Chiến thắng Điện Biên Phủ - Tầm vóc tư duy lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ ba - 06/05/2014 10:33 3.395 0
Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của lòng yêu nước, trí tuệ và tinh thần quyết chiến, quyết thắng quân và dân ta; là minh chứng về đường lối lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự chỉ đạo nhạy bén, chính xác của Tổng Quân ủy trong chiến dịch quyết chiến chiến lược, làm nên bước ngoặt lớn trong tiến trình lịch sử dân tộc, đồng thời, có ý nghĩa quốc tế và thời đại hết sức sâu sắc và to lớn.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết tâm chiến dịch Điện biên Phủ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết tâm chiến dịch Điện biên Phủ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”(1). Những giá trị lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ đã và đang đóng góp vào thành công của công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước hiện nay.

1. Nhận rõ âm mưu và thủ đoạn của đối phương.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á ra đời, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta. Sau 8 năm (1945-1953) tiến hành chiến tranh xâm lược, thực dân Pháp đã mất hàng chục vạn sĩ quan và binh lính. Chính trường nước Pháp khủng hoảng trầm trọng, phong trào đấu tranh của nhân dân Pháp đòi chấm dứt chiến tranh xâm lược Đông Dương ngày càng mạnh mẽ. Đế quốc Mỹ tăng cường can thiệp vào không giấu diếm tham vọng hất cẳng Pháp tại Đông Dương, gánh trên 70% chiến phí, thúc thực dân Pháp phải kéo dài và mở rộng chiến tranh xâm lược theo ý đồ của Mỹ. Trước những thất bại liên tiếp về quân sự và chính trị ở Đông Dương thực dân Pháp đứng trước hai con đường: hoặc phải thắng trong chiến tranh, hoặc phải chịu thua và đề nghị Mỹ nhảy vào thay thế. Chính phủ Pháp chủ trương xin thêm viện trợ của Mỹ, tập trung mọi cố gắng đẩy mạnh chiến tranh hòng tìm lối thoát bằng thắng lợi quân sự.

Tháng 5 năm 1953, Tướng Hăng-ri Na-va, Tham mưu trưởng lục quân của khối Bắc Đại Tây Dương được cử làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Na-va vạch một kế hoạch quân sự toàn diện trong 18 tháng, hòng chuyển bại thành thắng. Trọng tâm của kế hoạch này là tổ chức khối chủ lực cơ động tập trung tiêu diệt chủ lực của Việt Minh. Kế hoạch tác chiến của Na-va chia thành 2 bước: Bước 1: từ Thu đông 1953 - Xuân 1954, giữ thế phòng ngự chiến lược, tránh quyết chiến ở phía Bắc, thực hiện tiến công chiến lược ở phía Nam nhằm chiếm đóng vùng tự do của ta ở Khu 5 (Nam Trung Bộ) và ở Hậu Giang (Nam Bộ); Bước 2: từ mùa thu 1954, tập trung toàn bộ lực lượng tác chiến trên chiến trường phía Bắc, giành thắng lợi quyết định.

Sau những đòn chủ động tiến công đầu tay bị chặn lại, phát hiện quân ta chuyển hướng lên Tây Bắc, Na-va lập tức cho đổ quân xuống Điện Biên Phủ vào ngày 20-11-1953. Tiếp đó, ngày 3-12-1953, Na-va hạ quyết tâm xây dựng Điện Biên Phủ trở thành một tập đoàn cứ điểm mạnh, hòng nghiền nát các đại đoàn chủ lực của Việt Minh. Thung lũng Điện Biên Phủ trở thành nơi thể hiện ý chí xâm lược và nỗ lực cao nhất, niềm hy vọng lớn nhất của thực dân Pháp hòng thay đổi cục diện cuộc chiến.

2. Xác định đúng phương châm chiến lược

Kế hoạch quân sự Na-va và sự xuất hiện tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thật sự là một thách thức lớn đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Nắm rõ ý định chiến lược của đối phương, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã xây dựng chủ trương đối phó trên khắp các mặt trận. Phương hướng tiến công chiến lược của Đảng trong Đông Xuân 1953-1954 được hoạch định ngay sau Chiến dịch Tây Bắc (cuối năm 1952). Tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) họp từ ngày 25 đến 30 tháng 1 năm 1953, Đảng đã vạch ra phương hướng chiến lược, quyết tâm tác chiến và tư tưởng chỉ đạo tác chiến trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954. Tại Hội nghị này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trình bày bản báo cáo quan trọng, phát triển và cụ thể hóa đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và đường lối kháng chiến của Đảng. Người nhấn mạnh hai nhiệm vụ chủ yếu để đưa kháng chiến đến thắng lợi: Một là, chỉ đạo kháng chiến và chính sách quân sự trong giai đoạn tiến công chiến lược; Hai là, phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất.

Về chỉ đạo kháng chiến và chính sách quân sự trong giai đoạn tiến công chiến lược(2) Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) xác định:

Một là, phương hướng chiến lược của ta là tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu để phân tán lực lượng địch và tiêu diệt sinh lực địch mở rộng vùng tự do, tạo điều kiện giải phóng hoàn toàn Bắc Bộ.

Hai là, phương hướng tác chiến của quân đội ta là phải đánh địch ở những nơi chúng sơ hở, đồng thời đẩy mạnh hoạt động mạnh sau lưng địch; tập trung lực lượng mở những cuộc tiến công vào những hướng quan trọng về chiến lược mà địch tương đối yếu nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng đất đai, đồng thời buộc chúng phải phân tán lực lượng đối phó với ta.

Ba là, về tư tưởng chỉ đạo tác chiến: Không chủ quan khinh địch, không nóng vội, không mạo hiểm, đánh ăn chắc, tiến ăn chắc. Chắc thắng thì kiên quyết đánh cho kỳ thắng, không chắc thắng thì kiên quyết không đánh.

Bốn là, tăng cường bộ đội chủ lực và xây dựng bộ đội địa phương, các vùng tự do và vùng căn cứ du kích đi đôi với xây dựng dân quân du kích không thoát ly sản xuất để trấn áp bọn phản động, giữ gìn trị an, bảo vệ lợi ích quần chúng, phối hợp tác chiến với bộ đội chủ lực.

Trên cơ sở tổng kết sâu sắc những kinh nghiệm chỉ đạo đấu tranh vũ trang và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân trong những năm kháng chiến đã qua, để sẵn sàng làm thất bại những âm mưu và hành động xâm lược mới của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, Tháng 9 năm 1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phê chuẩn phương án tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954 do Tổng Quân ủy trình bày với hướng tiến công chiến lược: Tây Bắc Việt Nam, Tây Nguyên và vùng Trung - Hạ Lào; đẩy mạnh hoạt động ở vùng sau lưng địch, tạo điều kiện giải phóng đồng bằng Bắc Bộ.

Bộ Chính trị đề ra phương châm hoạt động cho bộ đội ta là: Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt, sẵn sàng đánh địch trong mọi tình huống. Nguyên tắc chỉ đạo tác chiến là: Đánh chắc thắng, đánh tiêu diệt, chọn nơi địch sở hở mà đánh, chọn nơi địch tương đối yếu mà đánh. Giữ vững chủ động, kiên quyết buộc định phải phân tán lực lượng. Tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta.

Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp xem xét Phương án tác chiến mùa Xuân năm 1954, do Tổng Quân ủy báo cáo. Tại hội nghị, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ. Bộ chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ được thành lập do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng, kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận.

Ngày 20-12-1953, Bộ Chính trị họp nghe Tổng Quân ủy báo cáo tình hình chiến sự và tình hình Điện Biên Phủ, thông qua chủ trương, kế hoạch quân sự và chính thức hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Quyết định chọn Điện Biên Phủ là nơi đối đầu trực diện với quân Pháp là một quyết định lớn, thể hiện bản lĩnh của Đảng ta, mở ra bước ngoặt quyết định của cuộc kháng chiến.

3. Chỉ đạo quyết đánh và quyết thắng  

Công tác chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ được xúc tiến rất khẩn trương và dồn dập. Trước lúc, các đơn vị bộ đôi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ ra mặt trận, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư động viên cán bộ, chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ (12-1953) phải: “Chiến đấu anh dũng hơn, chịu đựng gian khổ hơn, phải giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh”(3).

Ngày 5-1-1954, Sở chỉ huy tiền phương lên đường ra mặt trận, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”(4). Thấu triệt quyết tâm chiến lược và phương châm đánh chắc thắng của Đảng, căn cứ vào thực tế chiến trường, sau 11 ngày đêm suy nghĩ, ngày 26-1-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang phương án “đánh chắc, tiến chắc”. Quyết định trên đã được Đảng ủy mặt trận trao đổi, đồng ý và ngày 30-1-1954, được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh và Bộ Chính trị phê chuẩn.

Trung ương Đảng và Chính phủ hết sức quan tâm chỉ đạo các ngành, các địa phương hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Tháng 2-1954, Bộ Chính trị đã có những Chỉ thị quan trọng tập trung cao độ sức mạnh về mọi mặt để hoàn thành mục tiêu của chiến dịch. Ngày 19-4-1954, bám sát diễn biến chiến dịch Bộ Chính trị ra Nghị quyết: “Về tiếp tục thấu triệt phương châm đánh chắc, đề cao quyết tâm tích cực giành toàn thắng cho chiến dịch Điện Biên Phủ”, yêu cầu bộ đội giữ vững phương châm chiến đấu, không chủ quan khinh địch.

Sư lãnh đạo toàn diện, sâu sát, đúng đắn và sáng tạo của Đảng, Chủ tịch Hồ chí Minh trong cuộc chiến đấu tổng lực với kẻ thù là yếu tố quyết định đưa đến thắng lợi Đông - Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống Đa trong thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”(5).

----------------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 11, NXBCTQG, Hà Nội, 2001, tr.261. (2) Văn kiện đảng toàn tập, tập 14, NXBCTQG, Hà Nội, 2001, tr.21-23. (3) Sđd, tập 7, tr.198. (4) Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, NXB Thông Tấn, Hà Nội, 2007, tr.163. (5) Lê Duẩn, Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, vì tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1976, tr.55-56.           

Tin, ảnh: Lê Thanh Hải - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

Nguồn tin: Theo tapchixaydungdang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây