Để tạo thêm niềm tin, vững tâm tiến lên “chiến thắng mọi tính xấu trong mình ta” (1) theo lời kêu gọi của Bác Hồ, chúng ta hãy cùng nhau ôn lại những lời dạy chí tình, sâu sắc của Người đối với cán bộ, đảng viên trong các giai đoạn phát triển của cách mạng.
Bác Hồ kính yêu là lãnh tụ lỗi lạc của toàn dân tộc, là người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng, nhà nước ta, lãnh đạo công cuộc giữ nước và dựng nước. Người đặc biệt quan tâm vấn đề xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, những người đem đường lối của Đảng đến quần chúng và tập hợp, tổ chức quần chúng tiến hành cách mạng. Theo Người, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc” (2) “công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Vì vậy Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta” (3).
Suốt cuộc đời Người, mặc dù phải quán xuyến trăm công ngàn việc cách mạng, Bác vẫn luôn là “người làm vườn” cần mẫn, ra sức chăm chút “vun trồng những cây cối quý báu” của Đảng, Nhà nước và của nhân dân ta. Một trong những bài giảng quan trọng của Người truyền đạtlớp cán bộ đầu tiên năm 1927 tại hải ngoại là phải thường xuyên trau dồi “tư cách một người cách mệnh” (4). Bản thân từng người phải rèn luyện ra sao; đối với đồng nghiệp, đồng chí, đối với nhà nhân dân, đối với công việc phải như thế nào?...
Ngay sau khi đọc “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà được nửa tháng, ngày 17-9-1945, trong Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà (Nghệ An), Bác căn dặn: “Cán bộ ta nhiều người cúc cung tận tụy, hết lòng trung thành với nhiệm vụ, với chính phủ, với quốc dân. Nhưng cũng có nhiều người hủ hóa, lên mặt làm quan cách mạng, hoặc là độc hành, độc đoán, hoặc là vì công vinh tư. Thậm chí dùng phép công để báo thù tư (, làm cho dân oán đến Chính phủ và đoàn thể . Những khuyết điểm trên, nhỏ thì làm cho dân chúng hoang mang, lớn thì làm cho nền đoàn kết lay động. Chúng ta phải lập tức sửa đổi ngay…” (5). Giáo dục cách làm người, làm cán bộ và phê bình, phê phán những thói hư tật xấu trong đội ngũ cán bộ, đảng viên là những việc làm thường xuyên thắm tình đồng chí, đòi hỏi phải tiến hành bền bỉ, liên tục. Gần 2 tháng sau khi thành lập chính quyền nhân dân trong cả nước, ngày 17-10-1945, trong Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Bác nêu 6 căn bệnh của cán bộ, công chức thời bấy giờ. Đó là ‘trái phép”, do tư thù tư oán mà bắt bớ trái phép, tịch thu bừa bãi; “cậy thế”, cho mình là người của ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy; “hủ hóa”, muốn ăn ngon mặc đẹp, chi tiêu ngày càng xa xỉ, lấy của công dùng vào việc tư; “tư túng”, kéo bè kéo cánh, không tài năng gì cũng đưa vào chức này chức nọ; “chia rẽ”, bênh vực lớp này chống lại lớp kia; “kiêu ngạo”, lúc nào cũng lên mặt “quan cách mạng”, coi khinh quần chúng. Người phê phán gay gắt những “lầm lỗi rất nặng nề nói trên”, đồng thời chỉ rõ: “chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa” (6). Sự nghiệp cách mạng phát triển, công việc ngày càng nhiều, cán bộ đảng viên tăng thêm. Do thiếu tư tưởng, rèn luyện, không ít người đã vi phạm khuyết điểm và những khuyết điểm đó mang nặng dấu ấn của “quan cai trị”, “người cầm quyền” dưới thời kỳ thống trị của thực dân, phong kiến.
Sau ngày toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta (12-1946), trong vòng một, hai tháng, chính quyền non trẻ của chúng ta buộc phải rời thành phố chuyển về nông thôn và miền núi để điều hành công cuộc chiến đấu thần thánh của nhân dân ta chống kẻ xâm lược và bè lũ tay sai, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, ngày 1-3-1947, trong Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ, Bác đã nêu tám khuyết điểm “phải kiên quyết tẩy sạch” (7). Đó là: “Địa phương chủ nghĩa”, chỉ biết đến lợi ích của địa phương mình, bộ phận mình; “Óc bè phái”, nghe người, dùng người hẩu với mình; “óc quân phiệt quan liêu”, hống hách, như một “ông vua con” ở nơi mình phụ trách; “óc hẹp hòi”, không biết dùng chỗ hay của người khác và giúp họ chữa chỗ dở; “ham chuộng hình thức”, thích hình thức bề ngoài, phô trương cho oai; “làm việc lối bàn giấy”, thích làm việc kiểu giấy tờ, chỉ tay năm ngón, ít đi vào quần chúng, bám sát thực tiễn; “vô kỷ luật, kỷ luật không nghiêm”, việc dễ thì làm, khó thì bỏ, bỏ địa phương khi chiến tranh lan đến; “ích kỷ, hủ hóa”, thích ăn ngon mặc đẹp, xa hoa, chỉ lo danh lợi của bản thân mình…
Những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp và bè lũ tay sai,công việc thật bộn bề, khó khăn gian khổ chồng chất không sao kể xiết. Bác cùng Bộ Chính trị tập trung mọi công sức vào công tác đối nội, đối ngoại của một chính quyền non trẻ đang còn thiếu thốn mọi bề. Cùng với việc xây dựng bộ máy kháng chiến, kiến quốc từ trên xuống dưới, Người đã dành nhiều thời gian cho việc xây dựng, rèn luyện, uốn nắn những lầm lỗi, lệch lạc của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đúc kết kinh nghiệm hoạt động của bộ máy chính quyền từ sau ngày giành được độc lập, nhất là trong gần một năm điều hành công cuộc kháng chiến, kiến quốc, tháng 10-1947, Bác cho ra đời tập sách “Sửa đổi lối làm việc”, một cẩm nang gối đầu giường của đông đảo của cán bộ, đảng viên. Bác nghiêm khắc đòi hỏi từng tổ chức, từng người: “Ngay từ bây giờ, các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải như thế Đảng mới nhanh chóng phát triển, công việc mới chóng thành công” (8). Nội dung tập sách là những lời chỉ dẫn cụ thể cán bộ đảng viên về phương pháp lãnh đạo và tác phong công tác của người chiến sĩ cách mạng. Bác đã nêu lên khá nhiều khuyết điểm của không ít cán bộ, đảng viên và chỉ dẫn cách thức chữa từng căn bệnh cụ thể. Những khuyết điểm đó, theo Người, có thể xếp vào ba loại: “Khuyết điểm về tư tưởng, tức là bệnh chủ quan. Khuyết điểm về sự quan hệ trong Đảng và ngoài Đảng, tức là bệnh hẹp hòi. Khuyết điểm về cách nói và cách viết, tức là ba hoa (9). Ba “chứng bệnh nguy hiểm” này nếu không chữa ngay để nó lây ra, thì có hại vô cùng.
Trong sách này, Bác đã nêu lên hàng loạt chứng bệnh tệ hại khác và mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Kẻ địch bên trong của mỗi người cán bộ, đảng viên. Người phân tích sâu sắc: “Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong ta đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra” (10). Những chứng bệnh này là bước phát triển tất nhiên của những chứng bệnh cũ. Đó là: “Bệnh nể nang”,làm ngơ trước sai lầm của người quen biết, họ hàng, thân thích; “bệnh tham lam”, tự tư tự lợi, đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích dân tộc, “bệnh lười biếng”, tự cho mình là cái gì cũng biết, việc gì cũng giỏi, lười suy nghĩ, lười học tập, dành lấy việc dễ, đẩy việc khó cho người; “bệnh kiêu ngạo”, tự cao tự đại, ham địa vị, danh vọng, hay lên mặt, thích được tâng bốc; “bệnh hiếu danh”, tự cho mình là anh hùng, quan trọng, không chịu làm những công tác thiết thực; “thiếu kỷ luật”, đặt mình lên trên tổ chức, thích sao làm vậy; “óc hẹp hòi”, khinh người, không cân nhắc người tốt, sợ người ta hơn mình; “óc lãnh tụ”, làm được một vài việc thì cho mình đáng là lãnh đạo, lãnh tụ ở địa phương, đơn vị; “bệnh hữu danh vô thực”, làm việc không thiết thực, làm cho có chuyện, làm ít nói nhiều; “kéo bè kéo cánh”, từ bè phái dẫn đến chia rẽ, hợp với mình thì dở cũng cho là hay, che đậy cho nhau; “bệnh cận thị”, không nhìn xa thấy rộng; “bệnh tị nạnh”, cái gì cũng muốn “bình đẳng”, cào bằng như nhau; “xu nịnh, a dua”, bốc thơm cấp trên và những người có quyền thế, theo gió bẻ buồm…những chứng bệnh trên bắt nguồn từ “bệnh cá nhân”, mọi suy nghĩ việc làm đều xuất phát từ lợi ích cá nhân và đặt lợi ích cá nhân lên trên hết, trước hết. Tất cả đều vì cá nhân, vì gia đình mình, vì phe nhóm mình. Bác khẳng định: mắc những căn bệnh đó là do “kém tính đảng”, mắc một trong những bệnh đó “là hỏng việc”. Người căn dặn “chúng ta phải ráo riết dùng phê bình và tự phê bình để giúp nhau chữa cho hết những bệnh ấy” (11). Từ đây, Bác đã nói đến chỉ đích danh và phê phán gay gắt “bệnh cá nhân”- chủ nghĩa cá nhân trong con người cán bộ, đảng viên.
“Báo cáo chính trị” do Bác trình bày tại Đại hội lần thứ II của Đảng (2-1951) một lần nữa nhấn mạnh “những khuyết điểm khá phổ thông và nghiêm trọng” lúc ấy là “những bệnh chủ quan, quan liêu, mệnh lệnh, hẹp hòi và bệnh công thần” (12). Sau đó, ngày 2-9-1951, trong bài báo “Cần tẩy sạch bệnh quan liêu mệnh lệnh”, Bác chỉ rõ: Bệnh quan liêu mệnh lệnh là do xa nhân dân, khinh nhân dân, không tin cậy nhân dân, không hiểu biết nhân dân, không yêu thương nhân dân, sợ nhân dân… và Người căn dặn: “Bệnh quan liêu mệnh lệnh chỉ đưa đến một kết quả là hỏng việc. Vì vậy chúng ta phải mau mau chữa bệnh nguy hiểm ấy” (13).
Từ năm 1952, Bác Hồ đã lưu ý và kêu gọi cán bộ, đảng viên, nhân dân phải thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu. Người nói: “Tham ô là kẻ cướp. Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất có hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô. Mà có nạn tham ô và lãng phí là vì bệnh quan liêu. Muốn trừ nạn tham ô, lãng phí thì trước mắt phải tẩy sạch bệnh quan liêu” (14).
Miền Bắc (từ Quảng Bình trở ra) được hoàn toàn giải phóng sau chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954. Từ đó, nhân dân miền Bắc bước vào giai đoạn khôi phục kinh tế, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiến dần vào giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà. Đất nước chuyển từ chiến tranh sang hòa bình, đi sâu vào lĩnh vực xây dựng, phát triển kinh tế xã hội, văn hóa, xây dựng cuộc sống mới. Sống và hoạt động một thời gian dài trong cơ chế quan liêu bao cấp và xin cho, số đông cán bộ đảng viên hoạt động năng động có hiệu quả. Song không ít người đã sớm quên đi những ngày sống cực khổ, khó khăn, chia ngọt sẻ bùi bên nhau trong thời kỳ kháng chiến. Họ nhiễm nặng “bệnh cá nhân”- chủ nghĩa cá nhân, bắt đầu suy tính nhiều hơn và trước hết cho lợi ích cá nhân, gia đình và lợi ích phe nhóm. Ở họ, chủ nghĩa cá nhân nảy sinh và chiếm vị trí chi phối trong suy nghĩ cũng như việc làm hằng ngày, mà trước kia Bác thường gọi là “bệnh cá nhân”.
Từ thời điểm này, cùng với việc phê phán chủ nghĩa cá nhân, Bác luôn đề cao đạo đức cách mạng và chỉ rõ người cách mạng phải kiên quyết loại trừ chủ nghĩa cá nhân ra khỏi đầu óc mình. Bác phân tích rõ nguồn gốc và những tác hại của chủ nghĩa cá nhân: “vết tích xấu xa nhất và nguy hiểm nhất của xã hội cũ là chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng…, là một thứ rất gian xảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc”, nó “là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó” (15). Đúng như vậy, người có đầu óc cá nhân chủ nghĩa thường ít hoặc không nghĩ đến lợi ích chung của cách mạng, của nhân và và cộng đồng chung quanh họ, mà thường lo cho lợi ích riêng của cá nhân cũng như của phe nhóm mình, đặt nó lên trên lợi ích chung của đất nước, của tập thể. Họ là những người tham danh, hám lợi, thích địa vị, hay so bì, tị nạnh. Có chút thành tích thì tự cao, tự đại, kiêu ngạo, công thần, gây lủng củng chia rẽ nội bộ. Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra chủ nghĩa tự do, quan liêu mệnh lệnh, tham ô lãng phí, lười biếng…; đẻ ra biết bao thói hư tật xấu và hằng trăm hàng ngàn căn bệnh nguy hiểm. Người mang nặng chủ nghĩa cá nhân thì việc gì cũng chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân, của phe nhóm trước hết. Họ ngại gian khổ, khó khăn, chỉ nghĩ đến hưởng thụ, ăn chơi sa đọa, biến chất. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành, tự cao tự đại coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán chuyên quyền, xa rời quần chúng, xa rời thực tế, không có tinh thần học hỏi cố gắng vươn lên. Họ thường tạo thành phe nhóm, gây mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, gây tổn hại lợi ích cách mạng…
Bác Hồ đã khẳng định: “Cái gì trái với đạo đức cách mạng đều là chủ nghĩa cá nhân. Muốn thành người cách mạng, thành người cộng sản chân chính thì phải chống chủ nghĩa cá nhân” (16). Người chỉ rõ: “Do cá nhân chủ nghĩa mà phạm nhiều sai lầm” và đòi hỏi mỗi cán bộ đảng viên phải “phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật. Phải đi sâu đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thực sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Phải cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt nhiệm vụ” (17).
Bác kính yêu của chúng ta đi xa đã 44 năm nhưng Tư tưởng Hồ Chí Minh và những quan điểm, chỉ dẫn của Người về xây dựng, rèn luyên, bồi dưỡng, quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên đã và đang chiếu sáng cho từng bước đi của mỗi người. Bác luôn tỏ rõ lòng nhân từ độ lượng đối với mọi người, nhưng cũng rất nghiêm khắc với những lầm lỗi, vi phạm khuyết điểm, làm tổn hại đến thanh danh của Đảng. Làm theo lời chỉ bảo ân cần, chí tình của Bác, phát huy những kết quả bước đầu của đợt tự phê bình và phê bình theo tinh thần NQTƯ4 khóa XI, mỗi người chúng ta hãy luôn nghiêm khắc với bản thân mình và thường xuyên nhắc nhở nhau khắc phục những vi phạm, thiếu sót đã được làm sáng tỏ, đấu tranh kiên quyết với những vi phạm, xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với những người cố tình đi ngược lại kỷ luật đảng, pháp luật nhà nước và kỷ cương xã hội. Đó cũng là điều Bác Hồ mong muốn ở mỗi người, đã từng chỉ bảo chúng ta trong một cuộc đời lãnh đạo cách mạng của Bác. Những lời căn dặn của Người hãy còn nguyên giá trị thực tiễn trong cuộc đấu tranh khắc phục những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của kinh tế thị trường phản ánh trong suy nghĩ, hành động của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
(1),(2),(3),(7),(8),(9),(10),(11) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG - Sự thật, H.2002, tập 5, tr. 660, 269, 273, 71, 233, 233, 238-239, 267.
(4) Sđd, tập 2, tr. 260. (5), (6) Sđd, tập 4, tr. 21, 57. (12),(13),(14) Sđd, tập 6, tr. 167, 293, 489. (15), (16) Sđd, tập 9, tr. 283, 292, 448. (17) Sđd, tập 12, tr. 439.