Cùng dự có đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại các điểm cầu: Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Viện kiểm sát quân sự trung ương; Đại diện Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tạo thành phố Hồ Chí Minh. Thành phần tham dự hội nghị gồm: Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; Lãnh đạo Viện kiểm sát quân sự trung ương và Viện kiểm sát quân sự Quân khu, Quân đoàn, Quân chủng; Chánh Văn phòng, Trưởng phòng nghiệp vụ Viện kiểm sát cấp tỉnh; Trưởng phòng tham mưu, tổng hợp Viện kiểm sát nhân dân tối cao; cán bộ, công chức làm công tác thống kê tổng hợp và công nghệ thông tin thuộc Văn phòng và Cục thống kê tội phạm và công nghệ thông tin Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Viện trưởng và cán bộ, công chức làm công tác thống kê tổng hợp Viện kiểm sát cấp huyện trong toàn quốc.
Đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực
Viện KSND tối cao phát biểu kết luận hội nghị
Phát biểu khai mạc hội nghị, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu rõ: Nghị quyết số 37/NQ-QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2013 có ý nghĩa rất quan trọng. Mục đích của Nghị quyết này là tạo sự chuyển biến tích cực trong đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án của các cơ quan tố tụng. Đây là lần đầu tiên Quốc hội ban hành Nghị quyết chuyên đề về vấn đề này với các chỉ tiêu, yêu cầu cụ thể giám sát chặt chẽ việc thực hiện đối với từng cơ quan thực thi pháp luật. Yêu cầu của Quốc hội và cử tri đòi hỏi cơ quan pháp luật, trong đó có Viện kiểm sát nhân dân phải triển khai hiệu quả Nghị quyết 37/NQ-QH13 với lộ trình, giải pháp cụ thể, khả thi, phù hợp, sự phân công trách nhiệm rõ ràng, cơ chế phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả trong phòng ngừa, trấn áp tội phạm, bảo đảm công lý phải được thực thi trong đời sống xã hội. Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, toàn Ngành đã tập trung triển khai thực hiện hiện nghiêm túc, trách nhiệm với quyết tâm cao, đề ra các giải pháp cấp bách, cụ thể nhằm đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Về nhiệm vụ trọng tâm triển khai thực hiện Nghị quyết số 37 trong thời gian tới, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, toàn Ngành cần tập trung quán triệt đầy đủ nội dung Nghị quyết của Quốc hội đến từng cán bộ, công chức của Viện kiểm sát các cấp để tổ chức thực hiện. Đề ra các giải pháp khắc phục những hạn chế, thiếu sót Nghị quyết số 37 đã chỉ ra, nhất là những hạn chế, thiếu sót thuộc về chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát. Tập trung thực hiện đầy đủ các chỉ tiêu mà Nghị quyết đề ra như: Bảo đảm thực hành quyền công tố, làm tốt hơn công tác kiểm sát xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiểm sát 100% số vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố, kiểm sát chặt chẽ các hoạt động điều tra, kịp thời đề ra yêu cầu điều tra để chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội; phát hiện kịp thời và yêu cầu xử lý nghiêm minh vi phạm pháp luật trong các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Ra quyết định truy tố đúng thời hạn trên 90% số vụ án hình sự đã có kết luận điều tra đề nghị truy tố; bảo đảm truy tố bị can đúng tội đạt trên 95%. Kiểm sát viên phải chủ động, tích cực tranh luận, đối đáp tại phiên tòa xét xử các vụ án hình sự. Bảo đảm các kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các loại án phải có căn cứ và đúng pháp luật, nâng tỷ lệ các kháng nghị được Tòa án chấp nhận đạt trên 70%. Đồng chí Viện trưởng cho biết, theo tinh thần Nghị quyết, từ năm 2013, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải báo cáo, đánh giá đầy đủ tình hình vi phạm pháp luật trong các hoạt động tư pháp; thống kê, phân tích tội phạm, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp tầm vĩ mô về xây dựng pháp luật, về kinh tế - xã hội, về thực thi pháp luật, phòng ngừa tội phạm thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân, do vậy phương pháp thống kê tổng hợp, xây dựng báo cáo từ cơ sở cần được quan tâm, chú trọng, bảo đảm kịp thời, khách quan, chính xác để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Báo cáo kết quả triển khai, thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội và Hướng dẫn số 02/HD-VKSTC ngày 09/01/2013 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao do đồng chí Nguyễn Việt Hùng, Chánh Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình bày tại hội nghị cho thấy: Nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của Nghị quyết, Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương xác định nội dung và xây dựng kế hoạch, văn bản hướng dẫn, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện thống nhất trong toàn Ngành. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã quán triệt, yêu cầu Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ động phổ biến, quán triệt sâu rộng đến toàn thể cán bộ, Kiểm sát viên nội dung của Nghị quyết thuộc trách nhiệm của ngành Kiểm sát nhân dân; đồng thời có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu mà Nghị quyết đã đề ra. Báo cáo đề cập đến một số khó khăn, vướng mắc trong tổ chức, thực hiện Nghị quyết trong Ngành như: Về hệ thống văn bản pháp luật và việc áp dụng pháp luật; về cơ sở vật chất và tổ chức cán bộ; đồng thời nêu những đề xuất, kiến nghị để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Tại hội nghị, dưới sự điều hành của đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đại diện các đơn vị tại các điểm cầu tập trung thảo luận, đánh giá việc triển khai thực hiện; nêu các giải pháp cụ thể nhằm triển khai, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 37 của Quốc hội ở cơ quan, đơn vị nói riêng và toàn ngành Kiểm sát nhân dân.
Kết luận hội nghị, Phó Viện trưởng Thường trực Hoàng Nghĩa Mai đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của đại biểu tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến cho hội nghị; biểu dương sự cố gắng, nỗ lực, trách nhiệm cao của Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cục Thống kê tội phạm và công nghệ thông tin cùng các đơn vị liên quan trong việc chuẩn bị nội dung, tổ chức thành công hội nghị. Đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực khẳng định, tăng cường công tác quản lý và báo cáo tình hình chấp hành pháp luật trong hoạt động tư pháp là nhiệm vụ hết sức quan trọng, không chỉ giúp cho Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp nắm bắt, quản lý chặt chẽ tình hình vi phạm mà còn là cơ sở thực tiễn để chỉ đạo tăng cường các biện pháp kiểm sát nhằm kịp thời phát hiện vi phạm, ban hành kiến nghị, kháng nghị yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục, phòng ngừa và xử lý vi phạm, góp phần bảo đảm hoạt động tư pháp ngày càng hiệu quả hơn. Công tác quản lý và báo cáo tình hình chấp hành pháp luật trong hoạt động tư pháp là việc làm cần thiết nhằm đánh giá thực tiễn việc thực hiện pháp luật trong hoạt động tư pháp để Viện kiểm sát kiến nghị sửa đổi, bổ sung và xây dựng, hoàn thiện pháp luật trong hoạt động tư pháp. Đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực ghi nhận, với tinh thần làm việc khoa học, khẩn trương, trách nhiệm cao, hội nghị tập huấn đã hoàn thành chương trình kế hoạch đề ra và đạt kết quả tốt. Qua 16 ý kiến phát biểu tại hội nghị thể hiện quyết tâm cao của ngành Kiểm sát nhân dân trong việc triển khai, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội. Về các biện pháp cụ thể thực hiện Nghị quyết, Phó Viện trưởng Thường trực Hoàng Nghĩa Mai nhấn mạnh, Viện kiểm sát các cấp phải tiếp tục nâng cao, thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp theo chức năng, nhiệm vụ. Tăng cường phối hợp với các ngành để làm rõ, từ đó có kiến nghị, chấn chỉnh vi phạm ở mỗi ngành; xây dựng cơ chế phối hợp chung giữa Viện kiểm sát nhân dân với các ngành trong việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 37 của Quốc hội. Trong việc xây dựng báo cáo theo yêu cầu của Nghị quyết Quốc hội, cần có phương pháp tích lũy, tổng hợp từ công việc cụ thể, cập nhật thông tin kịp thời, trên cơ sở đó xây dựng báo cáo của Viện kiểm sát bảo đảm khách quan, chính xác. Đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực tin tưởng với quyết tâm cao, thống nhất trong nhận thức và hành động, ngành Kiểm sát nhân dân sẽ triển khai thực hiện, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội đề ra.