VKSNDTC tổ chức Hội thảo chuyên đề “Thống nhất nhận thức, áp dụng pháp luật trong việc xử lý các hành vi liên quan đến vật liệu nổ qui định tại Điều 232 BLHS”

Thứ bảy - 27/07/2013 07:09 2.303 0
Ngày 19/7/2013 tại TP. Hồ Chí Minh, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tổ chức Hội thảo chuyên đề “Thống nhất nhận thức, áp dụng pháp luật trong việc xử lý các hành vi liên quan đến vật liệu nổ qui định tại điều 232 BLHS”. Tham dự và chủ trì Hội thảo có Tiến sĩ Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC cùng sự có mặt của ông Lê Bá Thân, Chánh án tòa Hình sự TANDTC; ông Bùi Ngọc Thái, Phó Chánh văn phòng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tại phía Nam; ông Huỳnh Anh Kiệt, Phó Chánh án TAND TP. Hồ Chí Minh; ông Trương Văn Hòa, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP. Hồ Chí Minh và đại diện Lãnh đạo Vụ 2 – VKSNDTC; VKSND các tỉnh từ Quảng Trị đến Cà Mau.
Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo
Theo báo cáo chuyên đề của Vụ 2 - VKSNDTC cho tới thời điểm này, BLHS năm 1999 đã có hiệu lực thi hành 13 năm nhưng vẫn chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng cho Điều 232 BLHS quy định về việc xử lý các hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ. Thực tế các cơ quan tiến hành tố tụng vận dụng Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 07/01/1995 của TANDTC-VKSNDTC - Bộ Nội vụ và Thông tư liên tịch số 06 năm 2008 của Bộ Công an - VKSNDTC -  TANDTC để truy cứu các hành vi phạm tội do đó trong các cơ quan tiến hành tố tụng gặp nhiều khó khăn và áp dụng không thống nhất trong việc xác định tình tiết vật phạm pháp có số lượng “lớn”, “rất lớn”, “đặt biệt lớn” để định khung hình phạt. Thực tiễn áp dụng pháp luật trong trường hợp này có 03 quan điểm khác nhau: Một, vật liệu nổ có tính nguy hiểm cao đe dọa tính mạng cức khỏe con người nên cần xử ly nghiêm các hành vi vi phạm liên quan; hai, thực tiễn cho thấy xã hội phát triển kéo theo nhu cầu sử dụng vật liệu nổ càng tăng nên cần tăng số lượng vật phạm pháp làm căn cứ quyết định hình phạt; ba, Thông tư 01/1995 hướng dẫn áp dụng điều 96 BLHS 1985 có 03 khung hình phạt, trong khi Điều 232 BLHS 1999 có 4 khung hình phạt, do không có văn bản hướng dẫn nên dù số lượng vật phạm pháp đặc biệt lớn nhưng vẫn nên truy tố theo khoản 3 Điều 232 BLHS.



Các đại biểu dự Hội thảo
 
Với quan điểm các vật liệu nổ đều có tính nguy hiểm cao nên cần xử lý nghiêm các hành vi có liên quan đến vật liệu này nhưng phải đảm bảo nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo, VKSNDTC thống nhất với quan điểm thứ nhất, yêu cầu định lượng vật phạm pháp quy định tại khoản 4 ở mức bằng hoặc trên mức tối đa quy định tại khoản 3 - Điều 232 BLHS. Tương tự, đối với công tác xác định tội danh, trong trường hợp bị can thực hiện nhiều hành vi phạm tội, quan điểm VKSNDTC cho rằng các cơ quan tiến hành tố tụng nên vận dụng thông tư 01/1995, Thông tư liên tịch số 17 ngày 24/12/2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XVIII của BLHS 1999 để xác định tội danh, quyết định hình phạt, trích dẫn, viện dẫn điều luật trong các văn bản tố tụng; đối với trường hợp vật phạm pháp là bom, mìn, đạn pháo sót sau trong chiến tranh, VKSNDTC nêu rõ nếu bom, mìn, đạn pháo (quân dụng) chưa được tháo rời các bộ phận cần trưng cầu giám định, nếu còn nguyên tính năng, tác dụng của vũ khí quân dụng thì xác định tội danh theo quy định tại Điều 230 BLHS; nếu vật phạm pháp bị tháo gỡ các bộ phận để lấy thuốc nổ nhưng thuốc nổ vẫn còn tính năng sử dụng thì xác định tội danh tương ứng với hành vi quy định tại Điều 232 BLHS và nếu trường hợp thuốc nổ không còn tính năng sử dụng thì không truy cứu trách nhiệm hình sự; về những khó khăn trong hoạt động giám định vật chứng là vật liệu nổ đưa đến quan điểm không cần thiết phải trưng cầu giám định mà chỉ cần căn cứ kết quả điều tra để kết luận hành vi phạm tội, VKSNDTC yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng cần trưng cầu giám định theo quy định của Luật Giám định tư pháp để đảm bảo khách quan, chính xác, trách oan sai trong xử ly vụ án; đối với vấn đề tiếp nhận, bảo quản và xử lý vật chứng, trong khi chờ đợi Thông tư liên tịch hướng dẫn việc gởi vật chứng là vật liệu nổ và vũ khí quân dụng, VKSNDTC hướng dẫn các địa phương áp dụng khoản 1, điều 76 BLTTHS và khoản 3 Điều 11 Pháp lệnh quản lý, sử dụng, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và Điều 12, Thông tư số 31/2012/TT-BCA ngày 29/5/2012 của Bộ Công an để xử lý vấn đề này.
 
 

Tiến sĩ Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC phát biểu
 
Ngoài ra, trong báo cáo chuyên đề của Vụ 2 tại hội thảo cũng thể hiện quan điểm của VKSNDTC về thẩm quyền điều tra đối với tội phạm qui định tại Điều 232 BLHS, theo đó Cơ quan An ninh điều tra của Công an cấp tỉnh có thẩm quyền điều tra đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, các trường hợp còn lại thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện do cấp huyện không có Cơ quan An ninh điều tra. Trong quá trình điều tra nếu thấy vụ án có tính chất đặt biệt nghiêm trọng thì VKSND cấp huyện chuyển vụ án lên Cơ quan An ninh điều tra cấp tỉnh theo thẩm quyền...
 
Hội thảo đã nghe 11 ý kiến đóng góp, đại diện cho VKSND các địa phương: TP. Hồ Chí Minh, Quảng Trị, Đồng Nai, Quảng Nam, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, VPT2 cùng Tòa Hình sự, TANDTC và Văn phòng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tại phía Nam thảo luận về các vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật quy định về Điều 232 BLHS. Đa số các ý kiến nhất trí cao với quan điểm của VKSNDTC về hướng giải quyết các vướng mắc đã được nhắc tới. Các tham luận cũng đề cập đến vấn đề cần làm rõ các khái niệm vật liệu nổ, pháo nổ, thuốc pháo, khái niệm sản xuất, chế tạo… để làm cơ sở định tội, đặt ra yêu cầu giám định sức công phá của vật liệu nổ để định lượng thay vì căn cứ vào khối lượng vật liệu nổ như bấy lâu nay; chi tiết hóa các căn cứ đánh giá “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặt biệt nghiêm trọng”;  lập danh mục các vật liệu nổ làm căn cứ để áp dụng pháp luật một cách hiệu quả; quy định công tác phối hợp liên ngành ngay sau khi xảy ra tội phạm quy định tại Điều 232 BLHS; về quy định căn cứ để xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự đối với các hành vi phạm tội liên quan đến vật liệu nổ; đề xuất có hướng xử lý phù hợp với đối tượng phạm tội là người dân nghèo khai thác vật liệu nổ, vũ khí còn sót lại sau chiến tranh để lấy thuốc nổ vì lý do mưu sinh ; đề xuất xử lý hành vi mua bán tiền chất về chất nổ (hiện nay chưa có quy định); vấn đề xử lý tang vật vi phạm…
 
 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
 
Đánh giá về buổi hội thảo, đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC ghi nhận những nỗ lực của tập thể Vụ 2 - VKSNDTC đã kịp thời tổng hợp, phân tích và đề xuất hướng giải quyết những tồn đọng liên quan đến công tác xử lý tội phạm thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 232 BLHS, nhất là khi đa số các ý kiến đều đồng tình và đánh giá cao công tác xây dựng báo cáo chuyên đề lần này. Trong tình hình hiện nay, vật phạm tội trôi nổi thuộc đối tượng điều chỉnh của Điều 232 BLHS đang ở tỉnh trạng đáng báo động trong khi công tác xét xử tội phạm này lại gặp nhiều khó khăn trong công tác xử lý. Đồng chí Phó Viện trưởng VKSNDTC yêu cầu, Lãnh đạo Vụ 2 ngay sau khi kết thúc hội thảo khu vực phía Bắc vào 24/7/2013, phải nhanh chóng phân tích những kiến nghị đề xuất, nghiên cứu để hoàn tất văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật giải quyết  các vụ án quy định tại Điều 232 BLHS trình lãnh đạo VKSNDTC.

 

Tin, ảnh: Thịnh Đức

Nguồn tin: Kiểm sát Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây