Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo VKSND tối cao, yêu cầu các đơn vị trong toàn Ngành thực hiện các nội dung sau:
1. Các đơn vị nghiệp vụ kiểm sát (trực thuộc VKSND tối cao và VKSND cấp tỉnh), Viện kiểm sát cấp huyện phải mở sổ và phân công cán bộ theo dõi, quản lý vi phạm trong hoạt động tư pháp. Quy định cụ thể việc phối hợp trong đơn vị để tiếp nhận, cập nhật sổ, theo dõi việc giải quyết vi phạm, trả lời kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu của Viện kiểm sát và báo cáo theo quy định.
2. Căn cứ vào lĩnh vực kiểm sát và thực tiễn hoạt động, các đơn vị quyết định việc mở các loại sổ quản lý tình hình vi phạm trong hoạt động tư pháp nhưng nội dung cột mục trong sổ theo hướng dẫn của VKSND tối cao (có mẫu sổ kèm theo).
Những vi phạm trong hoạt động tư pháp được xác định để cập nhật vào sổ theo dõi phải có tài liệu, căn cứ để xác định vi phạm. Đối với những vi phạm mang tính nhỏ, lẻ, nhất thời, không gây hậu quả hoặc hậu quả không lớn khắc phục được ngay thông qua việc trao đổi, nhắc nhở trực tiếp với cơ quan tư pháp, cán bộ tư pháp thì không đưa vào sổ theo dõi.
Trên cơ sở theo dõi, quản lý xác định những vi phạm nghiêm trọng, vi phạm xảy ra thường xuyên, có tính phổ biến, chậm được khắc phục, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát ban hành văn bản yêu cầu cơ quan tư pháp giải quyết, khắc phục (kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu).
Định kỳ 6 tháng, 12 tháng, Viện kiểm sát cấp huyện, cấp tỉnh, các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổng hợp xây dựng và ban hành thông báo tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp thuộc phạm vi nhiệm vụ và trách nhiệm quản lý được giao.
3. Định kỳ hàng tháng (trong báo cáo kết quả công tác kiểm sát hàng tháng), 6 tháng, 12 tháng các đơn vị báo cáo tình hình vi phạm trong các hoạt động tư pháp. Hình thức báo cáo, thời điểm, thời gian, mẫu báo cáo và việc gửi báo cáo theo các Quyết định số 122/QĐ-VKSTC, Quyết định số 121/QĐ-VKSTC ngày 28/3/2013 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao nêu trên.