Ba mươi năm qua - một chặng đường xây dựng và trưởng thành - tập thể cán bộ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã vượt qua bao khó khăn thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Nhớ ngày đất nước vừa mới thống nhất, cán bộ còn ít, cơ sở vật chất phục vụ công tác còn thiếu; đến nay Viện kiểm sát nhân dân Thừa Thiên Huế đã có một tập thể cán bộ lớn về số lượng, mạnh về chất lượng. Từ chỗ chưa qua một trường lớp đào tạo chuyên môn nào, đến nay đội ngũ cán bộ kiểm sát nhân dân của tỉnh đã có nhiều người có trình độ đại học, cao đẳng và trên đại học, đa số đã được tôi luyện trong đấu tranh, thử thách qua thực tiễn, nên có bản lĩnh chính trị và trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt, đáp ứng được những đòi hỏi cấp bách của nhiệm vụ chính trị của tỉnh nhà.
Về cơ sở vật chất phục vụ công tác, những ngày đầu trụ sở làm việc còn thiếu, đến nay Viện đã có nơi làm việc khang trang với đầy đủ tiện nghi và phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác ở tỉnh và các Viện kiểm sát nhân dân huyện, thành phố.
Đặc biệt, hệ thống tổ chức bộ máy ngành kiểm sát nhân dân từ cấp huyện, tỉnh ngày càng được củng cố, các phòng mới hình thành đã sớm đi vào ổn định và hoạt động có hiệu quả. Các phòng thư¬ờng xuyên được bổ sung thêm nhân sự và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác. Nhờ vậy, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, đã tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền trong xây dựng và phát triển kinh tế, ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của tỉnh nhà.
Có được những thành tựu trên là nhờ công lao phấn đấu của tập thể cán bộ, kiểm sát viên ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế; cùng sự giúp đỡ, chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và của các ban ngành trong tỉnh, đặc biệt là các ban ngành trong khối nội chính.
Khó khăn vẫn còn nhiều, nhưng những bước tiến vững chắc của ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua là đáng tự hào, phấn khỏi. Càng tự hào về những thành tựu đã đạt được bao nhiêu, cán bộ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế càng phải cố gắng nhiều hơn nữa trong việc nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mình, để đáp ứng với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay.
Nhìn lại chặng đường đã đi qua, từ thực tiễn của quá trình phấn đấu và trưởng thành, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã rút ra được nhiều bài học quý báu trong công tác chỉ đạo và hoạt động thực tiễn của mình. Nhũng bài học kinh nghiệm đó là:
Thứ nhất, coi trọng công tác xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đảm bảo tuyệt đối sự lãnh đạo của Đảng đối với ngành Kiểm sát nhân dân.
Xây dựng tổ chức Đảng của Viện kiểm sát nhân dân vững mạnh về chính trị, tư tưởng trước hết là giáo dục ý thức kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội; làm cho các đảng viên hiểu rõ tính giai cấp, tính tiên phong và mục đích chiến đấu của người Cộng sản.
Ba mươi năm qua, nhờ có sự lãnh đạo của Thư¬ờng vụ Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế, hoạt động kiểm sát nhân dân đã quán triệt đường lối, chính sách của Đảng một cách sắc bén, kịp thời. Đội ngũ cán bộ kiểm sát nhân dân đã có nhiều cố gắng trong việc bám sát nhiệm vụ chính trị ở địa phương trong từng thời kỳ, trên cơ sở thực hiện chức năng và nhiệm vụ của ngành Kiểm sát theo quy định của pháp luật... Các cấp uỷ Đảng đã lãnh đạo và chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng kiểm sát trong việc phục vụ nhiệm vụ chính trị của mình. Ngược lại, Viện kiểm sát nhân dân Thừa Thiên Huế cũng đã tham mưu cho cấp uỷ Đảng về công tác bảo đảm an ninh chính trị và trật tự xã hội phục vụ nhiệm vụ địa phương.
Thứ hai, coi trọng công tác vận động quần chúng với phương châm “lấy dân làm gốc” trong công tác kiểm sát. Nhân dân Thừa Thiên Huế có truyền thống yêu nước và cách mạng, đó là cơ sở vững chắc cho các hoạt động kiểm sát hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Cán bộ kiểm sát viên phải dựa vào quần chúng nhân dân, phải tuyên truyền phổ biến pháp luật đến từng người, từng gia đình và cả cộng đồng xã hội, làm cho mọi người dân nhận thức rõ những việc làm sai trái để kiên quyết đấu tranh với một bộ phận quần chúng và cán bộ vi phạm pháp luật, đi ngược lại kỷ cương xã hội. Những việc làm đó của cán bộ ngành Kiểm sát chính là để phục vụ nhân dân, bảo vệ cách mạng, báo vệ tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của mọi người.
Phải nói rằng nhờ làm tốt công tác vận động quần chúng với quan điểm “lấy dân làm gốc”, nên hoạt động ngành Kiểm sát nhân dân ở Thừa Thiên Huế trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào, phấn khởi.
Thứ ba, tăng cường củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên... có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng. Cán bộ ngành kiểm sát nhân dân mà trước hết là những kiểm sát viên phải nhạy cảm, sắc bén, đề cao cánh giác với mọi âm mưu, thủ đoạn của bọn tội phạm. Phải biết rèn luyện phẩm chất đạo đức người cán bộ kiểm sát theo 5 đức tính mà Bác đã dạy là “công minh, chinh trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Cán bộ ngành kiểm sát luôn là người gương mẫu vì mình là người kiểm sát việc tuân theo pháp luật.
Thứ tư, chủ động, phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật như Tòa án, cơ quan điều tra, cơ quan Thi hành án, các cơ quan tổ chức và bổ trợ tư pháp... Ba mươi năm qua, ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ động phối hợp với các cơ quan nhà nước, nhất là các cơ quan trong khối nội chính. Việc kết hợp chặt chẽ giữa Kiểm sát, Công an, Tòa án trong thời gian qua được coi là nhân tố có tính quyết định đến sự thành công và lớn mạnh của hoạt động ngành Kiểm sát nhân dân. Không chỉ dừng ớ đó, ngành Kiểm sát nhân dân Thừa Thiên Huế còn phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan trong một số hoạt động nhất định trong lĩnh vực kiểm sát. Chính vì biết kết hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh mà hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân Thừa Thiên Huế trong thời gian qua đã gặt hái được nhiều kết quả, làm tốt chức năng nhiệm vụ chính trị của ngành.
Thứ năm, cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân phải luôn luôn nhận thức đúng đắn, đầy đủ chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ của mình là thực hành quyền công tô và kiểm sát các hoạt động tư pháp theo qui trình của Hiến pháp và pháp luật.
Thực tiễn hoạt động cho thấy cán bộ kiểm sát nhân dân Thừa Thiên Huế đã làm tốt chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong xã hội, đồng thời thực hiện quyền công tố các hoạt động tư pháp. Để làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, các kiểm sát viên đã tiến hành phát hiện, thu thập, củng cố, kiểm tra, đánh giá, sử dụng chứng cứ thật khách quan, chính xác, không để xảy ra hiện tượng “oan người, lọt tội”; đồng thời, phát huy tính năng động sáng tạo trong hoạt động kiểm sát, nhằm kịp thời phát hiện và ngăn ngừa những hành vi phạm tội, góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Tóm lại, trải qua 30 năm xây dựng và trưởng thành, được sự quan tâm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thừa Thiên Huế; sự phối hợp có hiệu quả của các cơ quan ban ngành trong tỉnh; và đặc biệt là sự giúp đỡ, ủng hộ của quần chúng nhân dân; ngành Kiểm sát nhân dân Thừa Thiên Huế có quyền tự hào về những thành tựu mà mình đã đạt được, vững bước tiến lên giành nhiều thắng lợi mới, góp phần xây dựng quê hương Thừa Thiên Huế ngày càng giàu đẹp.