Hội nghị trực tuyến góp ý Dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi)

Thứ tư - 27/11/2013 14:30 1.775 0
Chiều ngày 26/11/2013, tại VKSNDTC đã diễn ra Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến của Viện kiểm sát trong toàn Ngành góp ý Dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi). Hội nghị nối từ điểm cầu chính đặt tại VKSNDTC tới 64 điểm cầu gồm: VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đại diện Văn phòng VKSNDTC tại TP. Hồ Chí Minh. Đồng chí Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Phó Viện trưởng VKSNDTC dự và chủ trì Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị
Tham dự Hội nghị còn có Thủ trưởng một số đơn vị trực thuộc VKSNDTC, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát hai cấp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
 
 

Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Thị Thủy Khiêm phát biểu tại Hội nghị
 
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Phó Viện trưởng VKSNDTC nhấn mạnh, Luật Phá sản được thông qua ngày 15/6/2004, có hiệu lực từ ngày 15/10/2004. Sau 9 năm thi hành Luật Phá sản đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của doanh nghiệp, hợp tác xã. Tuy nhiên, qua tổng kết thực tiễn cho thấy Luật phá sản cũng đã bộc lộ một số hạn chế tác động tiêu cực đến sự phát triển của các doanh nghiệp, hợp tác xã, một số quy định của Luật không còn phù hợp, chưa đầy đủ, thiếu rõ ràng. Do đó, việc sửa đổi Luật Phá sản là cần thiết và cấp bách.


 

Các đại biểu dự Hội nghị
 
Đồng chí Phó Viện trưởng VKSNDTC đề nghị, các đại biểu tham dự Hội nghị tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật. Đồng chí lưu ý, Dự thảo Luật rất nhiều nội dung song thời gian của Hội nghị không nhiều, do đó các đại biểu phát biểu tham luận cần tập trung vào những quy định mới mà Dự thảo đề cập đã phù hợp hay chưa? Qua thực tiễn công tác nên bổ sung những quy định nào nữa không? Và quyền năng của VKS trong kiểm sát việc tuyên bố phá sản đặc biệt là quyền kháng nghị của VKS trong Dự thảo.

Dưới sự điều hành của đồng chí Phương Hữu Oanh, Vụ trưởng Vụ 12, Hội nghị đã nghe tham luận góp ý chi tiết của nhiều địa phương vào nội dung từng chương của Dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi). Qua thực tiễn công tác kiểm sát, những ý kiến tại Hội nghị đã tập trung góp ý vào những điều còn có các phương án lựa chọn khác nhau như: Điều 4 quyền và nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; Điều 30 xử lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; Điều 37 thông báo việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; Điều 44 các hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã bị cấm hoặc bị hạn chế…

Kết thúc hội nghị, ý kiến góp ý của các đại biểu sẽ được Ban soạn thảo và Tổ biên tập Luật Phá sản (sửa đổi) tiếp thu, tổng hợp và chỉnh lý nội dung cụ thể các chương, điều của Dự thảo Luật trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

Tin, ảnh: Song Ngư

Nguồn tin: Theo Kiểm sát online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây