Kỹ năng xây dựng và trình bày lời luận tội của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự sơ thẩm

Thứ hai - 12/05/2014 08:36 14.488 0
Trình bày “lời luận tội” tại phiên tòa hình sự sơ thẩm là trách nhiệm của Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sau khi kết thúc phần xét hỏi để chuyển sang phần tranh luận. Nhiệm vụ này của Kiểm sát viên được quy định tại khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS). “Sau khi kết thúc việc xét hỏi tại phiên tòa, kiểm sát viên trình bày lời luận tội, đề nghị kết tội bị cáo theo toàn bộ hay một phần nội dung cáo trạng hoặc kết luận về tội nhẹ hơn; nếu thấy không có căn cứ để kết tội thì rút toàn bộ quyết định truy tố và đề nghị hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo không có tội”.
Kiểm sát viên luận tội tại phiên tòa sơ thẩm (Ảnh minh họa)
Kiểm sát viên luận tội tại phiên tòa sơ thẩm (Ảnh minh họa)
Thực tế, với thói quen của một số Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa thường nói: “Kết thúc phần xét hỏi đề nghị Kiểm sát viên đọc bản luận tội”. Theo đó, Kiểm sát viên phải chuẩn bị “bản luận tội” trước khi mở phiên tòa để đọc hay Kiểm sát viên xây dựng “lời luận tội” tại phiên tòa dựa trên kết quả kiểm tra chứng cứ (xét hỏi) để trình bày. Để hiểu và thực hiện thống nhất quy định này cần phân tích làm rõ thế nào là “đọc bản luận tội” và thế nào là “trình bày lời luận tội”; tại sao điều luật không quy định Kiểm sát viên “đọc bản luận tội” mà quy định “trình bày lời luận tội”. Có thể hiểu, nếu quy định Kiểm sát viên “đọc bản luận tội” thì Kiểm sát viên phải viết “bản luận tội” bằng văn bản trước khi mở phiên tòa, mà muốn viết trước thì chỉ căn cứ vào hồ sơ vụ án. Nếu đến phiên tòa Kiểm sát viên vừa nghe xét hỏi, vừa tham gia xét hỏi, vừa kiểm sát hoạt động xét xử thì không thể viết được bản luận tội để đọc. Còn quy định “trình bày lời luận tội” thì Kiểm sát viên chỉ chuẩn bị lời luận tội bằng cách hình thành những nội dung cơ bản, rồi căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra tại phiên toà và ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự và những người tham gia tố tụng khác tại phiên toà để tiếp tục củng cố, từ đó hình thành một dàn ý để dựa trên dàn ý đó mà trình bày. Muốn “trình bày lời luận tội” có sức thuyết phục thì buộc Kiểm sát viên phải nắm chắc nội dung vụ án để hình thành ngay trong tư duy những vấn đề cần trình bày, từ đó Kiểm sát viên định hướng những nội dung nào cần trình bày trước, những nội dung nào cần trình bày sau. Trên cơ sở đó Kiểm sát viên bàn luận, phân tích nguyên nhân, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ trách nhiệm hình sự…, từ đó đề nghị mức án phù hợp với hành vi phạm tội. Sở dĩ điều luật quy định “Kiểm sát viên trình bày lời luận tội” là vì trong quá trình kiểm sát điều tra, truy tố và kiểm sát xét xử Kiểm sát viên đã nắm chắc nội dung và các tình tiết của vụ án. Tại phiên tòa Kiểm sát viên chỉ nghe xét hỏi là đã hình thành ngay “lời luận tội” để trình bày trước phiên tòa. Thực tế, có trường hợp Kiểm sát viên căn cứ vào chứng cứ có tại hồ sơ vụ án để viết “bản luận tội” trước, nhưng khi ra tại phiên tòa Kiểm sát viên không theo dõi kết quả xét hỏi để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp mà cứ đọc nguyên “bản luận tội” nên đã đề nghị hướng giải quyết vụ án không phù hợp với kết quả thẩm tra chứng cứ. Trong khi đó mục đích Kiểm sát viên “trình bày lời luận tội” là để bảo vệ cáo trạng mà Viện kiểm sát đã truy tố và cụ thể hóa mức hình phạt theo cáo trạng (đề ra mức hình phạt) cho phù hợp với hậu quả của hành vi phạm tội mà bị cáo đã gây ra. Nếu Kiểm sát viên cụ thể hóa mức hình phạt càng sát hợp với hậu quả của hành vi phạm tội thì tính thuyết phục càng cao, tính tuyên truyền càng có hiệu quả, người nghe càng tâm phục, khẩu phục.

Có thể nói, “lời luận tội” có ý nghĩa pháp lý và chính trị rất lớn; phần trình bày lời luận tội của Kiểm sát viên thường được quan tâm theo dõi đặc biệt của những người tham dự phiên toà và công chúng. Xét về tính chất pháp lý thì lời luận tội của Kiểm sát viên chính là công cụ để Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên toà. Để “lời luận tội” có sức thuyết phục thì cùng với việc phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án trước, Kiểm sát viên còn phải tập trung chú ý, theo dõi để nắm chắc toàn bộ diễn biến tại phiên toà; tích cực, chủ động tham gia xét hỏi, ghi chép đầy đủ các ý kiến của bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác để sửa đổi, bổ sung kịp thời lời luận tội.

Muốn cho “lời luận tội” có tính thuyết phục, Kiểm sát viên cần phân biệt để tránh sự nhầm lẫn giữa bản cáo trạng và lời luận tội:

- Bản cáo trạng là văn bản pháp lý, thể hiện quan điểm của Viện kiểm sát về vụ án hình sự trên cơ sở kết quả hoạt động điều tra để quyết định truy tố bị can ra trước Toà án để xét xử. Cáo trạng là văn bản pháp lý kết thúc giai đoạn điều tra và mở đầu một giai đoạn tố tụng mới, đó là giai đoạn xét xử sơ thẩm hình sự. Theo quy định tại Điều 167 của BLTTHS thì nội dung cáo trạng phải ghi rõ ngày, giờ, tháng, năm; địa điểm xảy ra tội phạm; thủ đoạn, mục đích, động cơ phạm tội, hậu quả của tội phạm và những tình tiết quan trọng khác; những chứng cứ xác định tội trạng của bị can, những tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; nhân thân của bị can và mọi tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án. Phần kết luận của bản cáo trạng ghi rõ tội danh và điểm, khoản, điều của BLHS được áp dụng.

- Lời luận tội là sự phân tích nguyên nhân, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để có cơ sở đề nghị mức hình phạt hợp lý, đúng với hành vi phạm tội. 

Để có căn cứ đề nghị xử lý vụ án cho phù hợp, “lời luận tội” phải có đầy đủ những nội dung sau:

Phân tích đánh giá chứng cứ: Trên cơ sở xem xét, đánh giá một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ vụ án và kết quả xét hỏi công khai tại phiên toà, luận tội phải phân tích đánh giá chứng cứ nhằm chứng minh: Có hay không có hành vi phạm tội xảy ra, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội; Người thực hiện hành vi phạm tội có lỗi hay không có lỗi, lỗi cố ý hay vô ý, có năng lực trách nhiệm hình sự hay không, mục đích, động cơ phạm tội; những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và đặc điểm về nhân thân của bị cáo.

- Phân tích đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, vai trò, trách nhiệm của bị cáo từ đó đưa ra quan điểm xử lý: Qua việc phân tích đánh chứng cứ, lời luận tội cần khẳng định nội dung và quyết định truy tố ghi trong cáo trạng là hoàn toàn đúng hoặc có nội dung n cần phải thay đổi như: Thay đổi tội danh, khung hình phạt nhẹ hơn; rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bị cáo không phạm tội... Trên cơ sở đánh giá chứng cứ, Kiểm sát viên phải phân tích đánh giá chung về tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, xác định thủ đoạn, mục đích, động cơ phạm tội, hậu quả, tác hại do tội phạm gây ra. Cần đánh giá đúng mức, không được cường điệu hóa hay bỏ qua các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và các đặc điểm về nhân thân của bị cáo. Xác định nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh dẫn đến hành vi phạm tội... Đối với những vụ án có nhiều bị cáo, phạm nhiều tội khác nhau, luận tội trước hết phải phân tích đánh giá tổng hợp về vụ án, sau đó mới đi vào phân tích vai trò, trách nhiệm của từng bị cáo trong vụ án. Khi phân tích, cần tuân theo thứ tự từ bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng trước đến bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng sau; có thể xếp thành nhóm bị cáo để phân tích. Làm rõ bị cáo nào giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu, bị cáo nào bị rủ rê lôi kéo hoặc vai trò đồng phạm của các bị cáo trong vụ án.... Nếu bị cáo phạm nhiều tội phải đề nghị hình phạt cho từng tội và tổng hợp hình phạt. Đối với các tội phạm mà theo quy định của BLHS việc áp dụng hình phạt bổ sung là bắt buộc thì phải đề xuất áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo. Đối với các tội mà BLHS quy định có tính chất tuỳ nghi thì phải xem xét, cân nhắc để đề nghị. Trên cơ sở phân tích đánh giá chứng cứ, tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, vai trò, trách nhiệm của bị cáo để kết luận bị cáo đó đã phạm tội gì, tội đó được quy định tại điểm, khoản, điều nào của BLHS để đề nghị mức hình phạt cho phù hợp. Đây là nội dung rất quan trọng của lời luận tội.

- Phân tích những sơ hở, thiếu sót trong quản lý nhà nước để kiến nghị phòng ngừa: Qua thực tiễn xét xử các vụ án hình sự cho thấy phần lớn các hành vi phạm tội đều xuất phát từ những sơ hở, thiếu sót của các cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, lời luận tội cần phân tích những sơ hở, thiếu sót đó và có kiến nghị các cơ quan hữu quan kịp thời khắc phục các vi phạm cũng như các sơ hở, thiếu sót góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp.

Kiểm sát viên muốn trình bày lời luận tội có tính thuyết phục cần bảo đảm các yêu cầu sau:

Trình bày lời luận tội phải thể hiện văn phong trong sáng, mạch lạc, dễ hiểu; bố cục phải chặt chẽ, đảm bảo tính lôgíc, không trình bày lộn xộn, trùng lắp, nội dung quá dài hoặc nêu lại diễn biến vụ án theo cáo trạng. Phải phân tích đánh giá các chứng cứ của vụ án một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ; đánh giá đúng tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, hậu quả gây ra, vai trò trách nhiệm và nhân thân của bị cáo, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, tránh việc phân tích tính chất, mức độ phạm tội thì rất nghiêm trọng nhưng khi đề nghị xử lý thì lại quá nhẹ. Lời luận tội phải được sử dụng ngôn ngữ một cách chuẩn xác, đúng thuật ngữ pháp lý, không dùng những từ ngữ xúc phạm bị cáo, không dùng những từ địa phương. Các chứng cứ chứng minh nêu trong lời luận tội phải là các chứng cứ đã được xem xét, kiểm tra tại phiên tòa. Khi kết tội đối với bị cáo hoặc bác bỏ những quan điểm không phù hợp đối với những người tham gia tố tụng cần phải dùng chứng cứ để chứng minh nhằm bảo đảm lời luận tội của Kiểm sát viên phải có tính thuyết phục đối với Hội đồng xét xử, những người tham gia tố tụng tại phiên tòa, sự đồng tình, ủng hộ của những người tham dự phiên tòa và dư luận xã hội.

Tin, ảnh: Thanh Nghị

Nguồn tin: Theo Kiểm sát online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây