Đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị

Thứ hai - 02/07/2012 09:32 5.517 0
Tấm gương đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh được thể hiện trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, đó là đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị và đức khiêm tốn hết mực. Người coi khinh sự xa hoa để sống một cuộc đời trong sạch, suốt đời thực hành cần, kiệm, liêm, chính một cách cần mẫn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chăm vườn rau muống trong khu Phủ Chủ tịch (6-1957). Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh chăm vườn rau muống trong khu Phủ Chủ tịch (6-1957). Ảnh tư liệu
Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc - Danh nhân văn hóa thế giới. Suốt cả cuộc đời mình, Người luôn một lòng vì nước, vì dân, đấu tranh không mệt mỏi cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Tuy đã đi xa, nhưng Người đã để lại cho nhân dân ta di sản tinh thần to lớn, những tư tưởng vô giá, những giá trị nhân văn cao cả, trong đó, đặc biệt là tư tưởng và tấm gương đạo đức cách mạng của Người.

Tấm gương đạo đức, phong cách của Người được thể hiện trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, đó là đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị và đức khiêm tốn hết mực. Người coi khinh sự xa hoa để sống một cuộc đời trong sạch, suốt đời thực hành cần, kiệm, liêm, chính một cách cần mẫn.

Hồ Chí Minh luôn luôn nói đi đôi với làm. Trong hành trình tìm đường cứu nước, dù ở đâu, làm gì, Hồ Chí Minh chấp nhận mọi công việc, miễn là việc đó có lợi cho tổ chức, cho cách mạng. Người là tấm gương sáng về người lãnh đạo, người đứng đầu ở vị trí cao nhất nhưng luôn trung thành, tận tụy vì lợi ích của Tổ quốc và nhân dân, không mưu cầu lợi ích riêng cho cá nhân và gia đình. Người tâm sự khi phải giữ trọng trách Chủ tịch nước: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”.

Với nét đơn sơ, mộc mạc và giản dị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một biểu tượng của phong cách đạo đức con người Việt Nam. Cả cuộc đời hy sinh vì dân, vì nước, Bác đã gần như quên đi những gì thuộc về bản thân mình. Mỗi chúng ta và cả những người nước ngoài đều biết tới đôi dép cao su, những chiếc áo, chiếc quạt, viên gạch sưởi lưng... vô cùng giản dị của Bác.

Ở cương vị Chủ tịch nước, Người khước từ ở ngôi nhà sang trọng thuộc thời toàn quyền Đông Dương, mà chỉ ở ngôi nhà nhỏ của người thợ điện phục vụ cho Toàn quyền thời đó để làm việc.  Với phong cách sống giản dị, tiết kiệm, hòa mình với thiên nhiên, cỏ cây hoa lá, gần gũi với quần chúng nhân dân, trong ngôi nhà sàn Bác đã sống và làm việc những năm cuối đời, chỉ có những vật dụng rất đơn sơ: một chiếc bàn, giá sách, tủ quần áo, giường gỗ cá nhân, tấm chăn đơn, chiếc chiếu cói, cây quạt cọ, chai nước lọc... biểu trưng sinh động cho phong cách sống của một con người vĩ đại: thanh tao, khiêm tốn, yêu lao động, không ham danh lợi, đạt đến độ mẫu mực, cảm hoá được tình cảm của con người Việt Nam.

Những ngày đầu sau Cách mạng thành công, đất nước phải đối phó với muôn vàn khó khăn, thử thách: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Đối với giặc đói, Người kêu gọi toàn dân thực hành tiết kiệm, phát động phong trào “hũ gạo kháng chiến” để nuôi quân. Bằng những lời lẽ thiết tha, xúc động, Người viết thư động viên đồng bào cả nước nêu cao tinh thần “xẻ cơm nhường áo” để cứu dân nghèo: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó để cứu dân nghèo”...Tại buổi khai mạc Lạc quyên tổ chức ở Nhà hát Lớn Hà Nội, Người đã gương mẫu đem phần gạo nhịn ăn của mình Lạc quyên trước tiên...

Khi kinh tế khó khăn, đời sống nhân dân còn khổ, mọi người ăn độn, Bác nói cán bộ, nhân dân ăn độn bao nhiêu phần trăm, độn cho Bác từng ấy giống như cán bộ, nhân dân.

Tư tưởng và tấm gương “Tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào” một lần nữa lại được Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố trước kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I (31-10-1946): “Lần này là lần thứ hai Quốc hội giao phó cho tôi phụ trách Chính phủ một lần nữa. Việt Nam chưa được độc lập, chưa được thống nhất thì bất kỳ Quốc hội ủy cho tôi hay cho ai cũng phải gắng mà làm. Tôi xin nhận. Giờ tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới rằng: Hồ Chí Minh không phải là kẻ tham quyền cố vị, mong được thăng quan phát tài”. Trong lời tuyên bố, Người nhấn mạnh việc đảm nhận chức vụ trong một hoàn cảnh đất nước khó khăn, đầy gian khổ, hy sinh khi “Việt Nam chưa được độc lập, chưa được thống nhất”. Chức vụ đó là do Quốc hội (nhân dân) ủy thác thì phải gắng sức làm. Còn thì đồng bào đã cho lui thì lại vui vẻ trở về cuộc sống của một người dân bình thường.

Hồ Chí Minh bao giờ cũng mong muốn niềm vui riêng của mình hoà trong niềm vui chung của toàn dân tộc.  Năm 1963, khi biết tin Quốc hội định trao tặng Người Huân chương Sao vàng cao quý, Hồ Chí Minh đã phát biểu rất chân thành: “Tôi vừa nhận được một tin tức làm cho tôi rất cảm động và sung sướng. Đó là tin Quốc hội có ý định tặng cho tôi Huân chương Sao vàng, Huân chương cao quý nhất của nước ta. Tôi xin tỏ lòng biết ơn Quốc hội. Nhưng tôi xin Quốc hội cho phép tôi chưa nhận Huân chương ấy. Vì sao? Vì Huân chương là để tặng thưởng người có công huân; nhưng tôi tự xét chưa có công huân xứng đáng với sự tặng thưởng cao quý của Quốc hội”. Và Người mong muốn: “Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hoà bình thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng, vui mừng”.

Người luôn khẳng định: Sự nghiệp anh hùng Cách mạng Việt Nam là của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; còn khuyết điểm thì Người nhận về mình. Hiếm có một vị lãnh tụ nào trên thế giới đứng trước toàn dân để Tự phê bình, nhận lấy khuyết điểm của mình và cho rằng do mình “tài hèn đức mọn, cho nên chưa làm đầy đủ những sự mong muốn của đồng bào”. Có lẽ, Hồ Chí Minh là lãnh tụ duy nhất trên thế giới có nhiều đóng góp vĩ đại cho Tổ quốc, nhưng khi đi vào cõi vĩnh hằng, trên ngực áo không hề có bất kỳ một tấm huân, huy chương nào…

Hiện nay, Đảng ta đang tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, triển khai thực hiện cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Vì vậy,  mỗi người trong chúng ta hãy tự mình học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây