Một số vướng mắc trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án Dân sự

Thứ năm - 14/11/2013 09:09 5.047 0
Sau hai năm thực hiện Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2011(sau đây gọi là Bộ luật TTDS năm 2011) đã phát sinh những vướng mắc trong việc thực hiện công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm.

 Vướng mắc thể hiện trong nhận thức và áp dụng không thống nhất Điều 234*, Điều 273* và một số Điều quy định liên quan đến việc tham gia phiên tòa của VKSND trong Bộ luật tố tụng dân sự.

1. Hoạt động của KSV tại phiên tòa sơ thẩm

Điều 234* Phát biểu của Kiểm sát viên

1. Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của thẩm phán, Hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án.

Theo quy định của Điều luật, tại phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên phải kiểm sát những chủ thể: Kiểm sát việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, HĐXX; kiểm sát việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng.    

Điều luật quy định có sự phân biệt rõ giữa hai chủ thể:
- Đối với người tiến hành tố tụng Điều luật quy định chỉ kiểm sát việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán và HĐXX (không có thư ký tòa án).
- Đối với người tham gia tố tụng thì kiểm sát việc chấp hành pháp luật, (không bị giới hạn trong phạm vi kiểm sát pháp luật tố tụng như đối với Thẩm phán, HĐXX).

Để hướng dẫn thi hành Điều luật trên tại Điều 8 Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 01/8/2012 quy định: “Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án dân sự kiểm sát viên phát biểu ý kiến của VKS về các nội dung sau:

a. Phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, HĐXX trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm HĐXX nghị án;
Trong trường hợp KSV yêu cầu HĐXX khắc phục các vi phạm về thủ tục tố tụng thì HĐXX phải xem xét quyết định và có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận; trường hợp không chấp nhận thì phải nêu rõ lý do. Quyết định về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu của KSV được HĐXX thảo luận và thông qua tại phòng xử án và phải ghi vào biên bản phiên tòa.

b. Phát biểu ý kiến về việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng dân sự…; không phát biểu về quan điểm giải quyết vụ án”.
Với những quy định và hướng dẫn trên đây khi KSV phát hiện vi phạm pháp luật tố tụng của Thẩm phán, HĐXX thì đã được giải quyết tại phiên tòa và trong thực tiễn xét xử đã được Tòa án ghi vào bản án ở phần “xét thấy”.

Đối với những người tham gia tố tụng (gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan…) Điều luật quy định KSV phát biểu ý kiến về việc chấp hành pháp luật của các đương sự, nghĩa là KSV có quyền đánh giá việc chấp hành pháp luật tố tụng của họ và đánh giá cả việc chấp hành pháp luật nội dung trong quan hệ pháp luật bị tranh chấp. Mặc dù KSV có quyền đánh giá việc chấp hành pháp luật nội dung của các đương sự trong vụ án nhưng theo TT 04 thì KSV không phát biểu quan điểm, đường lối giải quyết về nội dung vụ án. Mặt khác khi những người tham gia tố tụng có vi phạm pháp luật (pháp luật tố tụng và pháp luật nội dung) bị KSV phát biểu tại phiên tòa thì HĐXX giải quyết như thế nào? có đưa vào bản án để đánh giá không? Thông tư 04 chỉ hướng dẫn điểm a chưa hướng dân điểm b nêu trên.

Về phạm vi kiểm sát điều 234* quy định “…kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án”.
Với phạm vi kiểm sát được giới hạn như quy định này nếu sau khi nghị án Thẩm phán, HĐXX, thư ký phiên tòa có vi phạm pháp luật tố tụng hoặc những người tham gia tố tụng có vi phạm pháp luật thì VKS thực hiện chức năng kiểm sát như thế nào? Ban hành kiến nghị hay kháng nghị? Đây cũng là một vướng mắc phát sinh trong thực tế khi KSV tham gia phiên tòa sơ thẩm giải quyết vụ án dân sự.

Những vướng mắc trên đây liên quan đến chất lượng, hiệu quả công tác kháng nghị phúc thẩm của VKSND trong quá trình thực hiện Bộ luật TTDS.

Theo số liệu thống kê từ khi thực hiện Bộ luật TTDS năm 2011 đến tháng 9/2013, VKSND hai cấp ở tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ kháng nghị về nội dung giải quyết vụ án là chính, đối với vi phạm tố tụng là rất hạn chế, vì khi phát hiện vi phạm pháp luật tố tụng thì VKSND đã phát biểu tại phiên tòa và phần lớn đã được HĐXX chấp nhận khắc phục. Khi tham gia phiên tòa phúc thẩm, tại cơ quan xét xử có ý kiến cho rằng Quyết định kháng nghị của VKSND thể hiện chức năng, quyền hạn của VKSND theo quy định của pháp luật, vì vậy VKS chỉ có quyền kháng nghị phúc thẩm đối với những vi phạm pháp luật tố tụng do VKS phát hiện nhưng không được Thẩm phán và HĐXX chấp nhận khắc phục để cấp phúc thẩm xem xét. Đối với nội dung vụ án tại cấp sơ thẩm VKS không phát biểu quan điểm, không đánh giá nội dung vụ án nên không có trách nhiệm kháng nghị về đường lối giải quyết vụ án. Mặt khác nếu quyền lợi của các bên đương sự chưa được cấp sơ thẩm giải quyết khách quan, chính xác thì họ có quyền kháng cáo để cấp phúc thẩm xem xét. Vì vậy VKSND chỉ kiểm sát về thủ tục tố tụng của cơ quan xét xử và của những người tham gia tố tụng nếu các chủ thể này vi phạm pháp luật tố tụng.

2. Hoạt động của KSV tại phiên tòa phúc thẩm

Điều 273a* Phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm
Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án dân sự ở giai đoạn phúc thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm Điều luật không quy định Kiểm sát từng chủ thể Thẩm phán, HĐXX; người tham gia tố tụng và cũng không phân biệt kiểm sát việc tuân theo pháp luật tố tụng và kiểm sát việc chấp hành pháp luật như tại phiên tòa sơ thẩm mà chỉ quy định: KSV phát biểu ý kiến của VKS về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm.

Để thực hiện Điều này Thông tư 04 đã hướng dẫn tại Điều 10  trong đó đã phân biệt 3 trường hợp xảy ra ở cấp phúc thẩm: Chỉ có kháng cáo của đương sự; Chỉ có kháng nghị của VKS; Vừa có kháng cáo của đương sự, vừa có kháng nghị của VKS.

Tùy theo từng vụ án cụ thể KSV có nhiệm vụ phát biểu các nội dung sau:

- Phát biểu ý kiến về tính có căn cứ và hợp pháp của kháng cáo. Trình bày nội dung và căn cứ của kháng nghị nếu vụ án có Kháng nghị của VKS;
- Phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật của những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng … ở giai đoạn phúc thẩm;
- Phát biểu quan điểm của VKS về việc giải quyết đối với bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị.

Khi tham gia phiên tòa phúc thẩm KSV chỉ phát biểu việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án dân sự ở giai đoạn phúc thẩm. Trong thực tiễn có vụ án cấp sơ thẩm có vi phạm tố tụng nhưng do VKS cùng cấp không phát hiện được vi phạm để kiến nghị, kháng nghị thì tại phiên tòa phúc thẩm KSV có được phát biểu ý kiến về những vi phạm đó không ? nếu KSV phát biểu là không đúng quy định của Điều luật và Thông tư hướng dẫn.

Đối với việc thay đổi, bổ sung Kháng nghị phúc thẩm Điều 256 Bộ luật TTDS quy định trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm VKS ra quyết định kháng nghị có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị nhưng không được vượt quá phạm vi kháng nghị ban đầu, nếu thời hạn kháng nghị đã hết, quy định này là không khả thi. Vì quyết định kháng nghị phúc thẩm phần lớn là của VKS cấp sơ thẩm, khi xét xử phúc thẩm thì vụ án thuộc thẩm quyền của VKS cấp trên trực tiếp, VKS ra quyết định kháng nghị không tham gia phiên tòa phúc thẩm nên không thể có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm như quy định của Điều 256. Mặt khác trong thời hạn kháng nghị (15 ngày đối với VKS cùng cấp và 30 ngày đối với VKS cấp trên trực tiếp) thì TA không thể đưa vụ án ra xét xử trong thời hạn này. Do đó có những vụ án khi nghiên cứu hồ sơ VKS cấp phúc thẩm mới phát hiện bản án có nhiều vi phạm nghiêm trọng nhưng VKS cấp sơ thẩm không phát hiện được để kháng nghị nhưng VKS cấp phúc thẩm không được bổ sung, thay đổi kháng nghị theo quy định của Điều luật trên.

Trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện trước khi mở phiên tòa phúc thẩm hoặc tại phiên tòa phúc thẩm và bị đơn đồng ý thì Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại Điều 269 Bộ luật TTDS nhưng nếu vụ án ngoài kháng cáo còn bị VKS kháng nghị thì kháng nghị của VKS được giải quyết như thế nào ?

Việc thực hiện Điều 271* của Bộ luật TTDS cũng có hai luồng ý kiến khác nhau: Ý kiến thứ nhất cho rằng Điều 273 quy định việc tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm thực hiện như tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm nên chiếu theo quy định tại Điều 232, 233, 234 thì KSV không phải là chủ thể tham gia tranh luận, mà chủ thể đó là các đương sự và người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Vì vậy việc áp dụng thứ tự phát biểu tranh luận theo quy định tại Điều 271 chỉ thực hiện đối với những chủ thể được luật quy định có quyền tham gia tranh luận mà thôi.

Ý kiến thứ hai cho rằng Điều 273 quy định thứ tự phát biểu khi tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm thực hiện theo quy định tại Điều 271* mà theo quy định tại Điều 271* trường hợp vụ án có Kháng nghị của VKS thì KSV phải trình bày nội dung kháng nghị và các căn cứ của việc kháng nghị. Do đó KSV cũng là một chủ thể tham gia tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm. Việc tranh luận của KSV là để bảo vệ quan điểm kháng nghị như đương sự tranh luận để bảo vệ kháng cáo, khi Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa có yêu cầu. Mặt khác cũng theo quy định tại Điều 271* trường hợp vừa có kháng cáo, vừa có kháng nghị thì các đương sự trình bày về nội dung kháng cáo và các căn cứ của kháng cáo trước, sau đó KSV trình bày về nội dung kháng nghị và các căn cứ của việc kháng nghị. Trong thực tiễn đã có trường hợp nội dung kháng cáo của đương sự giống hoàn toàn nội dung Kháng nghị của VKS thì giải quyết như thế nào ?

Trên đây là những vướng mắc trong thực tiễn khi KSV tham gia phiên tòa sơ thẩm và phiên tòa phúc thẩm giải quyết vụ án dân sự; cũng như khi áp dụng một số Điều của Bộ luật TTDS năm 2011. Để khắc phục những vướng mắc trên rất cần được VKSNDTC hướng dẫn một cách rõ ràng, cụ thể tạo điều kiện cho KSV thực hiện tốt chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án dân sự tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm.
 

Tin, ảnh: Lê Phước Ngưỡng - VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây