Học và làm theo chữ CẦN của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ ba - 30/09/2014 08:48 2.910 0
Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư được xem là 8 chữ vàng mà Bác yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải phấn đấu thực hiện thật tốt để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Học và làm theo chữ CẦN của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng. Suốt cuộc đời, Người đặc biệt quan tâm tới việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Hồ Chí Minh quan niệm đạo đức là nền tảng và là sức mạnh, là nhân cách của người cán bộ, đảng viên. Người coi đó là cái gốc của cây, ngọn, nguồn của sông nước. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư được xem là 8 chữ vàng mà Bác yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải phấn đấu thực hiện thật tốt để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Cần là một phẩm chất của đạo đức cách mạng. Cần thẩm thấu, chi phối, tác động biện chứng trong chuỗi giá trị văn hóa đạo đức cách mạng. Có cần mới kiệm. Có cần, kiệm mới liêm. Có cần, kiệm, liêm mới chính.                       

Cần theo tư tưởng Hồ Chí Minh có nghĩa là cần cù, siêng năng, chăm chỉ trong học tập, lao động, chiến đấu và sản xuất. Cần còn có nghĩa là việc gì, dù khó khăn mấy, cũng làm được, cũng như dao siêng mài thì sắc bén, ruộng siêng làm cỏ thì lúa tốt. Bác dạy: “Làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ về sớm. Làm cho chóng, cho chu đáo. Việc ngày nào nên làm xong ngày ấy, chớ để ngày mai”. Bác còn dạy: “Phải nhớ rằng: Dân đã lấy tiền mồ hôi, nước mắt để trả lương cho ta trong những thì giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân”[1]. Bác phân tích đối lập với cần là lười biếng: “Lười biếng là kẻ địch của chữ cần. Vì vậy, lười biếng cũng là kẻ địch của dân tộc. Một người lười biếng, có thể ảnh hưởng tai hại đến công việc của hàng nghìn, hàng vạn người khác”[2]. Như vậy, theo Người, “người lười biếng là có tội với đồng bào, với Tổ quốc”, trái với đạo đức cách mạng, cản trở phong trào thi đua lao động sáng tạo của cả dân tộc. Như vậy, đối với cán bộ, đảng viên, Cần tức là làm đủ số thời gian nhà nước quy định, không dùng thời gian đó giải quyết việc cá nhân, trễ nải công việc cơ quan.  Cần là một phẩm chất của đạo đức cách mạng. Giá trị xã hội và sức lan toả “cộng hưởng” của chữ cần được Hồ Chủ tịch khái quát như sau: “Siêng học tập thì mau biết. Siêng nghĩ ngợi thì hay có sáng kiến. Siêng làm thì nhất định thành công. Siêng hoạt động thì sức khoẻ. Người siêng năng thì mau tiến bộ. Cả nhà siêng thì chắc ấm no. Cả làng siêng năng thì làng phồn thịnh. Cả nước siêng năng thì nước mạnh giàu” [3]. Bằng phép tính đơn giản, chỉ cần mỗi người, mỗi ngày làm thêm 1 giờ mà ý nghĩa kinh tế của nó thật lớn lao. Người nói: “Trong 20 triệu đồng bào ta, cho 10 triệu là thanh niên và thành nhân có sức làm việc. Nếu mỗi người, mỗi ngày chỉ làm thêm một tiếng đồng hồ, thì: Mỗi tháng sẽ thêm lên 300 triệu giờ. Mỗi năm thêm lên 3.600 triệu giờ. Chỉ những giờ ấy đã bằng động viên 400 triệu người làm trong một ngày 9 giờ”[4]. Trong hệ giá trị cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, theo Người, cần thẩm thấu, chi phối, tác động biện chứng trong chuỗi giá trị văn hoá đạo đức cách mạng mà người cộng sản phải luôn hội đủ “Có cần mới kiệm. Có cần, kiệm mới liêm. Có cần, kiệm, liêm mới chính”.                     

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (10-1947), Người phân tích: “Bệnh lười biếng là tự cho mình cái gì cũng giỏi, việc gì cũng biết, làm biếng học hỏi, làm biếng suy nghĩ. Việc dễ thì tranh lấy cho mình. Việc khó thì đùn cho người khác. Gặp việc nguy hiểm thì tìm cách để trốn tránh”[5]. Trong bài nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Thái Nguyên (13-3-1960), bên cạnh biểu dương những việc làm tốt, Người phê bình, nhắc nhở “một số công nhân chưa thật yên tâm công tác. Kỷ luật lao động chưa chặt chẽ, còn tình trạng đi muộn về sớm, còn lãng phí sức người, sức của. Cán bộ thì tinh thần trách nhiệm còn kém...”[6]. Người phê phán một số cán bộ, đảng viên“thiếu kiên nhẫn, thiếu tinh thần chịu khó”[7]; “ngại công việc khó, không ham học tập, thiếu cảnh giác, kém kỷ luật”[8]. Hệ quả của căn bệnh này không những không giúp họ hoàn thành nhiệm vụ được giao mà tác dụng nêu gương đối với cán bộ dưới quyền, nhân dân rất thấp. Bởi sức thuyết phục, lan toả ở phẩm chất cần, nói đi đôi với làm trong mỗi người cán bộ, đảng viên rất lớn, động viên, thúc đẩy nhân dân cùng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.              

Theo Bác, chữ cần không chỉ là chăm chỉ, siêng năng mà phải gắn với trí sáng tạo, phương pháp, lề lối làm việc khoa học, chủ động trong việc sắp xếp công tác hợp lý, khoa học: “Muốn cho chữ cần có nhiều kết quả hơn, thì phải có kế hoạch cho mọi công việc. Nghĩa là phải tính toán cẩn thận, sắp đặt gọn gàng”. Song “Cần và chuyên phải đi đôi với nhau. Chuyên nghĩa là dẻo dai, bền bỉ. Nếu không chuyên, nếu một ngày cần mà mười ngày không cần, thì cũng vô ích”[9]. Bác còn chỉ dẫn phương thức, cách thực hiện Cần. Người yêu cầu: “Cần không phải là làm xổi. Nếu làm cố chết cố sống trong một ngày, một tuần, hay một tháng, đến nỗi sinh ốm đau, phải bỏ việc. Như vậy không phải là cần”[10]. Ngày nay, trong thực tế công việc cũng như cuộc sống hàng ngày không ít cán bộ, đảng viên còn có tư tưởng ngại khó, ngại khổ, chưa thực sự cần cù, chưa có tính sáng tạo, sắp xếp kế hoạch công việc chưa logic, không phù hợp nên hiệu quả công việc thấp. Thái độ trách nhiệm chưa cao, chưa thực sự cố gắng, nỗ lực phát huy tốt trách nhiệm của bản thân. Vậy thì để thực hiện tốt được chữ cần, mỗi cán bộ, đảng viên cần thực hiện tốt một số nội dung sau:                

Hiểu thấu tư tưởng Hồ Chí Minh về chữ Cần. Mỗi cán bộ, đảng viên tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với thực hiên Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI. Luôn thể hiện sự tích cực, cầu tiến bộ với các họat động thực tiễn đặc biệt là trong nhiệm vụ chuyên môn, tích cực đấu tranh với những biểu hiện lười hoạt động, lười suy nghĩ, học tập một cách thu động máy móc. Thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện bản thân trên tất cả các mặt. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Phải hăng hái, bền gan, chịu khó, đồng thời phải cẩn thận, khôn khéo, mềm mỏng”[11]. Quá trình vận dụng chữ “Cần” theo tư tưởng của Bác cũng phải linh hoạt, sáng tạo, tránh hữu dũng vô mưu.                   
Tự giác tu dưỡng, rèn luyện. Đây là con đường quan trọng  hình thành và phát triển, hoàn thiện nhân cách của cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra con đường cơ bản cho người cán bộ, đảng viên tự vươn lên hoàn thiện mình là phải học tập, rèn luyện bền bỉ suốt đời. Để tu dưỡng, rèn luyện đạt kết quả, đòi hỏi trước hết mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên trau dồi phẩm chất cách mạng, đồng thời phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, bài trừ bệnh quan liêu, xa rời quần chúng, phải thực sự là người đầy tớ, là công bộc của nhân dân, Người dạy: “Muốn gột rửa sạch những vết tích xấu xa của xã hội cũ, muốn rèn luyện đạo đức cách mạng, thì chúng ta phải ra sức học tập, tu dưỡng, tự cải tạo để tiến bộ mãi. Nếu không cố gắng để tiến bộ tức là thoái bộ, là lạc hậu”[12]. Muốn tự cải tạo được bản thân để tự mình hoàn thiện nhân cách thì mỗi cán bộ phải tự nhận thức được những ưu điểm và khiếm khuyết của mình để tự giác, tự xây dựng kế hoạch, đề ra mục tiêu, thời gian sửa chữa, học tập, rèn luyện, tu dưỡng để hoàn thiện nhân cách. Quá trình tự  hoàn  thiện, tự giáo dục, tự  rèn luyện nhân cách của cán bộ, đảng viên không phải là công việc tự giác nhất thời mà là quá trình phấn đấu thường xuyên, liên tục, có chủ định.                  

Bằng hoạt động thực tiễn. Đối với mỗi cán bộ, đảng viên thì việc tu dưỡng rèn luyện phải được thực hiện bằng hoạt động thực tiễn của bản thân trong học tập, công tác, trong các mối quan hệ với đồng nghiệp, người thân, nhân dân, xã hội. Thông qua hoạt động thực tiễn, người cán bộ, đảng viên biết điều chỉnh hành vi của mình và cũng thông qua thực tiễn phẩm chất nhân cách của mỗi người được thể  hiện rất cụ thể, phong phú, đa dạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Trường kỳ kháng chiến là một viên đá thử vàng đối với  mỗi một quốc dân, đồng thời là một trường học để rèn luyện cho cán bộ”[13]. Chỉ có thông qua hoạt động thực tiễn, thông qua quá trình tu dưỡng rèn luyện công phu mới có được phẩm chất nhân cách tốt đẹp và phẩm chất ấy ngày càng được bồi đắp, nâng cao, hoàn thiện. Như vậy, chữ Cần trong tư tưởng của Hồ Chí Minh là trí tuệ, là phẩm chất cần thiết của mỗi cán bộ, đảng viên, cần tích cực tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu để thực thực sự trở thành những công bộc, là đầy tớ của nhân dân. Hiện nay, khi “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc” thì việc rèn luyện chữ cần theo tư tưởng của Bác là vấn đề rất cần thiết.

--------------------------------------
[1] Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000,tập 5, tr 104.

 [2] Sđd, tr.634; [3] Sđd, tr.632;[4] Sđd, tr.635;[5] Sđd, tr.255;[6] Sđd, tập 10, tr.99; [7] Sđd, tập 7, tr.170; [8] Sđd, tập 7, tr. 482; [9] Sđd, tập 5, tr.633; [10] Sđd, tập 5, tr.634; [11]Sđd, t.5, tr.109; [12]. Sđd, tập 9, tr.284; [13] .Sđd tập 5, tr.148.


Tin, ảnh: Đinh Thị Hương- Đinh Thị Chung

Nguồn tin: Theo tapchixaydungdang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây