Khu vườn bên kia bờ Thái Bình Dương
|
Tôi tìm thấy bài báo giới thiệu về một công viên văn hóa tôn vinh Bác Hồ trong một website của chính quyền thủ đô Mexico.
“Hồ Chí Minh là một biểu tượng cho sự đấu tranh giành độc lập, tự do của các dân tộc. Vì thế, cần có một công viên tôn vinh Hồ Chí Minh, cũng vừa là một không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Mexico”, Thị trưởng thành phố Mexico Marcelo Ebrard nói. Với lý do đó, năm 2009 chính quyền Mexico đã đầu tư kinh phí, cùng sự hỗ trợ kỹ thuật và ý tưởng của Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico, để xây dựng “Công viên tự do cho các dân tộc” tại Khu trung tâm lịch sử của thủ đô (cách quảng trường trung tâm chưa đến một cây số).
Người dân Mexico gọi đó là công viên, nhưng tôi thích gọi là khu vườn hơn. Gọi như thế không phải bởi diện tích khuôn viên chỉ chừng 1.500 m2, mà thật sự công viên luôn gợi đến một cảm giác “rộng lớn, đông người”. Còn ở đây, tôi như trở về lại khu vườn nhỏ rợp bóng cây nơi quê nhà. Ấm cúng. Gần gũi. Thân thương.
Không thân thương sao được khi hai bên lối vào được phủ đầy hoa lan, hoa dâm bụt... Không gần gũi sao được khi tầm mắt lập tức bị hút vào những bụi tre, khóm trúc, những cành bưởi, cành mít đang cố vươn mình che bóng mát. Và giữa khu vườn rợp bóng cây đó, bức tượng Bác đang ngồi thư thái làm việc trên bộ bàn mây. Vẫn đôi dép cao su, vẫn điếu thuốc trên tay mỗi khi làm việc, vẫn bộ kaki giản dị như ngày nào… Sau lưng Bác là một hồ sen nhỏ với những cánh bèo xanh, những búp sen hồng và bức tường ốp đá trắng với dòng chữ quen thuộc bằng tiếng Tây Ban Nha: “No hay nada más precioso que la independencia y la libertad” (Không có gì quý hơn độc lập, tự do).
Đúc tượng Bác từ lòng kính phục
Khá thú vị khi biết bức tượng Bác (đặt tại khu vườn “Tự do cho các dân tộc”) lại được đúc bởi một người Mexico chính hiệu: nghệ nhân Pedro Ramirez Ponzanelli, tôi đã không bỏ lỡ cơ hội để tìm gặp người nghệ sĩ này. Ponzanelli hẹn tôi tại khu vườn nơi đặt tượng Bác để giải thích rõ hơn những thắc mắc của tôi. “Thật ra, nơi đây cũng là một trong những góc ngồi yêu thích nhất của tôi tại thành phố này”, anh “thú nhận” khi gặp tôi.
Ponzanelli còn khá trẻ (sinh năm 1973). Tuy khi gặp tôi, anh chỉ gần 40 tuổi nhưng đã có hơn 20 năm hành nghề. “Trước khi nhận lời mời đúc tượng (năm 2009), tôi đã biết về “pác Hồ” (anh phát âm hai chữ này bằng tiếng Việt khá chuẩn)”, Ponzanelli khoe và kể tiếp: “Ngày 2.10.1968 một cuộc thảm sát đã diễn ra ở Mexico khiến hàng trăm người chết. Từ đó, vào ngày này hằng năm, tại trung tâm thủ đô Mexico đều có cuộc diễu hành vì hòa bình, số người tham dự lên đến hàng ngàn người. Trong những cuộc diễu hành, nhiều người vẫn hô vang: “Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh”. Thắc mắc nên tôi tìm hiểu và kính phục “pác Hồ” từ đó”.
Dù đã đọc, tìm hiểu nhiều về Bác từ trước, nhưng Ponzanelli vẫn không khỏi lo lắng khi nhận được lời mời đúc tượng Bác. “Tôi chưa từng gặp “pác Hồ”. Tất cả đều chỉ tìm hiểu qua những hình ảnh cũ kỹ, mờ nhạt. Chưa kể, “pác Hồ” lại là lãnh tụ, là người quá nổi tiếng ở Việt Nam nên tôi bị áp lực lắm”, anh kể.
Vì thế, Ponzanelli phải sục sạo từng hình ảnh, câu chuyện từ thư viện, internet, đến Sứ quán Việt Nam để hỏi thăm về Bác. Mỗi chi tiết nhỏ về tính cách, thói quen trong sinh hoạt hằng ngày của Bác đều được anh ghi chép tỉ mỉ. “Công đoạn quan trọng nhất là đắp mẫu. Phải đắp làm sao cho “ra” được “thần thái” nhân vật, từ cái nếp áo đến ánh mắt, động tác của nhân vật...”, anh cho biết.
Bức tượng bằng đồng được đúc với kích thước bằng người thật, dựa theo bức ảnh Bác đang ngồi làm việc tại khu vườn Phủ Chủ tịch của nhiếp ảnh gia Đinh Đăng Định chụp năm 1960. So với hình mẫu, bức tượng như được “copy” ra, chính xác đến từng chi tiết nhỏ (như chồng tài liệu trên bàn, cây viết trên tay). Và đặc biệt, “thần thái” của vị lãnh tụ giản dị được lột tả một cách sống động trong một không gian “thuần Việt” có hoa súng, hoa sen, có tre, có trúc...
|
Duy nhất có điểm khác so với hình mẫu: bức tượng đúc “dư” một chiếc ghế mây. “Tượng “pác Hồ” đặt tại công viên, nơi có nhiều người lui tới. Tôi làm thêm chiếc ghế này để mọi người có thể được ngồi cạnh “pác Hồ” hơn”, Ponzanelli giải thích.
Khi tôi đến khu vườn, vài du khách nước ngoài đang đứng xếp hàng chờ chụp ảnh nơi bộ bàn mây Bác làm việc. Hàng ghế vòng quanh tượng Bác cũng đầy người dân Mexico ngồi đọc báo, nghỉ ngơi.
Lúc sinh thời, ở quê nhà, quanh Bác là những anh bộ đội, là các cháu thiếu nhi… Ngày nay, ở một đất nước xa xôi cách Việt Nam nửa vòng trái đất, quây quần bên Bác là người Mexico, là du khách khắp nơi trên thế giới. Nếu biết điều này, chắc hẳn Người cũng vui lắm…
Pedro Ramirez Ponzanelli sinh tại Mexico, trong một gia đình gốc Ý có truyền thống nghệ thuật lâu đời (dòng họ ông đã tham gia điêu khắc nhà thờ Carrara tại Ý, Nhà hát Lớn quốc gia, Đài kỷ niệm Độc lập tại Mexico và được tặng nhiều giải thưởng danh giá). Năm 14 tuổi, Ponzanelli dành được giải thưởng quốc gia đầu tiên về hội họa. Tuy sáng tác nhiều đề tài, nhưng ông đặc biệt hứng thú với việc tạc tượng các danh nhân thế giới. Những tác phẩm đúc tượng của ông được nhiều người biết đến là: Bác Hồ (2009), José Marti, anh hùng dân tộc Cuba (2002), Benito Juarez, nhà cách mạng, cựu Tổng thống Mexico (1998)... Ngoài bức tượng Bác tại khu vườn “Tự do cho các dân tộc”, ba phiên bản khác do Ponzanelli đúc đã được đảng Lao động PT (Mexico) tặng Việt Nam: Một cho Hà Nội (2010) mừng 1.000 năm Thăng Long, một đặt tại Phủ Chủ tịch (2011), đúng nơi nhiếp ảnh gia Đinh Đăng Định chụp Bác ngồi làm việc; và phiên bản cuối cùng tặng Thông tấn xã Việt Nam (2012). |
Ở Mexico hiện nay, bên cạnh hai bức tượng đồng đặt trang trọng tại thủ đô Mexico và thành phố Acapulco, Hồ Chí Minh còn là tên của một giảng đường tại Đại học UNAM (từng nằm trong top 50 những đại học danh giá nhất trên thế giới), là tên của hệ thống trung tâm châm cứu chữa bệnh cho người nghèo tại thủ đô Mexico, thành phố Zacatecas và thành phố Monterrey. |
Nguyễn Tập
Nguồn tin: Thanh niên online