Có thể nói, lời dạy của Bác Hồ kính yêu đối với cán bộ các cơ quan tư pháp được hình thành từ tư tưởng của Người khi làm cách mạng dân tộc, dân chủ, giành chính quyền về tay nhân dân lao động. Tư tưởng đó được hình thành từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, kết hợp với những tư tưởng tiến bộ về Nhà nước và pháp luật của các nước trên thế giới mà Người đã tiếp thu được trong quá trình tìm đường cứu nước.
Sau khi lãnh đạo Đảng và nhân dân ta tiến hành Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, giành chính quyền về tay nhân dân; Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng một Nhà nước thuộc về nhân dân, lợi ích phải vì dân; một Nhà nước dân chủ, trong đó nhân dân là chủ và nhân dân làm chủ; một Nhà nước phải vận hành và quản lý bằng pháp luật... Suy nghĩ của Hồ Chủ tịch là cơ sở tư tưởng cho việc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền và về công tác tư pháp.
Trong thư gửi Hội nghị công tác tư pháp tháng 2 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Cán bộ tư pháp phải tuyệt đối trung thành”, “các bạn là những người phụ trách thi hành luật pháp, lẽ tất nhiên các bạn phải nêu cao tấm gương “phụng công thủ pháp, chí công vô tư” cho nhân dân noi theo”.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng vì nước, vì dân; Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu tấm gương sáng về việc chấp hành pháp luật. Bản thân Hồ Chủ tịch luôn tôn trọng pháp luật, trong mọi việc, Người luôn vô tư, kiên quyết, bảo đảm sự công bằng và công minh. Tấm gương sáng của Bác về tuân thủ pháp luật được truyền tụng trong nhân dân, có sức giáo dục, thuyết phục rất lớn đối với cán bộ và nhân dân trong việc sống và làm theo pháp luật.
Cán bộ làm công tác tư pháp (làm việc trong các cơ quan Tư pháp, Toà án, Viện kiểm sát…) là những người được giao nhiệm vụ thi hành pháp luật, vì vậy hơn ai hết phải là những người gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật, phải hết lòng vì sự nghiệp chung của đất nước, vì nhân dân mà bảo vệ pháp luật. Là người cầm cân nảy mực, cán bộ tư pháp phải thực thi pháp luật cho rõ ràng, công bằng, công minh, khách quan, cho “chí công, vô tư” theo đúng quy định của pháp luật; bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm minh và thống nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ yêu cầu người làm công tác tư pháp phải “chí công vô tư” mà còn phải biết “phụng công, thủ pháp”, bởi vì “Phụng công thủ pháp, chí công, vô tư” được coi là một trong những tiêu chuẩn quan trọng của cán bộ tư pháp; điều này càng có ý nghĩa hơn trong sự nghiệp cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay, suy rộng ra là của cả nền tư pháp mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm: Công tác tư pháp suy cho cùng là ở đời và làm người. Vì vậy, Hồ Chủ tịch đã căn dặn cán bộ tư pháp phải luôn công bằng, khi áp dụng pháp luật và khi xử lý các vụ việc, không được lẫn lộn giữa công và tội. Theo Người: Có công thì được thưởng, có lỗi thì phải bị phạt.
Hồ Chủ tịch coi việc xây dựng hệ thống các cơ quan tư pháp là cơ sở để xã hội phát triển. Người từng nói: Tư pháp có tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt người dân mới có được hệ thống pháp luật bảo vệ, có được ánh sáng của Đảng dìu dắt. Song song với đó là phải kiên quyết đấu tranh xử lý tội phạm, đấu tranh chống những hành vi xâm hại đến danh dự, uy tín của Đảng, của Nhà nước. Tại Hội nghị cán bộ tư pháp năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Trong công tác xử án phải công bằng, liêm khiết, trong sạch… Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân; giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng. Thêm nữa là phải luôn luôn cố gắng học tập lý luận, học tập đường lối, chính sách của Chính phủ. Theo Bác, xét xử đúng là tốt, nhưng nếu không phải xét xử thì càng tốt hơn. Với những quan điểm đó, ngày 22/5/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 85 về cải cách bộ máy tư pháp, xây dựng nên những nguyên tắc tiến bộ đầu tiên cho nền tư pháp non trẻ của nước ta. Sau hòa bình lập lại, ngày 22/3/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự và nói chuyện với Hội nghị Tư pháp toàn quốc lần thứ 10. Bác nói: Cần thực hiện đúng đắn nền pháp chế XHCN của nước ta, bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân, quyền lợi của nhân dân; đồng thời phải ngăn ngừa, trừng trị những kẻ âm mưu phá hoại chế độ, phá hoại lợi ích của nhân dân, phá hoại công cuộc đấu tranh thống nhất Tổ quốc... Ngành tư pháp muốn khắc phục khó khăn phải đoàn kết nhất trí thực sự, muốn đoàn kết thực sự phải dựa trên cơ sở lập trường vững vàng, tư tưởng sáng suốt, nội bộ dân chủ, phải giúp đỡ nhau học tập tiến bộ, thật thà phê bình, tự phê bình. Đoàn kết sẽ giúp sức mạnh tập thể được nhân lên, giúp các cá nhân vượt qua mọi khó khăn, có sức mạnh đoàn kết thì việc khó mấy cũng vượt qua được. Hồ Chủ tịch căn dặn: Các cơ quan tư pháp cần phối hợp chặt chẽ với nhau và phối hợp với các cơ quan chính quyền để hoàn thành nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao cho.
Đối với ngành Kiểm sát nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dành sự quan tâm đặc biệt và những tình cảm cao quý của Người ngay từ trước khi Người ký Lệnh số 20/LCT ngày 26/7/1960 công bố Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Để chuẩn bị cho việc thành lập Viện kiểm sát nhân dân, cùng với Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử đồng chí Hoàng Quốc Việt sang làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Đồng chí Hoàng Quốc Việt là nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng, một con người của trí tuệ và công việc; có sự phản ứng một cách linh hoạt và nhạy cảm đối với những vấn đề đặt ra cho công tác của Viện kiểm sát nhân dân sau này. Sự quan tâm của Hồ Chủ tịch và Trung ương Đảng là một vinh dự rất lớn đối với ngành Kiểm sát nhân dân ngay từ khi mới thành lập Ngành.
Theo lời kể của đồng chí Huỳnh Lắm, cố Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Chuẩn bị cho việc thành lập Viện kiểm sát nhân dân, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Huỳnh Lắm cùng với đồng chí Bùi Lâm và đồng chí Nguyễn Văn Ngọc xây dựng Dự thảo Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960. Sau khi xây dựng xong dự thảo, đồng chí Hoàng Quốc Việt có giao cho đồng chí Bùi Lâm và đồng chí Nguyễn Văn Ngọc lên báo cáo với Hồ Chủ tịch để xin Người cho ý kiến. Đồng chí Bùi Lâm kể lại, khi nghe trình bày về dự thảo Luật Tổ chức của ngành Kiểm sát nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đồng ý với dự thảo trên nguyên tắc chung của Hiến pháp năm 1959 đã quy định. Hồ Chủ tịch căn dặn, đại ý là: Với chức năng, nhiệm vụ như vậy, Viện kiểm sát phải có biện pháp cụ thể để thực hiện cho được chức năng, nhiệm vụ đó; đó cũng là trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho Viện kiểm sát nhân dân. Là Cơ quan thực hiện chức năng kiểm sát việc chấp hành pháp luật của người khác, ngành Kiểm sát hơn ai hết phải là những người gương mẫu chấp hành pháp luật. Chính vì vậy khi dặn dò đồng chí Bùi Lâm và đồng chí Nguyễn Văn Ngọc, Bác Hồ kính yêu đã nói: Cán bộ Kiểm sát phải “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.
Không chỉ quan tâm đến việc tổ chức ra hệ thống Viện kiểm sát nhân dân ở nước ta và căn dặn cán bộ Kiểm sát, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian tiếp các Đoàn đại biểu của Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc và Viện kiểm sát Liên Xô sang thăm và làm việc với Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam.
Năm 1962, Hồ Chủ tịch đã tiếp Đoàn đại biểu Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc do đồng chí Trương Đỉnh Thừa, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc làm Trưởng đoàn sang thăm và làm việc với Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam. Người đã chụp ảnh lưu niệm với đồng chí Hoàng Quốc Việt và Đoàn đại biểu Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc tại Phủ Chủ tịch.
Tháng 10 năm 1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp Đoàn đại biểu Viện Kiểm sát tối cao Liên Xô do đồng chí R.A. Ru-đen-cô, Tổng Kiểm sát trưởng làm Trưởng đoàn sang thăm và làm việc với Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam. Người ân cần thăm hỏi sức khoẻ của các vị trong Đoàn, về kết quả trao đổi giữa Viện Kiểm sát tối cao hai nước và cảm ơn về lời chúc sức khoẻ của Đoàn.
Từ khi Viện kiểm sát nhân dân được thành lập, mười chữ vàng mà Bác Hồ đã căn dặn ngành Kiểm sát nhân dân luôn được coi như phương châm hoạt động và rèn luyện với từng cán bộ Kiểm sát. Sau khi Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân được công bố, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã chỉ thị là phải đưa việc quán triệt thực hiện lời dạy của Bác Hồ vào nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho ngành Kiểm sát nhân dân. Cho đến bây giờ, lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ Kiểm sát vẫn luôn được coi là nội dung quan trọng để giảng dạy về đạo đức cho các thế hệ cán bộ Kiểm sát và cho học sinh các khóa học tại Trường của Ngành.
Nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cải cách tư pháp, có nhiều việc ngành Kiểm sát nhân dân cần phải làm, song trước hết, cùng với việc nâng cao năng lực, trình độ của Kiểm sát viên và cán bộ Kiểm sát, phải thường xuyên quán triệt và thực hiện nghiêm chỉnh lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ Kiểm sát là phải “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Lời dạy của Bác phải được cụ thể hóa bằng hành động trong từng công việc cụ thể hàng ngày của từng cán bộ Kiểm sát. Theo đó:
Cán bộ Kiểm sát phải luôn công bằng và sáng suốt, phải luôn rõ ràng và minh bạch. Cái tâm của người cán bộ Kiểm sát có trong sáng thì xem xét và quyết định mọi việc mới công bằng. Là người được giao “cầm cân nẩy mực” giữ gìn cán cân công lý, cán bộ Kiểm sát quyết không thể vì tiền tài, vật chất, vì lợi ích riêng tư mà làm trái pháp luật, nghiêng lệch cán cân công lý.
Cán bộ Kiểm sát phải có dũng khí đấu tranh bảo vệ công lý, bảo vệ pháp luật, phải luôn ngay thẳng trong mọi công việc. Người cán bộ Kiểm sát được giao một trọng trách rất lớn khi thực hiện công vụ, có liên quan đến nhiều người và nhiều mặt của đời sống xã hội; do đó thấy đúng phải kiên quyết bảo vệ, thấy sai, thấy vi phạm pháp luật và tội phạm phải kiên quyết đấu tranh, không vì bất cứ lý do nào mà làm sai pháp luật.
Khi thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, cán bộ Kiểm sát phải xuất phát từ thực tế khách quan để xem xét đánh giá sự việc. Đối tượng tác động của hành vi thực hiện chức năng nhiệm vụ của người cán bộ Kiểm sát là những vấn đề rất cơ bản và quan trọng đối với con người, ảnh hưởng trực tiếp đến các quyền cơ bản nhất của con người được Hiến pháp và pháp luật quy định, do vậy người cán bộ Kiểm sát phải luôn khách quan, không được vì bất cứ lý do gì mà thiên lệch trong công việc.
Khi thực hiện chức năng nhiệm vụ, người cán bộ Kiểm sát phải đắn đo, suy nghĩ, cẩn thận, không để sai sót trong mọi việc. Bởi vì sai sót trong việc thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của người cán bộ Kiểm sát cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến oan, sai. Những sai lầm trong hoạt động nghiệp vụ của cán bộ Kiểm sát không những đã xâm phạm đến quyền và lợi ích của người bị oan, sai mà một số trường hợp còn gây hậu quả xấu, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan pháp luật.
Cán bộ Kiểm sát phải khiêm tốn, phải tự đánh giá đúng mức bản thân, không tự mãn, tự kiêu, không cho mình là hơn người; Có như vậy mới có điều kiện để cùng mọi người làm tròn nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Viện kiểm sát nhân dân là của nhân dân và vì nhân dân; do vậy Kiểm sát viên và cán bộ Kiểm sát phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân, gần dân và điều quan trọng là phải đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; phải luôn khiêm tốn, xứng đáng là công bộc tận tụy của dân.
Vinh dự và tự hào về sự quan tâm của Bác Hồ kính yêu đối với các cơ quan tư pháp nói chung và Viện kiểm sát nhân dân nói riêng, toàn ngành Kiểm sát nhân dân và từng cán bộ, Kiểm sát viên đã và đang thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, bản lĩnh và kỷ cương, công tâm và trách nhiệm” do Viện kiểm sát nhân dân tối cao phát động từ tháng 3 năm 2012, gắn với việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Trung ương Đảng về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Thực hiện tốt các cuộc vận động nói trên là góp phần thực hiện nghiêm túc lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ Kiểm sát: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.