Từ những điều giản dị...

Thứ hai - 13/08/2012 13:38 2.614 0
Hồ Chí Minh, Danh nhân văn hóa kiệt xuất, mang phong cách phương Đông rất rõ nét. Người chẳng những “lớn” trong việc “lớn” mà còn “lớn” cả trong nhiều việc “nhỏ” hằng ngày. Thiết nghĩ, hôm nay trong việc học tập và làm theo Bác hãy bắt đầu từ những điều bình dị, bé nhỏ trong cuộc sống hằng ngày. Đó là điều thiết thực mà mỗi chúng ta đều có thể học và làm theo Bác.
Trong mẩu chuyện “Hình ảnh Bác Hồ ở vùng núi Thu-rin-gen”, Giáo sư - Tiến sĩ  Nguyễn Lai kể lại câu chuyện giữa ông và vợ chồng người phụ trách nhà nghỉ ở vùng núi Thu-rin-gen nước Đức khi giáo sư được họ mời về nhà dự bữa ăn thân mật. Người phụ nữ Đức đã tâm sự: “Chúng tôi ở xa Béc-lin, trước đây chúng tôi không may mắn để được thấy Hồ Chí Minh như người Béc-lin. Nhưng qua sách báo, chúng tôi hiểu khá nhiều điều về Hồ Chí Minh …”. Chị tiếp: “Tôi rất thích đọc tiểu sử Hồ Chí Minh … và điều chúng tôi thích nhất ở Hồ Chí Minh là điều gì, anh có biết không ?... Giản dị!”. Rồi chị hướng câu chuyện đó vào thực tại: “Anh biết không, Bác Hồ không lãng phí. Trong bữa ăn, Người không bao giờ để thừa suất ăn của mình. Người Đức chúng tôi cũng thế. Hôm nay, trong bữa ăn này, tất cả chúng ta phải giữ đúng phong cách Hồ Chí Minh… anh bạn đồng ý không?” Qua trò chuyện, ông Nguyễn Lai nhận ra: Người dân Đức có sự am hiểu khá rõ về những đức độ và sinh hoạt đời thường của Bác Hồ.

Mẩu chuyện đó cũng lý giải băn khoăn của vị giáo sư chuyên ngành Việt Nam học người Đức khi Chủ tịch Hồ Chí Minh được UNESCO tặng danh hiệu Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc - Danh nhân văn hóa kiệt xuất. Vị giáo sư đó tâm sự: Hồ Chí Minh, nhà văn hoá lớn, mang phong cách phương Đông rất rõ nét. Người chẳng những “lớn” trong việc “lớn” mà còn “lớn” cả trong nhiều việc “nhỏ” hằng ngày. Tôi suy nghĩ nhiều về điều ấy, nhưng tiếc rằng trong báo cáo của mình, tôi chưa có điều kiện để nhấn mạnh đặc điểm ấy ở Danh nhân văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh …”.

Bác Hồ chúng ta “lớn” cả trong những việc “nhỏ” hằng ngày đó phải chăng là nếp sống, sinh hoạt hết sức bình dị của Người. Khi là Chủ tịch nước, “quyền cao chức trọng”, nhưng Người không sống cách biệt mức sống của đa số nhân dân. Bác từng sống ở ngôi nhà sàn đơn sơ chỉ 6m2 trong những năm tháng ở chiến khu Việt Bắc. Mùa đông giá lạnh, các đồng chí Trung ương mua cho Bác chiếc chăn bông. Bác từ chối: “Nhân dân Việt Bắc còn đắp vỏ sui, Bác dùng chăn bông sao được. Dân dùng gì thì Bác dùng cái đó. Không nên tạo sự cách biệt. Vả lại, đấy cũng là cách thử thách với sức khỏe, buộc mình phải tập thích nghi với hoàn cảnh …”. Khi về Hà Nội, Người ở trong ngôi nhà chật hẹp của người thợ điện cũ trong khu Phủ Chủ tịch. Sau đó, nhà sàn của Người cũng có diện tích khiêm tốn và những đồ vật rất thông thường. Cái ăn, cái mặc của Người hết sức giản dị. Bữa ăn thường chỉ ba bốn món: tương, cà, dưa muối, cá kho lá gừng. Từ họp hành cho đến tiếp khách, đi cơ sở… đều được Người bố trí thích hợp sao cho tốn ít thời gian mà có hiệu quả.

Năm 1956, Hà Đông tổ chức Hội nghị chống hạn, Bác Hồ đến dự sớm hơn 15 phút. Bác bảo: “Thời gian là vàng ngọc. Mình đi chậm 5 phút, Hội nghị có 150 người thì mình đã lấy đi 750 phút của mọi người. Không nên như vậy”. Năm 1957, Bác đến tỉnh Hưng Yên tham gia chống hạn với nhân dân. Khi đi Bác đã cho người chuẩn bị một chiếc cặp lồng cơm độn sắn nấu dẻo. Trưa đó, Bác được UBND tỉnh mời cơm. Bác đứng rất lâu trước mâm cơm thịnh soạn và khước từ bữa cơm. Nhưng nhận thấy mọi người đều biết lỗi và rất buồn nên Bác quyết định ăn một bát cơm độn và một bát cơm trắng cùng mọi người. Khi biết, bữa ăn đó hết 400 đồng, Bác buồn và bảo: “Mình Bác đi, chỉ một bữa cơm mà chi hết 400 đồng - số tiền quá lớn, Bác không ăn hết”. Từ đó trở đi, mỗi khi đi công tác xa, Bác đều cho người chuẩn bị bữa ăn (trong chiếc cặp lồng). Đến bữa, Bác cùng chiến sĩ bảo vệ lấy ra ăn.

Trong sinh hoạt hàng ngày, không lúc nào Bác làm phiền người khác. Người tự chuẩn bị chăn màn khi đi ngủ, xếp gọn ghẽ khi thức dậy. Trời mưa, Người vẫn xắn quần đến chỗ ăn cơm, không muốn các đồng chí phục vụ phải vất vả. Người thường cùng mọi người tham gia lao động sản xuất để cải thiện đời sống. Khi ốm đau, Người chịu đựng, động viên những người xung quanh, không muốn để mọi người lo lắng quá nhiều. Có mùa hè nóng bức, lo cho sức khoẻ của Bác, mọi người đã lắp trong phòng ở của Người chiếc máy điều hoà nhiệt độ. Bác không đồng ý và bảo mọi người tháo ra đem tặng cho các đồng chí thương binh đang điều trị tại bệnh viện.

Sinh thời, Bác thường dùng chiếc xe con thương hiệu “Thắng lợi” do Chính phủ Liên Xô tặng. Lâu ngày, xe xuống cấp, các cán bộ giúp việc có ý định thay xe mới. Biết thế, Bác hỏi: “Xe hiện nay đã hỏng chưa?” và Bác kiên quyết “thuỷ chung” với chiếc xe đó cho đến cuối đời. Bác cũng đã từng phê bình những người giúp việc về việc may mới quần áo cho Bác. Bác nói: “Ai bảo các chú may quần áo mới cho Bác? Bác có hai bộ là đủ dùng rồi. Hiện nay, đồng bào đang còn nhiều người thiếu quần áo, Bác có như vậy là tốt lắm rồi”. Ngay cả chuyện mọi người đề nghị Bác thay đôi dép cao su đế đã mòn, mua đôi dép mới chỉ có 2,5 đồng nhưng Bác nói: “Vấn đề không phải là ở chỗ 2,5 đồng mà là xem đôi dép đã hỏng chưa, đã cần thay chưa. Hiện nay đôi dép này còn dùng được chưa cần thay. Lúc nào cần thay, Bác sẽ đồng ý”.

Cảm động nhất là chuyện Bác dùng tiền nhuận bút của mình (tất cả là 25.000 đồng) gửi đến Bộ Tổng Tham mưu để mua nước uống cho các chiến sĩ hay chuyện Bác chấp hành luật giao thông. Theo lời kể của ông Phạm Lê Ninh, nguyên Cục phó Cục Cảnh vệ kể lại, Bác nói: “Luật giao thông của Nhà nước ai cũng phải chấp hành. Chú định xin cho xe Bác được ưu tiên, như thế là không được, vừa phạm luật, vừa không bình thường. Bác là Chủ tịch nước, ký ban hành Luật cũng phải chấp hành luật chứ ?”. Sau đó Bác lại nhắc là không nên để mọi người hiểu lầm mình cậy quyền, cậy thế…

Những câu chuyện sinh động trên cho chúng ta thêm hiểu về nếp sống bình dị của Bác, để thêm tự hào về Người. Thiết nghĩ, hôm nay trong việc học tập và làm theo Bác hãy bắt đầu từ những điều bình dị, bé nhỏ trong cuộc sống hằng ngày. Đó là điều thiết thực mà mỗi chúng ta đều có thể học và làm theo Bác.                                                       

Tin, ảnh: Nguyễn Thị Thọ - Trường CĐSP, 123 Nguyễn Huệ, TP.Huế

Nguồn tin: Theo tapchixaydungdang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây