* Hội nghị lần thứ Nhất được tổ chức tại tỉnh Nghệ An (Việt Nam) vào tháng 5 năm 2009 với chủ đề: "Tăng cường hợp tác hữu nghị và hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm giữa Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh có chung đường bên giới Việt Nam và Lào", nhằm điểm lại tình hình, đánh giá kết quả hợp tác hữu nghị giữa ngành Kiểm sát nhân dân hai nước và sự hợp tác giữa Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam và Lào kể từ khi Biên bản hợp tác giữa ngành Kiểm sát nhân dân hai nước được ký kết ngày 06/11/1997. Tại Hội nghị, các đại biểu đã báo cáo tình hình và kết quả phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh có chung đường biên giới trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đồng thời, các đại biểu cũng thảo luận và đưa ra các đề xuất, kiến nghị về phương hướng, biện pháp hợp tác trong thời gian tới trên các lĩnh vực: Tăng cường tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt, trao đổi kinh nghiệm trong công tác kiểm sát; tăng cường hợp tác trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là các loại tội phạm về buôn lậu, buôn bán người, buôn bán ma tuý; tăng cường các hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự theo quy định của Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào ký ngày 06/7/1998.
Có thể khẳng định rằng, từ sau Hội nghị lần thứ Nhất, quan hệ hợp tác hữu nghị và hợp tác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm giữa hai nước nói chung và hai ngành Kiểm sát nói riêng, đặc biệt là giữa Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Lào đã có bước phát triển mới. Đáng chú ý, tháng 11 năm 2010, hai nước Việt Nam và Lào đã ký Hiệp định về hợp tác phòng chống buôn bán người và bảo vệ nạn nhân bị buôn bán, đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm buôn bán người; hai bên thường xuyên trao đổi các đoàn sang thăm, làm việc và trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau ở cả cấp cao và cấp địa phương; đã ký nhiều biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa VKSND các tỉnh có chung đường biên giới; phối hợp chặt chẽ trong việc đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm.
Tuy nhiên, nhìn chung tình hình tội phạm ở vùng biên giới hai nước vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm về ma tuý, buôn bán người; hoạt động thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp giữa hai ngành Kiểm sát nhân dân hai nước vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định cần phải khắc phục.
* Hội nghị VKSND các tỉnh có chung đường biên giới Lào - Việt Nam lần thứ Hai được tổ chức tại tỉnh Savannakhet - Lào vào tháng 5 năm 2011 có chủ đề: "Tăng cường hợp tác trong tương trợ tư pháp về hình sự nhằm đấu tranh có hiệu quả và phòng, chống tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, đặc biệt là tội phạm về ma tuý và tội phạm buôn bán người". Hội nghị lần này có nhiệm vụ đánh giá kết quả hợp tác giữa VKSND hai nước trong đấu tranh phòng chống tội phạm và thực hiện các nhiệm vụ đặt ra tại Hội nghị lần thứ Nhất; đánh giá quan hệ hợp tác trong tương trợ tư pháp về hình sự giữa hai ngành Kiểm sát nhân dân hai nước; đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới cho quan hệ hợp tác giữa hai ngành KSND hai nước trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự trong thời gian tới. Tại Hội nghị này, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hai nước Việt Nam và Lào đã ký Biên bản Hội nghị thống nhất các vấn đề; cụ thể là:
Viện kiểm sát nhân dân tối cao hai nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho VKSND các tỉnh, các huyện biên giới, Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh có quan hệ truyền thống, Viện kiểm sát quân sự tăng cường hợp tác trong việc trao đổi các đoàn sang thăm, làm việc và trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau; ký kết các Biên bản ghi nhớ, Thoả thuận hợp tác; tăng cường cơ chế giao ban định kỳ, nhất là giữa Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện có chung đường biên giới để phối hợp trao đổi thông tin thường xuyên, kịp thời; tổ chức hội thảo về các vấn đề pháp luật và công tác kiểm sát; hợp tác trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Kiểm sát viên. Đồng thời, Viện kiểm sát hai nước tăng cường phối hợp trong đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm ma tuý, tội phạm buôn bán người; phối hợp thực hiện tốt các yêu cầu tương trợ tư pháp ở cơ quan đầu mối là VKSND tối cao và các Viện kiểm sát địa phương. Trên cơ sở Hiệp định và Luật tương trợ tư pháp, VKSND tối cao hai nước cần tăng cường phối hợp trong việc trao đổi thông tin, nắm tiến độ, đôn đốc giải quyết các yêu cầu tương trợ để giúp cho việc giải quyết các vụ án đảm bảo đúng quy định của pháp luật về thời hạn điều tra, truy tố, xét xử; sớm có văn bản hướng dẫn Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh biên giới về trình tự, thủ tục thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự.
Trong phạm vi chức năng, thẩm quyền của mình, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hai nước nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự ký năm 1998 và các văn bản pháp luật về tương trợ tư pháp hình sự cho phù hợp với tình hình hiện nay nhằm tạo điều kiện cho việc thực hiện có hiệu quả các yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự.
Viện kiểm sát nhân dân tối cao hai nước thống nhất tăng cường hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ, Kiểm sát viên VKSND các tỉnh biên giới về chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức về pháp luật quốc tế và ngoại ngữ; hợp tác trong đào tạo tiếng Lào và tiếng Việt cho cán bộ VKSND các địa phương biên giới. Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh biên giới cần bố trí cán bộ, Kiểm sát viên có năng lực, kinh nghiệm để làm công tác hợp tác quốc tế và giải quyết các vụ án có yếu tố nước ngoài; tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất để VKSND các địa phương biên giới có đủ điều kiện và năng lực để thực hiện có hiệu quả các hoạt động hợp tác hữu nghị và hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Trong Biên bản Hội nghị, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao hai nước cũng thống nhất tổ chức Hội nghị Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh có chung đường biên giới Lào - Việt Nam lần thứ Ba tại Việt Nam vào năm 2013.
* Hội nghị lần thứ Ba tới đây được tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên - Huế (Việt Nam) có nhiệm vụ đánh giá kết quả hợp tác trên cơ sở thực hiện Biên bản Hội nghị VKSND các tỉnh có chung đường biên giới Lào - Việt Nam lần thứ Hai đến nay; kết quả hợp tác trong "Năm đoàn kết hữu nghị Việt - Lào 2012"; kết quả hợp tác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma tuý và các tội phạm xuyên quốc gia khác giữa VKSND hai nước trên cơ sở Hiệp định tương trợ tư pháp giữa hai nước ký năm 1998 và Hướng dẫn của VKSND tối cao hai nước về thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp trực tiếp giữa VKSND các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Lào năm 2012; làm rõ kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân; từ đó, đưa ra các giải pháp khắc phục để thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới.