Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan thời trẻ |
Năm 1948, Phạm Ngọc Lan được làm Liên lạc viên cho Ty Công an tỉnh Đắc Lắc. Tới năm 1952, ông nhập ngũ và được biên chế vào đại đội 602, Tiểu đoàn 30, Trung đoàn 96, Sư đoàn 305, chiến đấu ở các tỉnh miền Trung.
Sau hiệp định Giơnevơ, Phạm Ngọc Lan và nhiều đồng chí khác tập kết ra Bắc. Tới năm 1956, nhờ những thành tích chiến đấu của mình (bắt được 6 lính ngụy và 1 lính Pháp) ông đã được cấp trên chọn đi học quân sự ở nước ngoài.
Người cựu phi công nhớ lại: “Lúc đầu, giấy nguyện vọng của tôi là được đi học lái xe tăng, nhưng rồi bạn bè đi hết chỉ còn tôi và vài đồng chí là vẫn còn ở lại. Cứ tưởng mình đã trượt nhưng không ngờ, một ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho người đến và đọc danh sách những người đi học lái máy bay, trong đó có tôi. Ấy là điều bất ngờ thứ nhất làm thay đổi cuộc đời tôi”.
Sau 8 năm rèn luyện, ông và nhiều đồng đội khác đã hoàn thành chương trình học, có thể lái được nhiều loại máy bay khác như Mig 15, Mig 17, Mig 21… Tới 5/8/1964, xảy ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ, ngày 6/8 ông cùng những đồng đội đã lái chiếc Mig 17 về nước để chuẩn bị vào cuộc chiến đấu đầu tiên.
Phi công Phạm Ngọc Lan cùng với đồng đội bước vào hàng trăm trận chiến đấu lập được nhiều thành tích và nhiều lần vinh dự được gặp Bác Hồ. Tới tận bây giờ khi đã ở cái tuổi tóc bạc da mồi nhưng ông vẫn nhớ như in cảm xúc khi được gặp Bác.
Lần thứ nhất gặp Bác, là sau hai tháng ông và các đồng đội trở về nước, khi nghe tin Bác đã tới thăm, tất cả đều tập trung từ cổng để đón Bác. Thế nhưng, thay vì đi cổng chính thì Bác lại đi từ cổng sau vào nhà ăn để xem xét công tác hậu cần cho anh em phi công, khiến cho ai cũng bất ngờ và cảm động.
Khi ấy, Phạm Ngọc Lan may mắn được đi cạnh Bác, ông được bác gọi là “hạt giống đỏ” của miền Nam. Lời nói của Bác như một sức mạnh trực tiếp để cho ông và những người đồng đội của mình làm nên chiến thắng giòn giã trong trận chiến đấu đầu tiên của mình cũng là của không quân Việt Nam.
Đó là vào ngày 3/4/1965, Đế quốc Mỹ chính thức sử dụng máy bay ném bom bắn phá miền Bắc, ông được lệnh dẫn đầu cùng với 3 người đồng đội khác là Phan Văn Túc, Hồ Văn Quỳ và Trần Minh Phương được lệnh bay vào bảo vệ cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa).
Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan tại nhà riêng - Ảnh VGP/Sao Chi |
Với thành tích của mình, tháng 3/1966, Phạm Ngọc Lan, Phi công Trần Hanh và cô dân quân Nguyễn Thị Hằng (Thanh Hóa) sau này là Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội được lên gặp Bác Hồ để báo cáo chiến công.
Lúc bấy giờ ông và hai người đồng đội đều đã chuẩn bị đầy đủ hết tinh thần khi gặp Bác, thậm chí đã vài lần tổng duyệt trước gương từ cách ăn nói, đi đứng và báo cáo với Bác. Ấy nhưng mọi thứ lại không như những gì mà họ sắp sẵn trước.
Khi tất cả đã ngồi xung quanh, Bác mới hỏi:
- Chú Lan đâu?
- Thưa Bác, cháu là Lan!
- Cháu là phi công đánh thắng trận đầu phải không?
- Dạ vâng!
- Thế không quân ta có đánh thắng tàu bay Mỹ được không?
- Có thể chiến thắng tàu bay Mỹ nhưng rất khó khăn.
- Trận đầu đánh thắng, Bác khen các cháu dũng cảm, sáng tạo. Bác biết rồi, nhưng không được chủ quan, chúng ta phải chuẩn bị tốt hơn nữa để đánh lâu dài vì Mỹ có tiềm lực lại xảo quyệt.
Ngay sau đó Bác quay sang hỏi cô Nguyễn Thị Hằng: Dân quân Nam Ngạn, Hàm Rồng rất dũng cảm phối hợp trên trời, dưới đất rất đẹp. Mọi người đều phải giữ sức khỏe, bay giỏi, chiến đấu giỏi để có nhiều lần gặp Bác hơn nữa…
Trong những cuộc gặp, Bác đã biết trước từng hoàn cảnh, chiến công của mỗi người. Bác thường quan tâm tới cuộc sống đời thường, hoàn cảnh gia đình và tâm nguyện của mỗi người muốn đề đạt lên Bác. Điều ấy làm ông Lan và những người đồng chí của ông nhớ mãi.
Đầu tháng 7/1968, Bác lại về thăm đơn vị của ông. Bác đã đi thăm và động viên tất cả các cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là các trắc thủ thông tin, lực lượng thợ máy và phi công cố gắng chiến đấu giỏi, tiết kiệm đạn duợc, khí tài hơn nữa… Bác đã nói một câu hóm hỉnh: “Chúc cho bộ đội không quân ta ngày càng có nhiều “Cốc” hơn nữa (Câu nói hóm hỉnh ám chỉ tên anh hùng Phi công Nguyễn Văn Cốc và “cốc” cũng có nghĩa là cụng ly chiến thắng).
Nhưng có lẽ điều mà Thiếu tướng Lan tiếc mãi là trong lần gặp thứ 4 ông không thể gặp Bác trước khi Bác mãi đi xa. Khi ấy, ông đang chiến đấu ở khu 4 và bị sốt rét và phải ở lại chữa bệnh. Khi có tin Bác muốn gặp một số anh em phi công trong đó có Phạm Ngọc Lan. Ông đã bay trở về đơn vị sau trận chiến đấu nhưng cũng không kịp gặp Bác.
Dù vậy, trong cuộc gặp ấy, Bác có động viên vắng mặt và gửi hỏi thăm tới ông: “Vì chiến đấu không ra được, cháu Lan giữ gìn sức khỏe, chiến đấu lâu dài”.
Để đáp lại niềm tin yêu và những lời động viên của Bác, Phạm Ngọc Lan đã trở thành người Biên đội trưởng dũng cảm, sáng tạo chỉ huy các biên đội bay chiến đấu lập nên những chiến công tập thể.
Phi công Phạm Ngọc Lan đã được phong tặng Anh hùng LLVTND năm 2000, được trao tặng huy hiệu Bác Hồ năm 1966 và gần 20 huân huy chương chiến công các loại.
Là một người đánh trận mở màn cho không quân Việt Nam năm 1965, Phạm Ngọc Lan còn là một trong những người tổ chức cho Phi đội Quyết Thắng dùng máy bay A37 của địch ném bom vào Sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28/4/1975.
Cả cuộc đời đi theo cách mạng, Thiếu tướng, Phi công Phạm Ngọc Lan luôn nhớ tới những lời động viên và căn dặn của Bác Hồ. Cũng có lẽ, điều quý giá nhất trong cuộc đời người cựu phi công ấy chính là kí ức về những năm tháng hào hùng của tuổi trẻ. Phạm Ngọc Lan nhớ mãi những dịp gặp Bác và huy hiệu Bác Hồ trao tặng mà ông vẫn nâng niu trân trọng cho tới tận bây giờ.
Tin, ảnh: Sao Chi ( chinhphu.vn)