thẩm số 09 ngày 24/9/2012, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Tòa Hình sự Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm bản án phúc thẩm trên về phần trách nhiệm dân sự, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh PY để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Tại phiên tòa giám đốc thẩm ngày 13/11/2012 đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị, được Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm
Trong quá trình tham gia giao thông trên đường Vũ đã điều khiển xe mô tô vi phạm Luật giao thông đường bộ gây tai nạn làm anh Võ Hoàng Lâm bị chết. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm buộc bị cáo phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho người bị hại là đúng pháp luật. Tòa án cấp phúc thẩm quyết định hủy bản án sơ thẩm nêu trên về phần trách nhiệm dân sự với lý do phải đưa Công ty cổ phần bảo hiểm dầu khí khu vực Khánh Hòa thuộc Tổng công ty cổ phần bảo hiểm dầu khí Việt Nam vào tham gia tố tụng là không đúng theo quy định tại Điều 53 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000; Điều 14 Nghị định số 103/2008/NĐ-CP ngày 16/9/2008 của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; Điều 8 Thông tư số 126/2008/TT-BTC ngày 22/12/2008 của Bộ Tài chính quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Vì theo quy định tại các văn bản trên thì Công ty bảo hiểm dầu khí khu vực Khánh Hòa chỉ phải bồi thường hoặc sẽ phải bồi thường (nếu có) cho chủ xe cơ giới số tiền mà chủ xe cơ giới đã bồi thường hoặc sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại; người thứ ba (tức người đại diện hợp pháp của bị hại) không có quyền yêu cầu Công ty bảo hiểm dầu khí khu vực Khánh Hòa trả tiền bồi thường, trừ trường hợp chủ xe cơ giới bị chết hoặc bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn. Mặt khác Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng Công văn số 97 ngày 4/10/1991 của Tòa án nhân dân tối cao ban hành để hướng dẫn thi hành Nghị định số 30 ngày 10/3/1988 của Hội đồng bộ trưởng về chế độ bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và Thông tư số 03 ngày 05/4/1983 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn giải quyết một số vấn đề về bồi thường thiệt hại trong tai nạn ô tô. Tuy nhiên khi Bộ luật dân sự 1995 có hiệu lực từ ngày 01/7/1996 thì Thông tư số 03 ngày 5/4/1983 không còn hiệu lực pháp luật. Ngày 17/12/1997 Chính phủ ban hành Nghị định số 115 quy định về chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, có hiệu lực từ ngày 01/01/1998 đã thay thế Nghị định số 30 ngày 10/3/1988 của Hội đồng bộ trưởng. Như vậy Công văn số 97 ngày 4/10/1991 của Tòa án nhân dân tối cao và Nghị định số 30 ngày 10/3/1988 của Hội đồng bộ trưởng đã hết hiệu lực. Đây là những sai lầm trong việc áp dụng pháp luật cần phải được rút kinh nghiệm để khắc phục.      
Từ việc bản án phúc thẩm bị hủy để xét xử phúc thẩm lại là bài học thực tiễn về áp dụng các văn bản pháp luật trong việc giải quyết các vụ án hình sự phải đảm bảo tính chính xác và cần xem xét đến hiệu lực của văn bản áp dụng để Thẩm phán, Kiểm sát viên làm công tác xét xử và kiểm sát xét xử cùng rút kinh nghiệm chung tránh những trường hợp tương tự xảy ra nhằm nâng cao chất lượng hiệu công tác.

Nguồn tin: www.vksndtc.gov.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây