Vào những ngày đầu năm 1946, sau khi học một lớp đào tạo tại khu Bốn cột ở ngã tư Vọng Hà Nội, tôi được điều động về làm chính trị viên đại đội một, làm nhiệm vụ bảo vệ Bắc Bộ phủ, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc. Nhà Bắc Bộ phủ gồm 3 tầng, tầng trên cùng là nơi Bác Hồ và cụ Huỳnh Thúc Kháng - Phó Chủ tịch nước làm việc. Tầng hai là nơi để Bác và cụ Huỳnh tiếp khách, đồng thời là phòng họp của Chính phủ. Tầng một thường gọi là tầng hầm, được bố trí làm nhà bếp, nấu cơm hàng ngày của Cụ Hồ và Cụ Huỳnh Thúc Kháng và là nơi trú quân của cán bộ chiến sĩ đại đội một chúng tôi. Ở trên tầng 3 nhưng hàng ngày Bác xuống tầng một để hỏi thăm sức khoẻ của cán bộ chiến sĩ. Một hôm Bác xuống thăm đúng vào giờ ăn cơm trưa, thấy trong mâm cơm chỉ có đĩa rau muống luộc, vài miếng đậu phụ kho tương, với bát nước luộc rau, Bác hỏi: "Các chú ăn có được no không?". Tôi thay mặt cán bộ chiến sĩ thưa lại với Bác. "Dạ thưa Cụ ...", (hồi ấy chúng tôi thường gọi Bác là Cụ, để biểu lộ lòng tôn kính vị Chủ tịch nước, sau này được phép mới gọi bằng Bác). Giọng Bác bùi ngùi, Người nói: "Nước ta mới giành được chính quyền, lại vừa qua nạn đói khủng khiếp năm 1945, nên còn nghèo lắm. Nay đang phải đối phó với cả ba thứ giặc: Giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm nên Chính phủ chưa thể tăng tiêu chuẩn ăn cho bộ đội. Các chú cố gắng tăng gia tự túc được rau, dồn tiền mua thêm ít thịt cá để cải thiện bữa ăn". Rồi Bác hỏi: “Mỗi tuần các chú vẫn nhịn ăn một bữa để cứu đói đấy chứ?". Tôi thưa lại với Bác: "Dạ thưa Cụ hàng tuần vào chiều thứ sáu chúng cháu vẫn thực hiện nhịn ăn một bữa để góp gạo cứu đói ạ". Nghe chúng tôi thưa lại Người trầm ngâm suy nghĩ, nhìn anh em từ đầu đến chân rồi lặng lẽ bước lên cầu thang.
Mấy ngày sau, tôi triệu tập cán bộ tiểu đội, trung đội lên phổ biến chỉ thị mới của Cụ: Từ nay các chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ ở Bắc Bộ phủ không phải nhịn ăn mỗi tuần một bữa nữa để bảo đảm sức khoẻ thực hiện nhiệm vụ.
Nghe tôi phổ biến xong anh em ai nấy đều xúc động, muốn khóc, nghĩ rằng hàng tuần vào chiều thứ 6 bếp nấu ăn cho Cụ Hồ và Cụ Huỳnh đều không nhóm lửa vì hai cụ vẫn làm gương nhịn ăn một bữa trong tuần để cứu đói cho đồng bào, bộ đội mình luyện tập và canh gác tuy có mệt nhưng làm sao mệt bằng các Cụ trăm công nghìn việc?
Bác Hồ còn chăm sóc đến giấc ngủ của các chiến sĩ. Một đêm đã khuya tôi đi thay phiên gác về, chợt trông thấy một bóng người đi đến từng giường, giắt lại màn cho từng chiến sĩ. Một chiến sĩ ngủ say bỏ tay ra ngoài, Người nhẹ nhàng nhấc bàn tay đặt vào rồi giắt lại màn rất cẩn thận. Lúc đầu tôi cứ tưởng là đồng chí đại đội trưởng đi kiểm tra, khi đến gần, tôi giật mình nhận ra Bác Hồ, vị Chủ tịch nước của chúng ta! Tôi bước nhẹ nhàng đến gần Bác cất tiếng chào: "Cháu chào Cụ ạ”. Bác quay lại hỏi: “Chú là chỉ huy phải không?”. Tôi thưa lại: “Dạ thưa Cụ vâng ạ”. Tôi nhớ đêm hôm ấy là vào tháng 7 âm lịch, trời rất nóng. Gian buồng của tiểu đội một chúng tôi lại ở gian giữa, không có quạt, không có cửa sổ cho nên càng nóng hơn, ban đêm muỗi lại nhiều. Bác nhìn tôi, lại nhìn các giường kê sát nhau, Bác nói: “Trời nóng thế này anh em ngủ sao được. Trên tầng 2 rộng rãi lại có quạt trần, từ nay đêm nào nóng quá lên đó mà ngủ, sáng ra dọn dẹp xong lại xuống, còn bây giờ các chú có thể lên ngay". Tôi thưa lại: "Cháu cảm ơn Cụ, nhưng để cháu báo cáo lại với cấp trên của cháu cho đúng quy định, nếu không thì sáng mai cháu bị khiển trách”. Bác nói ngay: “Đã khuya rồi, đừng báo cáo các chú chỉ huy nữa, chú cứ cho anh em lên tầng 2 ngủ, sáng mai cấp trên của chú có hỏi, chú cứ báo cáo là Bác Hồ đã cho phép. Nếu chú bị khiển trách thì Bác sẽ chịu trách nhiệm cho".
Từ ngày ấy, mấy chục nghìn ngày đã trôi qua, nhưng ấn tượng về sự chăm sóc ân cần của Bác Hồ đối với chiến sĩ vẫn in đậm trong tâm trí tôi. Với tấm lòng thành kính, tôi ước mong sao ai cũng học tập được một chút ít gì dù nhỏ nhoi theo tấm tương đạo đức của Người - quan tâm ân cần đối với những người sống quanh ta.