CHƯƠNG II: VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TRONG HỆ THỐNG BỘ MÁY NHÀ NƯỚC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

I. VÀI NÉT VỀ LUẬT TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
Khác với các cơ quan nhà nước khác, cơ quan Viện kiểm sát được hình thành muộn hơn. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Nhà nước ta ban hành các văn bản pháp luật và lập ra các cơ quan chuyên trách bảo vệ pháp luật như tòa án, thanh tra, công an. Cùng với Tòa án, Thanh tra, Chính phủ cũng như Uỷ ban Hành chính Liên khu lúc ấy đều có trách nhiệm bảo vệ pháp luật và thực hiện quyền công tố.
Ngày 24-01-1946 Chủ tịch Chính phủ lâm thời ra Sắc lệnh số 13 về tổ chức các tòa án và các ngạch thẩm phán, qui định Tòa Thượng thẩm có một chưởng lý, các phó chưởng lý, còn các Tòa Đệ nhị cấp có một biện lý. Tại các phiên tòa, chưởng lý, phó chưởng lý, biện lý ngồi ghế công tố. Để phân biệt rõ trách nhiệm thẩm quyền giữa các cơ quan hành pháp và tư pháp, ngày 01-7-1959 Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 256 qui định nhiệm vụ tổ chức của Viện Công tố. Đến 27-8-1959 Thủ tướng Chính phủ có Nghị định số 324 thành lập các Viện Công tố phúc thẩm. Theo các nghị định đó công tố uỷ viên tách khỏi tòa án và thành lập hệ thống độc lập, tổ chức từ trung ương đến huyện, đồng thời quyền công tố được giao cho các Viện Công tố.
Bước ngoặt cho sự hình thành ngành kiểm sát diễn ra vào tháng 12-1959, khi Quốc Hội khoá 1 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ban hành Hiến pháp năm 1959. Trong Hiến pháp này, tại chương VIII có quy định về Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân; theo đó, Viện Công tố được đổi tên thành Viện kiểm sát nhân dân. Quốc hội đã giao cho Viện kiểm sát nhân dân chức năng, nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật, nhằm đảm bảo cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất trong cả nước. Trên cơ sở những nguyên tắc của Hiến pháp năm 1959, ngày 15-7-1960 tại Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá II, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân đã được thông qua, và được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà công bố tại Lệnh số 20/LCT ngày 26-7-1960.
Điều 105 Hiến pháp năm 1959, Điều 1 và Điều 2 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960 quy định chức năng của Viện kiểm sát nhân dân là:
Viện kiểm sát nhân dân tối cao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ, cơ quan Nhà nước địa phương, các nhân viên cơ quan Nhà nước và công dân.
Viện kiểm sát nhân dân địa phương các cấp kiểm sát việc tuân theo pháp luật cùa các cơ quan Nhà nước địa phương, các nhân viên cơ quan Nhà nước và công dân.
Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật, làm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, pháp chế dân chủ nhân dân được giữ vững.
Từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân nàm 1960 cho đến nay, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và tiếp nối là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đà ban hành 5 đạo luật về tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân. Cụ thể là:
1. Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân được Quốc hội khoá II thông qua vào ngày 15-7-1960 tại Kỳ họp thứ nhất; được Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố bằngLệnh số 20/LCT ngày 26-7-1960.
2. Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân được Quốc hội khoá VIII thông qua vào ngày 19-7-1981 tại Kỳ họp thứ nhất; do Lệnh của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trường Chinh công bố ngày 13-7-1981.
3. Luật sửa đổi và bổ sung Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân được Quốc hội khoá VIII thông qua ngày 22-12-1988 tại Kỳ họp thứ 4; do Lệnh số 11/HĐNN của Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Chí Công công bố ngày 04-01- 1989.
4. Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân được Quốc hội khoá IX thông qua ngày 07-10-1992 tại Kỳ họp thứ nhất; do Lệnh số 03/LCT của Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lê Đức Anh công bố ngày 10-10-1992.
5. Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân được Quốc hội khoá X thông qua ngày 02-4-2002 tại Kỳ họp thứ 11; do Lệnh số 07/2002/L-CTN cúa Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đức Lương công bố ngày 12-4-2002.
6. Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân được Quốc hội khoá XIII thông qua ngày 24-11-2014 tại Kỳ họp thứ 8; do Lệnh số 23/2014/L-CTN cúa Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương tấn Sang công bố ngày 10-12-2014.

Các đạo luật trên vừa là cơ sở pháp lý, thể hiện tư tưởng chủ đạo của Đảng và Nhà nước ta trong tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh và đối ngoại, nhằm bảo đảm cho pháp chế xã hội chủ nghĩa được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất; đồng thời vừa là những kết quả đúc rút từ thực tiễn hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân qua các thời kỳ cách mạng. Các đạo luật đều gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; sự nghiệp bảo vệ, xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa; bảo vệ quyền làm chủ tập thể của nhân dân; bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa; tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân.

II.  VỊ TRÍ. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA HỆ THỐNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
1. Vị trí, tổ chức
Ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 20-LCT công bố Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và ngày này cũng chính là ngày thành lập Viện kiểm sát nhân dân. Hiện nay, theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, Viện kiểm sát nhân dân là một hệ thống cơ quan nhà nước độc lập trong cơ cấu tổ chức bộ máy của các cơ quan nhà nước.
Viện kiểm sát nhân dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức theo ngành dọc ở 4 cấp, gồm:
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao
- Viện kiểm sát nhân dân cấp cao (hiện có 3 Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh)
- Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (hiện có 63 Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh).
- Viện kiểm sát nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (hiện có 710 Viện kiểm sát cấp huyện tại 710 quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh).
Trong hệ thống Viện kiểm sát nhân dân có các Viện kiểm sát quân sự, gồm:
- Viện kiểm sát quân sự Trung ương.
- Viện kiểm sát quân sựquân khu và tương đương.
- Viện kiểm sát quân sựkhu vực.
Toàn bộ hệ thống Viện kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát quân sự các cấp đặt dưới sự quản lý, chỉ đạo và điều hành của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch nước.
Nhiệm kỳ của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khoá mới bầu ra Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công hoặc uỷ quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trước Viện trưởng và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Nhiệm kỳ của Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là 05 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm.
2. Chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân (Điều 2 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014)
Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.  Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

Chức năng thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát nhân dân (điều 3 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014)  là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hình sự để thực hiện việc buộc tội của Nhà nước đối với người phạm tội, được thực hiện ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.
Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố nhằm bảo đảm:
- Mọi hành vi phạm tội, người phạm tội phải được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm và người phạm tội;
- Không để người nào bị khởi tố, bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị hạn chế quyền con người, quyền công dân trái luật.

Chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân (điều 4 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014) là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân để kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp, được thực hiện ngay từ khi tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự; trong việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc thi hành án, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; các hoạt động tư pháp khác theo quy định của pháp luật.
Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát hoạt động tư pháp nhằm bảo đảm:
- Việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; việc giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc thi hành án; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; các hoạt động tư pháp khác được thực hiện đúng quy định của pháp luật;
- Việc bắt, tạm giữ, tạm giam, thi hành án phạt tù, chế độ tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù theo đúng quy định của pháp luật; quyền con người và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, người chấp hành án phạt tù không bị luật hạn chế phải được tôn trọng và bảo vệ;
- Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành nghiêm chỉnh;
- Mọi vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây