Đánh giá về kết quả thực hiện nội dung công tác đột phá, báo cáo chỉ rõ: Các đơn vị, Viện kiểm sát đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao về việc lựa chọn, xác định nội dung công tác để tập trung thực hiện tạo sự đột phá. Nhiều đơn vị, Viện kiểm sát đã chủ động xác định, đưa vào Kế hoạch công tác các chỉ tiêu, giải pháp cụ thể, như: Viện kiểm sát Quảng Ninh, An Giang, Lâm Đồng, Cần Thơ, Hải Phòng,… Một số Viện kiểm sát cấp tỉnh, ngoài việc lựa chọn nội dung công tác chung cho toàn Ngành trong tỉnh để tập trung thực hiện tạo sự đột phá, còn yêu cầu từng đơn vị cấp phòng và Viện kiểm sát cấp huyện lựa chọn, đăng ký nội dung công tác riêng cho đơn vị mình để thực hiện (Hà Nội, Kiên Giang); một số đơn vị xác định, thực hiện nhiều nội dung công tác đột phá (Vụ 12, Cục Điều tra, Viện Phúc thẩm 3; các Viện kiểm sát Lạng Sơn, Cao Bằng, Lai Châu, Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Định, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Phú Thọ, Bến Tre). Nhiều đơn vị, Viện kiểm sát đã đề ra những giải pháp hiệu quả thực hiện, đạt và vượt các chỉ tiêu quy định, như: tham mưu cho Tỉnh uỷ ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng đối với công tác nắm, quản lý, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm (Lai Châu); phối hợp với Toà án xây dựng Kế hoạch, Quy chế phối hợp trong việc tổ chức các phiên toà rút kinh nghiệm (An Giang, Vĩnh Long, Đắk Lắk); tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức Hội nghị pháp chế về công tác thi hành án hình sự cho UBND cấp xã và các cơ quan liên quan (Nghệ An); xây dựng Quy định phối hợp liên ngành nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 37/2012/QH13 (Lâm Đồng); tổng hợp, tham mưu cho lãnh đạo VKSND tối cao ban hành kiến nghị Chánh án TANDTC khắc phục vi phạm trong giải quyết án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động của Tòa án các cấp (Vụ 12)…, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác đột phá đã lựa chọn.
Trong năm qua, ngành Kiểm sát đã đạt được một số kết quả nổi bật, đó là: Tiếp tục thực hiện chủ trương “Đổi mới, chất lượng, kỷ cương, hướng về cơ sở”, Viện kiểm sát các cấp đã thực hiện nhiều biện pháp hiệu quả, nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả tích cực trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, từng bước đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Viện trưởng VKSND tối cao đã chỉ đạo VKSND các cấp lựa chọn, xác định nội dung công tác để tập trụng thực hiện tạo sự đột phá trong năm 2013. Thực hiện chỉ đạo này, nhiều đơn vị, Viện kiểm sát đã quán triệt nghiêm túc, đề ra các chỉ tiêu, giải pháp cụ thể và triển khai thực hiện đạt kết quả tốt, chất lượng, hiệu quả nội dung công tác đã lựa chọn có sự chuyển biến rõ rệt. Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Chỉ thị về tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra và triển khai thực hiện quyết liệt trong toàn Ngành. VKSND tối cao đã phối hợp với các ngành chức năng ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành quy định của BLTTHS về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, góp phần quan trọng khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát về giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên toà có chuyển biến rõ rệt; kiểm sát hoạt động tư pháp chặt chẽ, hiệu quả hơn, làm tốt công tác quản lý, báo cáo, đánh giá tình hình vi phạm pháp luật trong các hoạt động tư pháp; số lượng, chất lượng các kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát được nâng lên; triển khai thực hiện nhiều giải pháp để hoàn thành tốt các nhiệm vụ về xây dựng Ngành, tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển của Ngành trong thời gian tới. Có thể khẳng định, năm 2013, toàn Ngành thực hiện nghiêm túc, đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết số 37/2012/QH13 đề ra. Nhiều chỉ tiêu công tác tăng so với cùng kỳ năm 2012, như: tỉ lệ giải quyết tố giác, tin báo tội phạm tăng 4,1%; tỉ lệ bắt, giữ chuyển xử lý hình sự tăng 0,5%; việc xác định án trọng điểm tăng 20,4%, tổ chức phiên tòa lưu động tăng 9,2%, phiên toà rút kinh nghiệm về hình sự tăng 37,8%, tích cực phối hợp tổ chức các phiên toà rút kinh nghiệm về dân sự (1.094 phiên toà); đặc biệt, các chỉ tiêu về trực tiếp kiểm sát, ban hành kiến nghị yêu cầu xử lý vi phạm, ban hành thông báo rút kinh nghiệm về nghiệp vụ tăng mạnh,… Số án đình chỉ do miễn trách nhiệm hình sự giảm đáng kể, nhất là số trường hợp đình chỉ do không phạm tội (giảm 51,06%). Chỉ đạo xử lý nghiêm minh các vụ án trọng điểm, phức tạp, nhất là các vụ án kinh tế, chức vụ và tham nhũng; chủ động tích cực rà soát, giải quyết những trường hợp kêu oan nhiều lần, kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân.
Đại biểu dự Hội nghị
Toàn ngành Kiểm sát đã tập trung trí tuệ, đề cao trách nhiệm tham gia góp ý vào dự thảo Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi), nhất là chế định VKSND; hoàn thành Dự thảo 1 Luật tổ chức VKSND (sửa đổi); đẩy nhanh tiến độ xây dựng Dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) đảm bảo chất lượng, đúng quy trình; hoàn thành các đề án về cải cách tư pháp liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất và chế độ chính sách của Ngành. Tích cực nghiên cứu, xây dựng hoặc chủ trì phối hợp cùng các ngành hữu quan xây dựng một số chỉ thị, thông tư, quy chế về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, góp phần quan trọng tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong công tác. Thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội; tuyển sinh và khai giảng Khóa 1 Cử nhân luật chuyên ngành Kiểm sát; tập trung nguồn lực để xây dựng Trường trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Ngành. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ và bồi dưỡng kiến thức toàn diện cho cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Viện kiểm sát các cấp, trong đó có Viện trưởng VKSND cấp tỉnh. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, VKSND tối cao đã chủ động nghiên cứu, đề xuất và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn quyết định thành lập mới, điều chỉnh tên một số đơn vị trực thuộc, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thực hiện nhiều biện pháp để tuyển dụng đủ số biên chế; bổ nhiệm Kiểm sát viên trung cấp cho Viện trưởng VKSND cấp huyện theo số lượng, chỉ tiêu Quốc hội giao cho Ngành.
Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tham mưu, tổng hợp; sửa đổi, bổ sung Quy chế về chế độ thông tin, báo cáo và quản lý công tác. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nghiệp vụ; siết chặt kỷ cương, kỷ luật, phục vụ hiệu quả hơn công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo trực tuyến nhằm quán triệt, chỉ đạo triển khai những nhiệm vụ công tác của Ngành, đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác của Viện kiểm sát các cấp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác, đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tiết kiệm; đưa vào sử dụng hệ thống truyền hình trực tuyến tới 66 điểm cầu tại các Viện kiểm sát trên toàn quốc. Tích cực xây dựng và vận hành các trang thông tin điện tử; phối hợp với Bộ Công an xây dựng và định kỳ phát sóng Chương trình truyền hình Kiểm sát nhân dân trên kênh truyền hình ANTV.
Ký chính thức Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với Indonesia; thực hiện tốt nhiệm vụ đầu mối tương trợ tư pháp về hình sự; trở thành thành viên chính thức Hiệp hội công tố viên quốc tế; tranh thủ các nguồn lực tài chính quốc tế để tăng cường năng lực xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật, hỗ trợ tích cực việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Ngành.
Tiếp tục triển khai thực hiện nhiều đề án đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác của Ngành; các dự án xây dựng trụ sở làm việc cho VKSND các cấp, nhằm thực hiện chủ trương “bảo đảm tốt hơn các điều kiện để Viện kiểm sát thực hiện hiệu quả chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp”. Năm 2013, đã hoàn thành giao nhận mặt bằng và chuẩn bị khởi công xây dựng trụ sở mới VKSND tối cao; tập trung các nguồn lực và đẩy nhanh việc xây dựng trụ sở Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác năm 2013 của Viện kiểm sát nhân dân các cấp vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót cũng đã được báo cáo chỉ rõ. Nguyên nhân của những tồn tại, thiếu sót là do lãnh đạo một số đơn vị còn chưa sâu sát trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; năng lực trình độ và ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ còn hạn chế; cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, chính sách, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, Kiểm sát viên chưa đáp ứng yêu cầu; công tác phối hợp giữa các cơ quan tư pháp và các ngành hữu quan với Viện kiểm sát ở một số nơi chưa chặt chẽ, kịp thời; hệ thống pháp luật và văn bản hướng dẫn áp dụng còn chưa đầy đủ, thiếu tính đồng bộ, nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung kịp thời, gây khó khăn cho quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ...
Từ những kết quả tích cực, những hạn chế, thiếu sót nêu trên của toàn Ngành, các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao và Viện kiểm sát địa phương sẽ tập trung thảo luận, phân tích kỹ nguyên nhân, xác định trách nhiệm và tìm ra giải pháp phù hợp để tiếp tục phát huy những ưu điểm, khắc phục những hạn chế, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành Kiểm sát nhân dân trong thời gian tới.