Tuổi thơ của Bác ở Làng Dương Nỗ

Thứ ba - 29/05/2012 12:37 5.502 0
Tôi đã nhiều lần về dâng hương tưởng niệm Bác tại Nhà lưu niệm Bác Hồ ở làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế và được nghe kể nhiều về cuộc sống thuở nhỏ của Bác ở nơi đây.
Nhà lưu niệm Bác Hồ ở làng Dương Nỗ
Nhà lưu niệm Bác Hồ ở làng Dương Nỗ

Dù rất cảm động, nhưng tôi chưa có dịp nào để viết về Bác. Cho đến cuối tháng 5 năm 2012 này, nhân kỷ niệm 122 năm ngày sinh của Bác kính yêu và ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, tôi xin gửi lòng thành kính của mình đối với Bác qua bài viết “ TUỔI THƠ CỦA BÁC Ở LÀNG DƯƠNG NỖ”.

Từ trung tâm thành phố đi theo đường Quốc lộ 49A về  biển Thuận An khoảng 6 km là đến làng Dương Nỗ. Đây là Làng mang đậm truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc, là một trong những Làng tiêu biểu của Làng xã Việt Nam trong thời kỳ phong kiến.

Năm 1898 (lúc đó Bác 8 tuổi), sau khi cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh của Bác Hồ) dự kỳ thi Hội lần thứ 2, khóa Mậu Tuất không đạt, cụ Sắc lại không được hưởng học bổng của trường Quốc Tử Giám, nên kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu Bác Hồ) đã bàn với chồng, tạm thời sinh sống ở đâu đó để giải quyết khó khăn và tiếp tục ôn thi Hội lần thứ 3. Thời gian này, cụ Sắc được ông Nguyễn Viết Chuyên người làng Dương Nỗ, là nhân viên của Bộ Hình mời về nhà ông Nguyễn Sĩ Độ ở làng Dương Nỗ, dạy học cho các con cháu của mình đang chuẩn bị kỳ thi Hương.

Nhận lời mời của ông Chuyên, cụ Sắc đã cùng hai người con là Nguyễn Sinh Khiêm (anh trai Bác) và Nguyễn Sinh Cung (Bác Hồ) về ở tại ngôi nhà tranh, ba gian, hai chái của gia đình ông Độ ở tại làng Dương Nỗ, còn bà Hoàng Thị Loan vẫn sống một mình tại căn nhà số 112, Mai Thúc Loan, Thành phố Huế.

Bên trong ngôi nhà cụ Sắc và Bác Hồ ở Dương Nỗ lúc bấy giờ ngoài gian giữa  là bàn thờ của gia đình ông Độ ra, còn được kê một bộ phản gỗ dùng để cụ Sắc ngồi dạy học, một án thư cụ Sắc dùng để sách vở ôn bài, hai bộ phản khác kê hai bên cho học trò ngồi học. Gian bên trái kê giường gỗ lót tre là nơi ông Khiêm và Bác thường nghỉ. Đây cũng chính là nơi Bác học những chữ Hán đầu tiên.

Từ ngôi nhà Bác ở đi về bên trái khoảng 25m là con sông Phổ Lợi hiền hòa và thơ mộng chảy xuôi về biển Thuận An. Dọc theo sông Phổ Lợi ngược lên phía thành phố Huế khoảng 500m là đình làng Dương Nỗ được dân làng Dương Nỗ xây dựng vào thời Lê Thánh Tông (1471) để thờ các vị tiền nhân và là nơi tổ chức các Lễ hội, vui chơi…của Làng.  

Ngôi nhà Bác ở thời đó đi lại khó khăn. Mỗi khi muốn ra đình làng Dương Nỗ phải đi men theo con đường nhỏ bên dòng sông Phổ Lợi hoặc nếu đi lên Huế phải đi đò qua sông Phổ Lợi. Tuy nhiên, khoảng thời gian ở đây, Bác thường hay theo cụ Sắc và ông Khiêm ra đình làng Dương Nỗ xem Lễ hội, nghe các Cụ trong Làng bàn công việc… ra sông Phổ Lợi lấy nước, tắm giặt, ngắm cảnh và nghe giọng hò man mác của người dân Huế … Cho đến năm 1900, cụ Sắc ra Thanh Hóa nhận chức Giám thị kỳ thi Hương, thì Bác mới cùng ông Khiêm lên Huế ở với mẹ.

Hiện nay ngôi nhà Bác ở được Nhà nước và nhân dân sửa sang lại sạch đẹp, bờ sông Phổ Lợi được kè đá, đường rải nhựa rộng, phẳng; con sông Phổ Lợi đã được bắc ba cây cầu qua lại là cầu Nhụy Khuê, cầu chợ Nọ và cầu Mỹ An. Ngôi nhà Bác ở nay trở thành là Nhà lưu niệm về Bác. Ngôi nhà này và đình làng Dương Nỗ đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử từ năm 1993.
 
Đình làng Dương Nổ và sông Phổ Lợi

Giờ đây, hàng ngày, đặc biệt là vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước như: Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4); ngày sinh của Bác (19/5); Cách mạng tháng tám thành công và Quốc khánh (19/8 và 2/9)... nhân dân cả nước và du khách lại về Nhà lưu niệm Bác thành kính dâng hương tưởng niệm và báo công với Bác.

Do Huế có những kỷ niệm sâu đậm, gắn liền với tuổi thơ của Bác; cho nên cũng như miền Nam thân yêu, Bác luôn có một tình cảm sâu nặng với Huế và cho đến những giờ phút cuối cùng của cuộc đời mình, Bác vẫn muốn được nghe một câu hò xứ Huế.

Nhà lưu niệm của Bác tại làng Dương Nỗ không có sen nở như làng Trù quê mẹ, làng Sen quê cha của Bác; nhưng ở đó luôn có những bông Sen của lòng người cả nước và du khách khắp nơi về đây thành kính dâng lên Bác kính yêu!

Tin, ảnh: Lê Đức Khanh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây