Tuy nhiên, do quan hệ pháp luật trong thi hành án dân sự có đặc thù của quan hệ dân sự như quyền tự định đoạt, điều kiện thi hành, hoàn cảnh thi hành... nên phải có những quy định để bảo đảm những điều kiện đó. Đặc biệt là trường hợp nội dung thi hành án bị thay đổi. Đó là khi bản án, quyết định dân sự của Toà án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm (hoặc tái thẩm) và có quyết định giám đốc thẩm tuyên huỷ một phần hoặc toàn bộ bản án hoặc quyết định của Toà án. Chẳng hạn như khi quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án, Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993 đã đưa ra 2 loại thời hiệu: Loại 3 năm đối với người được thi hành án là cá nhân, loại 01 năm đối với trường hợp người được thi hành án là cơ quan, tổ chức (Điều 21). Theo Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định chung là 5 năm, không phân biệt người được thi hành án là cá nhân hay là cơ quan, tổ chức (Điều 30). Việc quy định như vậy là hoàn thiện hơn rất nhiều nhưng để hoàn toàn hợp lý, chắc chắn vẫn còn phải kiểm nghiệm trong thực tế. Trong bài viết này, xin nêu ra một số vướng mắc khi áp dụng Luật Thi hành án dân sự và những hướng dẫn thi hành.
1. Tại khoản 3 Điều 2 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 hướng dẫn: "Đối với bản án, quyết định của Toà hành chính, Cơ quan thi hành án dân sự chỉ thụ lý và ra quyết định thi hành án đối với phần nghĩa vụ về tài sản như án phí, bồi thường thiệt hại, trả lại tài sản, giao lại đất đai được tuyên cụ thể trong bản án, quyết định của Toà án. Những nội dung khác của bản án, quyết định như tuyên bác đơn kiện, giữ nguyên quyết định hành chính hoặc huỷ quyết định hành chính, không tuyên rõ các quyền và nghĩa vụ cụ thể về các khoản tài sản nêu trên thì do cơ quan hành chính có thẩm quyền thi hành".
Hướng dẫn nêu trên nhằm giải quyết thực trạng thẩm quyền thi hành bản án, quyết định của Toà hành chính. Tuy nhiên, theo Luật Tố tụng hành chính đã được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2010, có hiệu lực pháp luật từ ngày 01/7/2011 thì thẩm quyền của Cơ quan thi hành án dân sự trong việc thi hành bản án, quyết định của Toà hành chính được quy định rộng hơn. Ngoài những việc được thi hành như nêu tại Thông tư, Luật Tố tụng hành chính quy định Cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm đôn đốc thi hành các việc mà Toà án đã xử huỷ các quyết định hành chính không phải là tài sản như: Xét xử về vụ việc cạnh tranh; huỷ quyết định buộc thôi việc; tuyên bố hành vi hành chính đã thực hiện là trái pháp luật; tuyên bố hành vi không thực hiện nhiệm vụ, công vụ là trái pháp luật; buộc cơ quan lập danh sách cử tri sửa đổi, bổ sung danh sách cử tri; quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (khoản 1 Điều 243).
Cách thức thi hành (Điều 244, Điều 245), người được thi hành án có quyền gửi đơn đề nghị Cơ quan thi hành án dân sự nơi Toà án đã xét xử sơ thẩm đôn đốc việc thi hành khi người phải thi hành án được người thi hành án yêu cầu thi hành mà vẫn không thi hành. Khi nhận được đơn đề nghị đôn đốc của người được thi hành án, Cơ quan thi hành án dân sự đôn đốc người phải thi hành án thi hành án và thông báo bằng văn bản với cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án để chỉ đạo việc thi hành án và Viện kiểm sát cùng cấp để thực hiện việc kiểm sát thi hành án. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị đôn đốc của người được thi hành án, Cơ quan thi hành án dân sự phải có văn bản đôn đốc người phải thi hành án thực hiện việc thi hành án theo đúng nội dung của bản án, quyết định của Toà án.
Hết thời hạn 30 ngày mà người phải thi hành án không thi hành thì Cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án biết để xem xét, chỉ đạo việc thi hành án và xử lý trách nhiệm.
2. Tại khoản 5 Điều 2 của Thông tư nêu trên quy định: "Trường hợp bản án, quyết định bị kháng nghị đã được tổ chức thi hành một phần thông qua bán đấu giá nay bị huỷ, sửa thì Cơ quan thi hành án tiếp tục hoàn thiện thủ tục theo quy định của pháp luật cho bên mua đấu giá, trừ trường hợp thủ tục bán đấu giá vi phạm quy định của pháp luật".
Đúng là khi người trúng đấu giá trong bán tài sản để thi hành án hoàn toàn đúng pháp luật về thi hành án thì quyền lợi của họ phải được bảo đảm mới đúng lẽ. Tuy nhiên, khi bản án tuyên sai thì dẫn đến bản án phải huỷ, dẫn đến hậu quả không còn việc phải bán đấu giá thì việc bán đấu giá tất yếu phải huỷ bởi lý lẽ: Cần phải khôi phục lại ban đầu tình trạng pháp luật bị xâm hại. Điều đó có nghĩa là quyền lợi của người có tài sản bị bán đấu giá phải được phục hồi trước tiên, rồi mới tính đến quyền lợi của người trúng đấu giá. Mặc dù việc này ít xảy ra, nhưng vẫn phải tính đến.
Chính vì lẽ đó là Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định: Người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án có quyền yêu cầu hoãn thi hành bản án, quyết định. Người đã kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có quyền quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đó cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm (Điều 286). Việc tạm đình chỉ là nhằm xem kết quả giám đốc thẩm như thế nào, mới có thể tính tiếp đến việc thi hành án sau này.
Luật Thi hành án dân sự quy định về một trong những căn cứ phải đình chỉ thi hành khi bản án, quyết định bị huỷ một phần hoặc toàn bộ (điểm b khoản 1 Điều 50) quy định về thi hành án theo kết quả của quyết định giám đốc thẩm:
- Đối với phần bản án, quyết định của Toà án huỷ, sửa bản án, quyết định của Toà án cấp dưới mà đã thi hành được một phần hoặc đã thi hành xong thì đương sự có thể thoả thuận với nhau về việc hoàn trả tài sản, phục hồi lại quyền tài sản.
- Trường hợp tài sản thi hành án là động sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản còn nguyên trạng thì cưỡng chế trả lại tài sản đó cho chủ sở hữu (khoản 3 Điều 135).
3. Theo điểm b khoản 2 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự: "Trường hợp có nhiều người được thi hành án thì việc thanh toán tiền thi hành án được thực hiện như sau: Số tiền thi hành án thu theo quyết định cưỡng chế thi hành án nào thì thanh toán cho những người được thi hành án án đã có đơn yêu cầu tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế đó. Số tiền còn lại được thanh toán cho những người được thi hành án theo các quyết định thi hành án khác tính đến thời điểm thanh toán. Số tiền còn lại được trả cho người phải thi hành án".
Vướng mắc ở đây là chưa có hướng dẫn khi số tiền còn lại sau khi đã chi trả lần đầu theo quyết định cưỡng chế, thì việc chi trả lần sau cho những người được thi hành án tiếp theo, Cơ quan thi hành án có phải ban hành một văn bản với hình thức như thế nào? Ví dụ: "Quyết định thu giữ số tiền còn lại để thi hành án".
Trường hợp chi trả này cũng ít khi xảy ra nhưng thực tế đã có một số vụ. Cơ quan thi hành án đã ra quyết định kê biên số tiền còn lại này. Ra quyết định như vậy là không đúng vì đối với tài sản là tiền, không áp dụng hình thức kê biên (xem từ Điều 76 đến Điều 81 Luật Thi hành án dân sự). Hơn nữa, số tiền còn này lại đang do Cơ quan thi hành án quản lý, không cần ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, huỷ hoại tài sản hoặc trốn tránh việc thi hành án. Cho nên không cần phải ra quyết định kê biên. Việc là này vừa không đúng, vừa dẫn đến tình trạng chỉ có người được thi hành án có tên trong quyết định kê biên được thi hành án, còn những người khác lại không được vì lại áp dụng ngay chính điểm b khoản 2 Điều 47 nói trên. Vậy, đề nghị Liên ngành tư pháp Trung ương cần hướng dẫn chi tiết quy định này theo hướng ra quyết định thu giữ số tiền còn lại để tiếp tục chi trả cho những người được thi hành án sau đó và chỉ được ra quyết định sau khi đã thanh toán hết các khoản chi phí và trả hết cho những người được chi trả lần đầu theo quyết định kê biên.