Báo cáo đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị 03/2008/CT-VKSTC-VPT1 ngày 19/6/2008 của Viện trưởng VKSNDTC về tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự cho thấy, 5 năm qua, Viện kiểm sát các cấp đã ban hành 5110 kháng nghị phúc thẩm. Số lượng kháng nghị phúc thẩm được ban hành đã tăng lên đáng kể so với thời điểm trước khi có Chỉ thị 03. Những địa phương có số lượng kháng nghị nhiều như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội hoặc những địa phương kháng nghị chiếm tỉ lệ lớn trong tổng số án đã xét xử phúc thẩm như: Đồng Nai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Quảng Ninh, Bình Định, Thanh Hoá.
Các đại biểu dư Hội nghị Nhìn chung, các bản kháng nghị đã phát hiện đúng vi phạm pháp luật cần phải kháng nghị, viện dẫn chính xác căn cứ pháp luật. Cách viết kháng nghị đã tốt hơn, lập luận rõ ràng, chặt chẽ hơn. Do vậy, những thiếu sót, hạn chế về mặt hình thức, thiếu căn cứ trong các bản kháng nghị dẫn đến bị cấp trên rút kháng nghị đã dần được hạn chế. Kháng nghị cũng đã khắc phục được những sai sót cơ bản của Tòa án cấp sơ thẩm về áp dụng điều, khoản của BLHS về hình phạt, bồi thường thiệt hại và các vi phạm khác; khắc phục những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng hình sự trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử; phục vụ tích cực công tác đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm, góp phần ổn định an ninh trật tự, phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương.
Đồng chí Phan Văn Sơn, Viện trưởng Viện phúc thẩm 2 phát biểu
Tại Hội nghị, đồng chí Phan Văn Sơn, Viện trưởng Viện phúc thẩm 2 trao đổi kinh nghiệm Phát hiện vi phạm trong kiểm sát bản án, quyết định sơ thẩm để thực hiện kháng nghị phúc thẩm; đồng chí Nguyễn Thị Yến Vụ trưởng Vụ 3 có tham luận về “Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm các vụ án hình sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”.
Đồng chí Nguyễn Thị Yến Vụ trưởng Vụ 3 phát biểu tham luận
Hội nghị đã đi sâu thảo luận “Kinh nghiệm phát hiện vi phạm trong kiểm sát bản án, quyết định sơ thẩm để thực hiện kháng nghị phúc thẩm”; “Công tác phối hợp để nâng cao chất lượng kháng nghị phúc thẩm án hình sự”; “Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm các vụ án hình sự, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”…
Phó Viện trưởng VKSNDTC Lê Hữu Thể phát kết luận Hội nghị
Kết thúc Hội nghị, Phó Viện trưởng VKSNDTC Lê Hữu Thể kết luận: Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 03/2008/CT-VKSTC-VPT1 ngày 19/6/2008 của Viện trưởng VKSNDTC về tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm, VKS các cấp đã quán triệt tinh thần của Chỉ thị, tạo một sắc thái mới, chuyển biến tích cực, số lượng và chất lượng kháng nghị án hình sự tăng lên rõ rệt. Để nâng cao chất lượng công tác kháng nghị án hình sự, phải coi chất lượng kháng nghị phúc thẩm như là một chỉ tiêu thi đua đối với cả hai cấp kiểm sát. Các VKS cần phải theo dõi chặt chẽ việc gửi bản án của Tòa án cho VKS. Khi nhận bản án phải kiểm tra, nếu phát hiện sai sót thì kháng nghị, phải làm đến cùng mới đảm bảo việc tuyên án đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Vì thế, quy trình gửi bản án là hết sức quan trọng, không có bản án thì không thể kháng nghị. Các VKS nhận được bản án phải nghiên cứu thật kỹ để quyết định kháng nghị hay không kháng nghị… Phải tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, Kiểm sát viên đảm bảo có phẩm chất đạo đức và tinh thông về nghiệp vụ, đảm bảo phát hiện kịp thời vi phạm (nếu có) ngay trong quá trình xét xử. Tăng cường xây dựng Quy chế phối hợp hiệu quả giữa các cấp kiểm sát và phối hợp giữa VKS với Toà án…