Cần sớm hoàn thiện pháp luật đối với người chưa thành niên trong Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam

Thứ sáu - 27/12/2013 09:38 5.897 0

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa
Tình hình tội phạm chưa thành niên ở nước ta trong những năm qua có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Hàng năm, lực lượng điều tra hình sự phải tiếp nhận, xử lý hàng ngàn vụ việc liên quan đến người chưa thành niên. Do vậy yêu cầu sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật TTHS về bảo vệ quyền riêng tư của người chưa thành niên trong vụ án hình sự đang là vấn đề được đặt ra.

Xuất phát từ yêu cầu bảo vệ đặc biệt đối với trẻ em vi phạm pháp luật hình sự khi tham gia vào quá trình tố tụng, Bộ luật tố tụng hình sự đã dành chương riêng (chương XXXII) quy định hoạt động tố tụng đối với người chưa thành niên phạm tội. Về nguyên tắc, khi có liên quan đến một vụ án hình sự, người chưa thành niên có quyền và nghĩa vụ tương ứng như người đã thành niên. Đồng thời có những quy định có lợi hơn so với người đã thành niên như Bộ luật tố tụng hình sự quy định bắt buộc phải có người bào chữa đối với người chưa thành niên phạm tội (Điều 305 BLTTHS), Quy định thành phần Hội đồng xét xử phải có hội thẩm là giáo viên hoặc cán bộ đoàn thanh niên (Điều 307 BLTTHS)... Những qui định đó đã đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm lứa tuổi chưa thành niên.

Song, xét từ nhiều góc độ thì pháp luật Việt Nam nói chung, pháp luật tố tụng hình sự nói riêng chưa hoàn toàn phù hợp với pháp luật quốc tế, mà trước hết là Công ước quốc tế về quyền trẻ em (CRC).

 Điều 40 CRC ghi nhận:
Mọi trẻ em bị công nhận đã vi phạm pháp luật hình sự, cách thức đối xử cũng phải tính đến lứa tuổi của trẻ em và tính đến điều đáng mong muốn là làm sao giúp các em tái hòa nhập xã hội”

Trong hoạt động hỏi cung bị can, lấy lời khai người bị hại, người làm chứng chưa thành niên của CQĐT; có nơi, có thời điểm cán bộ điều tra chưa có phương pháp tác động tâm lý phù hợp với từng đối tượng, chưa phân biệt rõ ràng thủ tục tố tụng giữa người chưa thành niên và người đã thành niên nên có trường hợp vi phạm thủ tục hoặc dọa nạt khiến tâm lý bị can càng thêm hoang mang lo sợ, khai báo không đúng sự thật ảnh hưởng đến việc làm rõ sự thật khách quan vụ án.

Theo quy định của CRC, trẻ em được bảo vệ khỏi sự can thiệp vô cớ vào thư tín và sự riêng tư:

1. Không trẻ em nào phải chịu sự can thiệp tùy tiện hay bất hợp pháp vào việc riêng tư, gia đình, nhà cửa hoặc thư tín cũng như những sự công kích bất hợp pháp vào danh dự và thanh danh của các em.

2. Trẻ em có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại sự can thiệp hay công kích như vậy.” (Điều 16 CRC).
Mọi điều riêng tư của đứa trẻ đều được hoàn toàn tôn trọng trong suốt tất cả các giai đoạn của quá trình tố tụng”(Điểm b.vii khoản 2 Điều 40 Công ước).

Điều 307 bộ luật TTHS Việt Nam có quy định:

“1. Thành phần Hội đồng xét xử phải có một Hội thẩm là giáo viên hoặc là cán bộ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể quyết định xét xử kín.”

Toà án có thể quyết định xét xử kín đối với người chưa thành niên phạm tội, nhưng hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn như thế nào là “trường hợp cần thiết” nên quy định trên rất khó thực hiện.  Với quy định này, hiện nay phần lớn các vụ án có người chưa thành niên là bị cáo được tiến hành xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự; báo chí có thể viết bài, đưa tin nêu rõ danh tính bị cáo nhỏ tuổi. Như vậy, vấn đề bảo vệ bí mật đời tư của người chưa thành niên, đặc biệt là trẻ em trong các vụ án hình sự chưa được quy định đầy đủ, gây tổn thương cho các em trong quá trình tố tụng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự hòa nhập của các em khi về với cộng đồng. Bởi lẽ điều này có khả năng gây ra sự kỳ thị đối với các bị cáo nhỏ tuổi khi họ bị “gắn mác” là tội phạm hình sự. Chính điều này đã làm ảnh hưởng đến đời tư của người chưa thành niên, không đảm bảo được quy định của Công ước về quyền trẻ em mà Việt Nam đã tham gia.

Một điều đáng lo ngại nữa là vấn đề xét xử lưu động đối với người chưa thành niên. Hiện nay, xét xử lưu động được xem là hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Tuy nhiên, với việc xét xử lưu động mà bị cáo là người chưa thành niên, dường như quy đinh này không phù hợp với CRC mà nước ta là thành viên trong việc bảo vệ bí mật đời tư, cái mà có thể gây tai hại cho cuộc đời của các em sau này, đặc biệt là trong một số vụ án mà bị hại cũng là người chưa thành niên. Việc xét xử lưu động công khai đối với một bị cáo nhỏ tuổi (Lứa tuổi rất cần sự đùm bọc, che chở của xã hội) không khác gì đóng một con dấu đen vào cuộc đời của em, không biết đến bao giờ mới gột rửa được. Tôi xin phép mượn câu nói của Luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh): “xử lưu động cũng đồng nghĩa với việc đẩy thêm trẻ vào ngõ cụt vì tạo cho chúng cảm giác bị cô lập, luôn nghĩ rằng bản thân đã có sẹo. Đó cũng là mầm mống của thói xấu, của tội ác sau này. Có rất nhiều cách giúp chúng nhận thức sai lầm, sao cứ phải xử lưu động?”.

Hiện nay, ngoài quy định về hoạt động tố tụng đối với bị cáo chưa thành niên thì pháp luật chưa có quy định thủ tục tố tụng đối với bị hại, người làm chứng là trẻ em trong vụ án hình sự.

Trên cơ sở xem xét sự phù hợp giữa các quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam với Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã ký kết, thấy rằng, bên cạnh những nỗ lực đáng kể của Việt Nam trong việc thực hiện CRC thì vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cho chúng ta, một trong đó là cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt là pháp luật TTHS về bảo vệ quyền riêng tư của người chưa thành niên trong vụ án hình sự như trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo,… Cụ thể, trong thời gian tới, Nhà nước cần nghiên cứu và nhanh chóng sửa đổi một số quy định của pháp luật TTHS còn gây ra vướng mắc trong quá trình thực hiện:

Thứ nhất, người chưa thành niên là đối tượng chưa phát triển đầy đủ về tâm sinh lý, tinh thần, dễ bị tổn thương cũng như không có khả năng tự bảo vệ bản thân của các em trước những sự xâm phạm trong quá trình tiến hành điều tra. Thực tế cũng đã chỉ ra có rất nhiều vụ việc Điều tra viên vi phạm pháp luật dẫn tới những hậu quả đau lòng, ảnh hưởng tới sự phát triển toàn diện về tâm sinh lý của những đối tượng là trẻ em, người chưa thành niên. Do vậy, trong thời gian tới, Nhà nước ta nên tiếp tục nghiên cứu để nhân rộng mô hình “Phòng điều tra thân thiện” nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích của trẻ em, đồng thời đảm bảo tính pháp lý của các vụ án. “Phòng điều tra thân thiện” được xây dựng đúng như tên gọi của nó, thân thiện từ màu sơn, bố cục gian phòng, có một số đồ chơi dành cho nhân chứng, bị hại, bị can là trẻ em. Các Điều tra viên sẽ không trực tiếp ngồi đối diện với các em như trước đây, mà sẽ ngồi sau những tấm kính một chiều để ghi lời khai. Các em sẽ không nhìn thấy cán bộ công an nên sẽ thoải mái hơn khi trả lời câu hỏi. Cùng với đó là việc nên thành lập một bộ phận chuyên trách trong các đơn vị của CQĐT gồm những Điều tra viên đã được đào tạo, tập huấn, trang bị đầy đủ những kiến thức về tâm sinh lý trẻ em, người chưa thành niên;

Thứ hai, Xây dựng và hoàn thiện Toà án người chưa thành niên; là Toà án chuyên trách trong hệ thống Toà án hiện nay có thẩm quyền xét xử đối với những vụ án hình sự có sự tham gia của bị cáo chưa thành niên; bị hại, người làm chứng là trẻ em. Nghiên cứu xây dựng quy trình tự tố tụng riêng biệt đối với bị can, bị cáo chưa thành niên phạm tội; bổ sung quy định về hoạt động tố tụng đối với người bị hại, người làm chứng là trẻ em; Toà án chỉ được xét xử kín, không tiến hành xét xử lưu động những vụ án này.

Thứ ba, Đào tạo đội ngũ cán bộ tư pháp chuyên trách tiến hành tố tụng đối với vụ án người chưa thành niên.Tuyển chọn, đào tạo kiến thức chuyên sâu về tâm lý trẻ em, khoa học giáo dục cũng như các kỹ năng làm việc phù hợp với trẻ em cho đội ngũ cán bộ tư pháp là hết sức cần thiết.

-------------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo

1.    Công ước về Quyền trẻ em ngày 20-11-1989;
2.    Bộ luật Tố tụng hình sự nước CHXHCN Việt Nam năm 2003;
3.    Báo điện tử: www.anninhthudo.vn/Phap-luat/
4.    Báo điện tử: www.laodong.com.vn/Phap-luat/
5.    Báo điện tử: www. http://phapluattp.vn

Tin, ảnh: Nguyễn Cao Cường - Viện KSND huyện A Lưới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây