Tham dự phiên khai mạc hội nghị có các đồng chí đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành trung ương và lãnh đạo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh; các đồng chí nguyên lãnh đạo VKSNDTC; Thủ trưởng và trưởng phòng tham mưu tổng hợp VKSQS Trung ương, các đơn vị trực thuộc VKSNDTC, Viện trưởng và Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Chánh Văn phòng VKSND cấp cao, VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Viện kiểm sát quân sự cấp Quân khu.
|
Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu khai mạc hội nghị |
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Viện trưởng VKSNDTC và các đồng chí Phó Viện trưởng VKSNDTC: Nguyễn Hải Phong, Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Trần Công Phàn, Bùi Mạnh Cường, Nguyễn Văn Khánh chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo tổng kết do Phó Viện trưởng thường trực VKSNDTC Nguyễn Hải Phòng trình bày tại hội nghị thì năm 2015, toàn ngành Kiểm sát nhân dân tiếp tục thực hiện chủ trương “Đổi mới, chất lượng, kỷ cương, hướng về cơ sở”, Viện kiểm sát các cấp đã thực hiện nhiều biện pháp hiệu quả, nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả tích cực trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, từng bước đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Nổi bật là đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác theo quy định tại các nghị quyết: số 37, số 52, số 63, số 82, số 96,… của Quốc hội về công tác tư pháp, công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trọng tâm năm 2015 và trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII. Tập trung phối hợp đẩy nhanh tiến độ, giải quyết nghiêm minh nhiều vụ án lớn về tham nhũng, các vụ án dư luận xã hội quan tâm, tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và các cơ quan tư pháp trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
|
Phó Viện trưởng thường trực VKSNDTC Nguyễn Hải Phong trình bày báo cáo tổng kết công tác năm 2015 |
Ngành Kiểm sát nhân dân tiếp tục triển khai thi hành nghiêm túc Hiến pháp năm 2013; hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng thể chế; bảo đảm chất lượng, tiến độ xây dựng Dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), được Quốc hội khóa XIII thông qua với tỉ lệ biểu quyết tán thành đạt cao; chủ động, tích cực tham gia xây dựng 06 đạo luật quan trọng về tư pháp; triển khai thực hiện Luật tổ chức VKSND năm 2014; thành lập VKSND cấp cao, hệ thống VKSND đã hình thành 4 cấp; tổ chức thi, bổ nhiệm chức vụ quản lý, chức danh tư pháp theo quy định của Luật tổ chức VKSND; rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy từ trung ương đến địa phương, theo hướng tinh gọn và chuyên sâu; làm tốt việc lựa chọn, giới thiệu lãnh đạo Viện kiểm sát địa phương có đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020
Năm 2015, ngành Kiểm sát nhân dân kỷ niệm 55 năm ngày thành lập (26/7/1960 - 26/7/2015) với nhiều hoạt động có ý nghĩa rất lớn trong việc giáo dục truyền thống đối với các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát. Tổ chức thành công Đại hội thi đua yêu nước lần Thứ V ngành Kiểm sát nhân dân; công tác thông tin tuyên truyền được đẩy mạnh, nhất là tuyên truyền, phổ biến Luật tổ chức VKSND năm 2014 và truyền thống của Ngành; lần đầu tiên tổ chức Cuộc thi “Chúng tôi là Kiểm sát viên”, phối hợp xây dựng bộ phim tài liệu “Nơi gửi trọn niềm tin” được phát sóng trên VTV1 và VTV6 Đài truyền hình Việt Nam; tổ chức thi sáng tác ca khúc về ngành Kiểm sát nhân dân; tham gia Chương trình Đối thoại chính sách với nhiều chủ đề gắn với nhiệm vụ xây dựng dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) và triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013; chất lượng Truyền hình Kiểm sát nhân dân tiếp tục được nâng cao, góp phần xây dựng hình ảnh về ngành Kiểm sát nhân dân trong tiến trình cải cách tư pháp.
Cũng theo Phó Viện trưởng thường trực Nguyễn Hải Phong, cùng với những kết quả công tác nổi bật năm 2015, toàn Ngành đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao trong nhiệm kỳ 2011 - 2016 với nhiều thành tựu ấn tượng như: Công tác xây dựng thể chế đạt nhiều kết quả nổi bật, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước; thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ cải cách tư pháp thuộc trách nhiệm của Ngành. Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp tập trung làm tốt yêu cầu chống oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm, chống tham nhũng và tăng cường pháp chế trong hoạt động tư pháp, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và xây dựng cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh. Công tác xây dựng Ngành có nhiều đổi mới, theo đó hệ thống VKSND được tổ chức thành 4 cấp; tổ chức bộ máy từ trung ương đến địa phương tiếp tục được kiện toàn; chất lượng đội ngũ cán bộ được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2020 của Đảng. Vị trí, vai trò của ngành Kiểm sát trong hoạt động tư pháp tiếp tục được tăng cường; hình ảnh, uy tín của Ngành trước Đảng, Nhà nước và nhân dân được khẳng định, qua đó tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển trong nhiệm kỳ tiếp theo.
|
Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn quán triệt Chỉ thị về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2016 |
Phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những nỗ lực cố gắng, những kết quả công tác nổi bật của ngành Kiểm sát trong năm 2015 và trong 5 năm qua đã góp phần quan trọng kiềm chế sự gia tăng tội phạm, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ pháp chế XHCN, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, cho chúng ta thêm niềm tin và nghị lực vững bước trên con đường cải cách tư pháp và đổi mới đất nước.
Về trọng tâm công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2016, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ: Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đề ra, đòi hỏi ngành Kiểm sát nhân dân phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và toàn diện về mọi mặt; tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như: Khẩn trương chuẩn bị kỹ các điều kiện, sớm quán triệt, triển khai thi hành các luật vừa được Quốc hội khóa XIII thôgn qua tại Kỳ họp thứ 10; hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu trong các nghị quyết của Quốc hội. Viện kiểm sát các cấp cần tiếp tục tích cực thực hiện các biện pháp để không làm oan người vô tội, đồng thời kiên quyết chống bỏ lọt tội phạm, nhất là đối với một số loại tội phạm đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, bảo đảm giải quyết tốt yêu cầu tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân không bị pháp luật tước bỏ phải được tôn trọng; tăng cường công tác kiểm sát hoạt động tư pháp nhằm phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các vi phạm trong điều tra, xét xử và thi hành án; ngăn chặn, khắc phục sự lạm quyền, xâm phạm các quyền dân chủ của công dân, đảm bảo thượng tôn Hiến pháp và pháp luật...
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tin tưởng, với truyền thống 55 xây dựng, phát triển và trưởng thành, sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự giúp đỡ của chính quyền và sự ủng hộ của nhân dân, với quyết tâm cao của mình, ngành Kiểm sát sẽ tiếp tục có những bước phát triển cao hơn, toàn diện và mạnh mẽ hơn trong năm 2016.
Theo chương trình, hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác kiểm sát năm 2016 làm việc trong hai ngày 25 và 26/12/2015; tập trung tham luận theo các chủ đề tổng kết nghiệp vụ và các biện pháp triển khai chỉ thị về nhiệm vụ công tác của ngành năm 2016; tổng kết công tác thi đua khen thưởng năm 2015, phát động phong trào thi đua năm 2016. Tiếp đó, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt những nội dung cơ bản của các đạo luật có liên quan đến hoạt động tư pháp vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 10, gồm: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật tố tụng hành chính.