Tài liệu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: Yêu cầu rèn luyện đạo đức đối với cán bộ, đảng viên hiện nay

Thứ sáu - 29/06/2012 10:42 3.300 0
Tài liệu sinh hoạt Chi bộ, sinh hoạt doàn thể và sinh hoạt tại các cơ quan, đơn vị năm 2011 - 2012 do Ban tuyên giáo Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị hành chính quốc gia Hồ Chí Minh biên soạn.

II. YÊU CẦU RÈN LUYỆN ĐẠO ĐỨC ĐỐI VỚI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

1. Tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, nêu cao tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Điểm mấu chốt của sự khác biệt căn bản giữa đạo đức cũ và đạo đức mới, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, là: “Đạo đức cũ như người đầu ngược xuống đất chân chổng lên trời. Đạo đức mới như người hai chân đứng vững được dưới đất, đầu ngửng lên trời”. Đạo đức cũ là đạo đức của giai cấp tư sản, của phong kiến, đạo đức áp bức và bóc lột. Còn đạo đức mới là đạo đức cách mạng, đạo đức hướng tới giải phóng nhân dân lao động khỏi áp bức, bóc lột, đưa lại cuộc sống ấm no, tự do cho tất cả mọi người. Vì vậy, cán bộ, đảng viên cần phải ý thức được sự nghiệp cao cả đó; đưa nhân dân từ thân phận nô lệ trở thành người chủ nước nhà, sự nghiệp cách mạng đó là của toàn dân. Người cán bộ, đảng viên phải thấu hiểu và thấm nhuần một cách triệt để: Trung thành với cách mạng chính là trung thành với sự nghiệp của nhân dân. Hồ Chí Minh nhắc nhở, dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết. Cán bộ phải ra sức phấn đấu để thực hiện mục tiêu của Đảng, hết sức trung thành phục vụ nhân dân. Có trung thành và quyết tâm phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc thì mới dám dũng cảm hy sinh quên mình vì nghĩa lớn. Lòng trung thành cao đẹp ấy phải được thể hiện bằng hành động thiết thực, cụ thể hàng ngày, trong từng công việc phải biến khát vọng làm sao cho “nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” của Hồ Chí Minh thành hiện thực.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy mỗi cán bộ rằng: “Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”. Người khuyên bảo cán bộ: “Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”. Phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, tôn trọng nhân dân và tin tưởng vào lực lượng của nhân dân, tổ chức tuyên truyền, thuyết phục nhân dân, đồng thời phải lắng nghe, học tập nhân dân. Thấm nhuần lời dạy của Người, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI khẳng định: “Cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Tổ quốc, trước Đảng và nhân dân, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.
Trong chế độ chúng ta, địa vị của người dân là cao nhất, dân là chủ: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Một yêu cầu có tính nguyên tắc mà Hồ Chí Minh đã đặt ra là phải xây dựng pháp luật để bảo đảm các quyền tự do dân chủ và cán bộ phải tuyệt đối trung thành với sự nghiệp của nhân dân, cho dù ở bất kỳ tình huống nào cũng phải đặt lợi ích của dân lên trên hết và trước hết. Người viết: “Các bạn là viên chức của Chính phủ Dân chủ Cộng hoà mà các bạn đã giúp xây dựng nên. Chính thể Dân chủ Cộng hòa của ta tuy còn trẻ tuổi, nhưng đã chiến thắng nhiều cuộc thử thách, nó đã chứng tỏ rằng quả thật là đầy tương lai. Do đó, nhiệm vụ các bạn phải tuyệt đối trung thành với chính quyền dân chủ”.
Cán bộ, đảng viên trung thành với lý tưởng, với đất nước phải được thể hiện trong công việc hàng ngày, đó là: hướng tới phục vụ nhân dân, vì lợi ích của nhân dân. Bảo vệ thành quả chính đáng của cách mạng cũng có nghĩa là phải bảo vệ quyền tự do, dân chủ rộng rãi cho nhân dân lao động. Đó là đạo đức chân chính của người cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công vun đắp.

2. Kiên quyết chống tham ô, lãng phí, quan liêu, thực hành dân chủ.
Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay, tham nhũng đang làm cản trở công cuộc kiến thiết đất nước, cản trở sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước, là kẻ thù nguy hiểm của cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: cách mạng là để triệt diệt những cái xấu, xây dựng những cái tốt. Chúng ta làm cách mạng là tiêu diệt triệt để chế độ thực dân, phong kiến, để xây dựng dân chủ mới. “Thực dân, phong kiến tuy bị tiêu diệt, nhưng cái nọc xấu của nó (tham ô, lãng phí, quan liêu) vẫn còn, thì cách mạng vẫn chưa hoàn toàn thành công, vì nọc xấu ấy ngấm ngầm ngăn trở, ngấm ngầm phá hoại sự nghịêp xây dựng của cách mạng”.
Với quyết tâm đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Cương lĩnh chỉ rõ mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta là “xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hoá phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”. Để thực hiện thành công mục tiêu tổng quát này, Đại hội đặc biệt chú trọng đến việc đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí một cách có hiệu quả. Trong cuộc đấu tranh này, cần phải: “Nâng cao phẩm chất đạo đức của đội ngũ công chức; công khai, minh bạch tài sản của cán bộ, công chức. Tăng cường công tác giám sát, thực hiện dân chủ, tạo cơ chế để nhân dân giám sát các công việc có liên quan đến ngân sách, tài sản của Nhà nước”. Rõ ràng, chống tham nhũng là một quyết tâm chính trị lớn của Đảng. Để thực hiện quyết tâm đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, tự giác “thực hiện chế độ công khai, minh bạch về kinh tế, tài chính…; thực hiện có hiệu quả việc kê khai và công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức theo quy định”. Mỗi cán bộ, công chức, đảng viên và nhân dân phải sống và làm việc theo pháp luật; sáng tạo, kỷ cương trong lao động; tiết kiệm trong lối sống và công việc. Muốn đạt được mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đề ra, ngoài việc phát huy tốt các yếu tố nội lực và ngoại lực, thực hiện triệt để, đồng bộ các giải pháp, thì một yếu tố quan trọng và cần kíp là chống tham nhũng.
Đi liền với nạn tham nhũng là nạn lãng phí, đó cũng là một thứ giặc nội xâm. Muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội thì phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong thời gian qua, do cách tổ chức quản lý chưa tốt của cán bộ nên có không ít nơi để xảy ra tình trạng lãng phí của công đến mức phải cảnh báo. Hồ Chí Minh quan niệm lãng phí của công tuy không lấy của công cho riêng cá nhân như tham nhũng, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ, có khi tai hại hơn cả tham nhũng và trộm cướp. Lãng phí của công điển hình là các cơ quan công quyền dùng vật liệu, điện nước một cách phí phạm; các xí nghiệp dùng máy móc và nguyên liệu không đúng mức; các cơ quan dùng xe vào mục đích cá nhân, không tiết kiệm xăng dầu; các dự án đầu tư dàn trải, không hiệu quả,… Những thứ bệnh đó một phần là do hậu quả của xã hội cũ để lại, do lòng tự tư, tự lợi, ích kỷ, hại dân mà ra. Điều này tất yếu sẽ dẫn đến thâm hụt ngân sách nhà nước, làm khủng hoảng kinh tế - xã hội. Cho nên nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhà nước là phải triệt để loại bỏ những căn bệnh đó và tăng cường thực hành tiết kiệm; có như thế mới thực hiện được đạo đức mới, đạo đức cách mạng, mới làm cho dân cường, nước thịnh.
Khi nói về vai trò của việc chống lãng phí trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, V.I.Lênin đã từng căn dặn chúng ta là phải thông qua pháp luật để nhổ tận gốc tất cả những hiện tượng lãng phí. Hồ Chí Minh còn lưu ý chúng ta là ngoài vai trò của pháp luật, phải phát động tư tưởng của quần chúng, làm cho quần chúng khinh ghét tham ô, lãng phí, để biến “hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng” thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí còn chỗ ẩn nấp, góp phần làm cho Đảng và Nhà nước ta trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo cách mạng thành công.
Để làm được những điều này, dứt khoát phải chống bệnh quan liêu vì quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô và lãng phí. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó chắc có tham ô, lãng phí; nơi nào bệnh quan liêu càng nặng thì nơi đó càng nhiều lãng phí, tham ô”. Vì vậy, chống tham ô, lãng phí phải gắn với chống quan liêu và là việc làm cần thiết, thường xuyên. Bệnh quan liêu làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí vượt khó của cán bộ ta. Nó phá hoại những phẩm chất đạo đức cách mạng mà chúng ta đang xây dựng là: Cần, kiệm, liêm, chính. Thấy được tác hại của căn bệnh này, chúng ta cần phải quyết tâm tẩy sạch nó đi. Cũng như: “ Muốn lúa tốt thì phải nhổ cỏ cho sạch, nếu không, thì dù cày bừa kỹ, bón phân nhiều, lúa vẫn xấu vì lúa bị cỏ át đi. Muốn thành công trong việc tăng gia sản xuất và tiết kiệm cũng phải nhổ cỏ cho sạch, nghĩa là phải tẩy sạch nạn tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu”.
Nguyên nhân sinh ra quan liêu, từ đó sinh ra tham nhũng, lãng phí là do xa dân, xa rời cuộc sống của nhân dân; vì không tin dân; vì coi thường dân, không thương dân; vì sợ dân. Để chữa bệnh quan liêu, cần phải gần dân, học hỏi ở dân và đặc biệt là phải thực hành dân chủ. Dân chủ là dựa vào lực lượng của quần chúng, đi đúng đường lối của quần chúng. Cho nên, “Phong trào chống tham ô, lãng phí,quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công”. Cũng như mọi việc khác, chúng ta phải động viên quần chúng, phải thực hành dân chủ cho dân, phải làm cho quần chúng hiểu rõ, làm cho quần chúng hăng hái tham gia thì mới chắc chắn thành công, phải làm sao để phát huy được tiếng nói của tất cả các tầng lớp nhân dân, phát huy dân chủ để phòng và chống có hiệu quả tham ô, lãng phí, quan liêu.

3. Ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng.
Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng đã đưa ra quyết tâm trong nhiệm kỳ này phải “tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”
Đại hội xác định bảy nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo:
(1) Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
(2) Cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp, sinh hoạt của nhân dân.
(3) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế của đất nước.
(4) Xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, nhất là hệ thống giao thông.
(5) Đổi mới quan hệ phân phối, chính sách tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; khắc phục tình trạng bất hợp lý và tác động tiêu cực của quan hệ phân phối, chính sách tiền lương, thu nhập hiện nay.
(6) Tập trung giải quyết một số vấn đề xã hội bức xúc (suy thoái đạo đức, lối sống, tệ nạn xã hội, trật tự, kỷ cương xã hội).
(7) Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí để thực sự ngăn chặn, đẩy lùi được tệ nạn này.
Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là góp phần thiết thực và trực tiếp thực hiện tốt cả bảy nhiệm vụ nêu trên, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.
Yêu cầu của việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là phải thường xuyên và tự giác trong việc rèn luyện và tu dưỡng đạo đức, lối sống của mỗi người, đặc biệt là cán bộ, đảng viên, theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên tinh thần đó, mỗi cá nhân, mỗi tập thể cần phải tự cảm thấy bức xúc, tự cảm nhận nhu cầu tự thân phải thực hiện cho chính mình, vì chính sự phát triển của cá nhân và tập thể mình.
Một yêu cầu quan trọng nữa là tính hiệu quả phải được quan tâm đúng mức. Từ đó, cấp ủy đảng các cấp phải đặc biệt coi trọng việc gắn nhiệm vụ này với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng tại địa phương, đơn vị mình, nhất là xác định một số nội dung cụ thể, một số vấn đề tư tưởng, đạo đức gây bức xúc trong ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, để tập trung chỉ đạo giải quyết mang lại kết quả cụ thể, củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Quan tâm đúng mức với vấn đề xây dựng và thực hiện chuẩn mực đạo đức, đạo đức nghề nghiệp, bồi dưỡng, giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ và cán bộ, đảng viên. Từ công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai đòi hỏi tinh thần chủ động, sáng tạo của các ngành, các cấp, của mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Trên cơ sở yêu cầu chung, dựa trên đặc điểm, tình hình của từng địa phương, từng đơn vị để lựa chọn lộ trình hợp lý cho từng nội dung công việc, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, tổ chức, từng cán bộ phụ trách để phù hợp với điều kiện thực tiễn. Càng xây dựng kế hoạch sát hợp với thực tiễn, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh càng đi vào cuộc sống một cách thiết thực, tránh bệnh hình thức, qua loa, chiếu lệ, hoặc ngược lại, cầu kỳ, lãng phí.

III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐỐI VỚI VIỆC RÈN LUYỆN ĐẠO ĐỨC CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN

1. Đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền tư tưởng “tận trung với nước, tận hiếu với dân”, nâng cao nhận thức về trách nhiệm đối với Tổ quốc, với nhân dân.
Cuộc đời Hồ Chí Minh là tấm gương “Tận trung với nước, tận hiếu với dân”, không một phút ngơi nghỉ, suốt đời suy nghĩ, lo lắng, chăm lo cho nước, cho dân. Việc đẩy mạnh công tác giáo dục và tuyên truyền tư tưởng “tận trung với nước, tận hiếu với dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay sẽ khuyến khích mỗi cán bộ, đảng viên tuyệt đối trung thành với lợi ích của đất nước, của nhân dân, đặt độc lập dân tộc, chủ quyền và lợi ích quốc gia lên trên hết và trước hết.
Ý thức hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của mỗi người phải được phát hiện, cổ vũ, động viên trong từng hành động nhỏ nhất, khuyến khích mỗi người đem hết tài năng, sức lực cống hiến cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho sự phát triển của đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Để học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân thì mỗi cán bộ, công chức phải hoàn thành nhiệm vụ, chức trách của mình theo đúng Luật cán bộ công chức. Biểu hiện cụ thể là: Làm tốt những công việc hàng ngày, nhất là những việc liên quan trực tiếp tới đời sống của người dân.
Đồng thời với việc nâng cao ý thực trách nhiệm của người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân, công tác giáo dục, tuyên truyền cần kiên quyết đấu tranh, phê phán những quan niệm và biểu hiện sai trái. Đó là sự lầm lẫn giữa trọng trách được tổ chức giao phó với quyền lực cá nhân. Sự lẫn lộn đó dẫn tới cơn khát quyền lực, chạy quyền, mua quyền, bán quyền, lộng quyền, cửa quyền, tham quyền cố vị. Khi có quyền mà thiếu lương tâm sẽ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân, đục khoét dân, “dĩ công vi tư”. Sinh thời Bác Hồ đã cảnh báo: “Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra là để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân”.

2. Hiện thực hóa và quyết tâm tổ chức thực hiện là “người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân” trong tất cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống, tư tưởng chính trị ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang làm cho lòng dân không yên. Vì thế, bên cạnh việc giáo dục tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thì việc quyết tâm thực hiện và làm theo tấm gương của Bác mới thực sự đem lại ý nghĩa cho việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nói phải đi đôi với làm, lý luận phải gắn liền với thực tiễn. Quần chúng đã chán cái lối “nói mà không làm”, “nói hay nhưng làm dở”, “nói người nhưng mình không làm”… của một bộ phận cán bộ. Để thực sự lấy lại được hình ảnh những cán bộ, đảng viên tận tụy, trung thnàh vì dân, một mặt, chúng ta cần động viên, khích lệ cán bộ, đảng viên làm theo lời Bác; mặt khác, cần kiên quyết trừng trị và loại trừ những kẻ hành dân, khinh dân, lừa đảo và ăn cắp của dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, mỗi người, dù ở cương vị nào cũng cần phải tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức. Người đã có nhiều lời dạy rất cụ thể về đạo đức của giai cấp, tầng lớp, nhóm xã hội. Đến nay những lời dạy của Người vẫn còn nguyên giá trị và cần được cụ thể hóa trong điều kiện mới. Cơ sở để vận dụng, cụ thể hóa những lời dạy của Bác với các giai cấp, tầng lớp, nhóm xã hội là đường lối, quan điểm, giải pháp… đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển và cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Đó là bảo đảm quyền làm chủ của dân “dân biếit, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, thực hiện đường lối quần chúng “gần dân, học dân, gắn bó với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, thực hiện được nhiệm vụ của người cán bộ “nắm vững dân tình, hiểu rõ dân tâm, đảm bảo dân sinh, nâng cao dân trí”. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức dù làm việc ở vị trí nào cũng đều cần quán triệt những quan điểm chung đó.
Cần cụ thể hoá thái độ tận tụy, trung thành phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân thành các nhiệm vụ trên từng vị trí công tác, từng loại công việc. Thấm nhuần, quán triệt sâu sắc tư tưởng và tấm gương vì nước quên thân, vì nhân dân phục vụ của Bác Hồ để vận dụng, cụ thể hóa nội dung những lời dạy của Bác đối với ngành, địa phương, giới mình trong điều kiện mới, gắn với hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị.

 3. Kết hợp chặt chẽ giữa tổ chức, hướng dẫn với động viên, kiểm tra, giám sát việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
   Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hướng vào việc nâng cao vai trò tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên. Vì vậy, cần động viên, khuyến khích, hướng dẫn mọi người, đặc biệt là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tự giác đề ra chỉ tiêu phấn đấu thiết thực. Trong đợt học tập chuyên đề lần này, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức công tác ở mọi cấp, mọi ngành, nhất là các cán bộ lãnh đạo chủ trì, chủ chốt, cần xây dựng kế hoạch cá nhân học tập và làm theo lời Bác với những việc làm cụ thể, định kỳ báo cáo trước chi bộ, cơ quan, đơn vị.
Để hỗ trợ mỗi cá nhân thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi tập thể đảng, chính quyền, đoàn thể xây dựng các chương trình hành động, giúp đỡ, giám sát và kiểm tra việc tự giác làm theo của cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên của mình. Định kỳ yêu cầu các cá nhân báo cáo những việc đã làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

4. Phát huy vai trò nêu gương trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Một trong những nguyên tắc thực hành đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh là phải nêu gương về đạo đức. Hồ Chí Minh yêu cầu mọi người đều phải nêu gương về đạo đức. Ông bà nêu gương cho con cháu, cha mẹ nêu gương cho con, anh chị nêu gương cho em, đảng viên nêu gương cho quần chúng… Phát huy vai trò nêu gương trong thực hành đạo đức có ý nghĩa to lớn không chỉ trước mắt mà còn mãi mãi sau này.
Trong phạm vi xã hội, việc nêu gương về đạo đức của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, có vai trò đặc biệt quan trọng. Trong tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra câu nói rất hay và rất đúng của nhân dân là “Nhân dân thường nói: đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Theo yêu cầu đó của dân, trong đảng và hệ thống quản lý nhà nước, việc lãnh đạo đi trước, làm trước để đảng viên, quần chúng, nhân dân đi sau, làm theo có ý nghĩa rất quan trọng. Yêu cầu về tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo, quản lý là phải biết nêu gương. Không biết nêu gương, không nêu gương được thì không, hoặc chưa xứng đáng là người lãnh đạo tốt.
Việc nêu gương về đạo đức không chỉ là sự vận động, mà phải trở thành những quy định, sự ràng buộc trách nhiệm để mỗi người đều tự giác và cần phải thực hiện. Các cấp, các ngành cần chủ động tổ chức thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt.

Tin, ảnh: (Tài liệu sinh hoạt chi bộ, đoàn thể và tại các cơ quan, đơn vị năm 2011 - 2012 do ban tuyên giáo Trung ương biên soạn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây