Viện kiểm sát nhân dân tối cao rút kinh nghiệm trong công tác kiểm sát việc hoãn và tạm đình chỉ thi hành án phạt tù

Thứ năm - 30/08/2012 14:14 4.816 0
Vừa qua Vụ kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, quản lý vào giáo dục người chấp hành án phạt tù (Vụ 4) đã ban hành công văn số 165/TB-VKSNDTC-V4 thông báo rút kinh nghiệm trong công tác kiểm sát việc hoãn và tạm đình chỉ thi hành án phạt tù, Trang tin xin trích đăng để bạn đọc tham khảo:
Trực tiếp kiểm sát tại trại tạm giam Công an tỉnh (Ảnh minh họa)
Trực tiếp kiểm sát tại trại tạm giam Công an tỉnh (Ảnh minh họa)
Thực hiện các quy định của pháp luật về việc cho người bị kết án phạt tù đang tại ngoại được hoãn thi hành án phạt tù (viết tắt là hoãn) và người đang chấp hành án phạt tù được tạm đình chỉ thi hành án phạt tù (viết tắt là tạm đình chỉ) khi có đủ điều kiện bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người bị kết án được thực hiện đúng theo quy định pháp luật; Năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012, việc xét hoãn, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù được Viện kiểm sát nhân dân các cấp quan tâm, phối hợp với cơ quan Tòa án cùng cấp giải quyết kịp thời, đúng pháp luật. Công tác kiểm sát việc hoãn, tạm đình chỉ thi hành án được tăng cường. Nhiều Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh đã phát hiện và ban hành kịp thời kiến nghị, kháng nghị yêu cầu Tòa án nhân dân cùng cấp chấn chỉnh, khắc phục vi phạm, tồn tại liên quan đến việc hoãn, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù. Tuy nhiên qua công tác kiểm tra của Vụ 4 trong năm 2011 và 06 tháng đầu năm 2012 vẫn còn những vi phạm, tồn tại trong công tác kiểm sát việc hoãn, tạm đình chỉ thi hành án hình sự cần được tổng hợp, thông báo rút kinh nghiệm chung.

            1. Viện kiểm sát đề nghị tạm đình chỉ chưa cụ thể; căn cứ đề nghị hoãn, tạm đình chỉ chưa đúng

           Nội dung Công văn đề nghị tạm đình chỉ còn chung chung, chưa cụ thể, như: không nêu rõ lý do tạm đình chỉ là gì: bệnh nặng thì là bệnh gì…. Do vậy, rất khó khăn cho việc nghiên cứu, đánh giá.
          Viện kiểm sát đề nghị tạm đình chỉ trong trường hợp bị bệnh nặng chưa đúng quy định, như: người bị kết án bị bệnh nhưng chưa đến mức được tạm đình chỉ như trong trường hợp bị bệnh nặng theo quy định tại hướng dẫn tại điểm 2.1 Thông tư liên tịch số 02/2006/TTLT-BCA-BQP-BYT-TANDTC-VKSNDTC ngày 18/5/2006.

            2. Viện kiểm sát chưa kiểm sát chặt chẽ nên không phát hiện ra các vi phạm của Tòa án trong việc hoãn, tạm đình chỉ

          Việc ra quyết định hoãn còn vi phạm về thời hạn:

Nghiên cứu nhiều trường hợp hoãn, thấy: Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố ra quyết định hoãn thi hành án trong trường hợp “là lao động duy nhất” còn vi phạm về thời hạn hoãn. Ví dụ: có trường hợp đã được Tòa án cho hoãn 03 lần với lý do đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; sau đó lại cho hoãn 02 lần với lý do là “lao động duy nhất” hoặc cho hoãn 02 lần với thời gian 18 tháng về lý do “là lao động duy nhất”. Như vậy, các trường hợp này đều được Tòa án nhân dân có thẩm quyền cho hoãn trong trường hợp “Là lao động duy nhất” với thời hạn trên 01 năm là vi phạm về thời hạn hoãn được quy định tại điểm c Điều 61 Bộ luật hình sự và mục c điểm 7.1 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Việc ra quyết định hoãn, tạm đình chỉ đã vi phạm về điều kiện:

Căn cứ để xác định bị bệnh nặng để hoãn không đúng quy định, như: cho hoãn với lý do bị bệnh “Rối loạn tuần hoàn não” và là bệnh án của bệnh viện cấp huyện. Căn cứ để hoãn, tạm đình chỉ chưa đúng, như: bị án đã được hoãn 01 lần với lý do bị bệnh sơ gan cổ trướng 01 lần, Tòa án lại cho hoãn tiếp 01 lần nữa với lý bị bệnh tiểu đường type II, suy nhược thần kinh, tiền sử xơ gan cổ chướng và được Hội đồng y khoa tỉnh kết luận mất khả năng lao động 71%, đề nghị điều trị tích cực. Như vậy theo Kết quả giám định khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa tỉnh bị án hiện đang bị bệnh Suy nhược thần kinh và Tiểu đường type II là những bệnh chưa phải bệnh nặng để được hoãn, còn bệnh sơ gan cổ chướng là bệnh đã được điều trị ổn định và là căn cứ để hoãn trước đó.
Hoặc tạm đình chỉ với lý do: Suy kiệt, trầm cảm, tiên lượng dè dặt; căn cứ để xác định bệnh của bị án là bệnh án của Bệnh viện đa huyện chẩn đoán, ví dụ như: Nguyễn Văn A bị suy nhược thần kinh do trầm cảm kéo dài, tình trạng khi ra viện “đỡ, giảm”. Việc ra Quyết định hoãn trong trường hợp bị bệnh nặng căn cứ vào bệnh án cấp huyện và việc xác định căn cứ để hoãn, tạm đình chỉ là bệnh nặng như các trường hợp nêu trên là chưa đúng với quy định tại điểm 2.1, 2.2 mục 2 Thông tư liên tịch số 02/2006/TTLT-BCA-BQP-BYT-TANDTC-VKSNDTC ngày 18/5/2006; mục a điểm 7.1 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 và mục e điểm 1 phần III Nghị quyết số 02/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Việc ra Quyết định hoãn chấp hành hình phạt tù không đúng đối tượng

Qua công tác kiểm tra thì thấy có trường hợp Tòa án ra Quyết định hoãn chấp hành án phạt tù không đúng đối tượng, như: bị án bị kết án ngày 26/11/2008 và được hoãn với lý do: “nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi”, thời hạn hoãn từ ngày 01/9/2009 đến 13/5/2012, nhưng trước đó, phạm nhân đang chấp hành án và được tạm đình chỉ 6 tháng theo Quyết định số 01/TĐC-THA ngày 22/01/2009 của Tòa án nhân dân quận. Như vậy, quyết định hoãn chấp hành phạt tù là chưa đúng quy định tại Điều 261, Điều 262 Bộ luật tố tụng hình sự.
           Để công tác xét và đề nghị hoãn, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù được thực theo đúng quy định của pháp luật, nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc hoãn, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù; Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 4) đề nghị đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện một số việc sau:
          1. Tổ chức thông báo rút kinh nghiệm những vi phạm, tồn tại nêu trên tới tất cả cán bộ, kiểm sát viên có liên quan để nghiên cứu, vận dụng trong quá trình kiểm sát việc hoãn, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù tại đơn vị trong thời gian tới nhằm tránh những vi phạm, sai sót trong việc đề nghị của địa phương và phát hiện kịp thời những vi phạm để có biện pháp xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật nhằm đưa công tác này tại địa phương đi vào nề nếp và đạt hiệu quả, đúng quy định pháp luật.
          2. Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác kiểm sát việc hoãn, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù và thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo theo quy định của ngành.
          3. Khi kiểm sát hồ sơ đề nghị hoãn, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù cần nghiên cứu kỹ về đối tượng, điều kiện (về tính hợp pháp, có căn cứ), thời hạn hoãn, tạm đình chỉ để việc đề nghị của Viện kiểm sát được chính xác, đúng pháp luật và phát hiện kịp thời việc Tòa án ra Quyết định hay không chấp nhận với việc đề nghị để kháng nghị khắc phục kịp thời.
          Chú ý: Khi kiểm sát việc hoãn, tạm đình chỉ trong trường hợp bệnh nặng cần phải xem xét kỹ về mức độ của bệnh mà người được đề nghị hoãn, tạm đình chỉ bị mắc phải, nếu đi thi hành án sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Căn cứ để xác định là bệnh án cấp tỉnh, bệnh đó đang được điều trị hay điều trị đã ổn định và ra viện lâu chưa? Nếu căn cứ là bản giám định y khoa cần phải xem xét kỹ, hiện tại họ đang bị bệnh gì, nếu đi thi hành án có nguy hiểm đến tính mạng hay không?. Tỷ lệ mất sức lao động không phải là căn cứ để xác định người đó bị bệnh nặng. Những trường hợp tỷ lệ mất sức lao động cao, kết luận giám định không rõ (như có tiền sử bệnh xơ gan cổ chướng như trường hợp Nguyễn Thị A), bị bệnh nặng đang điều trị ngoại trú theo phác đồ đã lâu,.v.v..nếu thấy có nghi vấn cần đề nghị giám định lại hoặc tiến hành xác minh cho chính xác.
          4. Tiến hành rà soát, xem xét lại các trường hợp đang được hoãn, tạm đình chỉ ở cả hai cấp để có biện pháp xử lý kịp thời nếu thấy có vi phạm pháp luật .

Nguồn tin: www.vksndtc.gov.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây