Đó là đêm 3/9/1969. Trên đường vượt dốc cao điểm 405 để chuẩn bị cho trận đánh mới, chúng tôi nhận được tin đau đớn: Bác Hồ qua đời.
Mệnh lệnh của đơn vị gấp rút trở về hậu cứ chịu tang Bác. Chúng tôi như chết lặng giữa sườn núi. Tôi nhớ lại câu chuyện về người đồng đội Lê Nhật Tụng, người đã may mắn được gặp Bác Hồ lần cuối trong lễ mừng thọ Người trước lúc Người đi xa.
Lê Nhật Tụng là trung đội phó của đại đội 4, tiểu đoàn 2 Nghệ An đỏ, thuộc Trung đoàn 27 Xô viết Nghệ Tĩnh (nay là Trung đoàn 27 - Triệu Hải). Trong cùng một trận đánh tại bắc đường số 9 (Quảng Trị), anh đã dùng khẩu B41, lần lượt bắn tiêu diệt 6 xe tăng địch, trở thành dũng sĩ diệt tăng nổi tiếng mặt trận B5.
Với chiến công đặc biệt xuất sắc đó, tháng 5/1969, Lê Nhật Tụng được vinh dự đại diện cho các chiến sĩ Quân giải phóng đường 9 Quảng Trị, tham gia đoàn đại biểu dũng sĩ Quân giải phóng miền Nam ra Hà Nội dự đại hội chiến sĩ thi đua.
Cũng trong dịp này, Lê Nhật Tụng đã có được niềm hạnh phúc tột cùng khi được tham gia đoàn đại biểu dũng sĩ Quân giải phóng miền Nam thăm, chúc thọ Bác Hồ.
Để rồi, ngày trở lại đơn vị, trong hành trang của mình, ngoài chiếc Huy hiệu Bác Hồ do chính người tự tay gắn trên ngực áo của Lê Nhật Tụng, cùng tấm ảnh Lê Nhật Tụng đang cùng các dũng sĩ miền Nam quây quần bên Bác, còn có nguyên những câu chuyện cảm động về Bác Hồ.
Những câu chuyện đó được Lê Nhật Tụng kể lại cho chúng tôi đã trở thành động lực giúp những người lính Trung đoàn 27 vượt qua những cam go, thử thách, sẵn sàng hy sinh xương máu vì độc lập tự do của Tổ quốc. Hồi đó, ai cũng khao khát được một lần gặp Người nên luôn cố gắng lập công.
Trong đêm mưa đầu tháng 9/1969, giữa mặt trận khét lẹt đạn bom, tin Bác mất khiến ai cũng trào nước mắt tiếc nuối. Bất chợt trong nghẹn lòng tiếc thương, câu chuyện kể về lần thăm, chúc thọ Bác Hồ của Lê Nhật Tụng lại trở về...
Chuyện rằng, hôm đó, mặc dù tuổi Bác đã cao, sức khỏe Bác không được tốt như trước, nhưng Bác vẫn dành cả một khoảng thời gian khá dài để tiếp và thăm hỏi nam, nữ dũng sĩ miền Nam. Trên bàn tiếp khách được bày sẵn những đĩa kẹo, bánh, trái cây.
Mặc dù Bác liên tục nhắc mọi người ăn kẹo, uống nước, nhưng trong một không khí ấm áp tình cha con, cả đoàn như quên hẳn các đĩa kẹo, bánh, nước trà trên bàn.
Cứ vậy, sau những lời thăm hỏi, động viên và tự tay mình gắn Huy hiệu cho từng người, Bác chia tay với đoàn. Nhưng ra đến cửa, Bác bỗng dừng bước, ngoảnh về phía dãy bàn còn nguyên các đĩa kẹo bánh và bình nước trà và nhắc:
- Kẹo bánh của nhân dân cho đó, các cháu ăn không hết thì chia nhau mang về. Rồi bất ngờ Bác nhấn mạnh từng lời: Còn đất nước thì nhất định không được chia!
Vâng, đó chính là lời dặn, và cũng khát vọng thống nhất đất nước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đau đáu suốt cả cuộc đời, thực sự là bài học về ý chí chiến đấu, hy sinh vì “độc lập tự do”, trở thành hành trang cho mỗi người lính chúng tôi đi tiếp suốt chiều dài chiến tranh, tiếp tục thực hiện ý chí, lời thề và là khát vọng thiêng liêng của mỗi con dân đất Việt: Vì độc lập tự do, vì sự nghiệp thống nhất đất nước.
Giây phút đó, ngước nhìn lên thác nước đổ phía đầu suối Cù Đinh, những câu thơ như theo bóng hình Bác bỗng đổ về thành lời:
Đung đưa võng mắc lưng sườn dốc
Đêm về gió núi lạnh tái tê
Vọng nghe suối đổ như triều dậy
Vẫn ấm lòng con, bóng Bác về
Chúng tôi đã vĩnh viễn không bao giờ có dịp được gặp Bác như người đồng đội của chúng tôi. Nhưng Bác vẫn luôn hiện hữu bên chúng tôi trong từng chặng gian nan trận mạc với lời dặn như tạc vào lòng mỗi người lính giải phóng rằng: Đất nước không được chia!