Hội nghị về việc tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực và Viện kiểm sát nhân dân khu vực các tỉnh phía Nam

Thứ tư - 28/11/2012 08:04 2.103 0
Ngày 24/11/2012 tại thành phố Hồ Chí Minh, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã tổ chức Hội nghị để bàn về việc tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực và Viện kiểm sát nhân dân khu vực theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW và Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị.
Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị
Đến dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Trương Tấn Sang, Chủ tịch Nước, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và các thành viên trong Ban Chỉ đạo, đồng chí Trương Hòa Bình, Chánh án TANDTC; đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSNDTC; đồng chí Lê Thị Thu Ba, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo CCTPTW và hơn 100 đại biểu là đại diện các bộ, ngành liên quan cùng Ban Chỉ đạo CCTP các tỉnh thành từ Thừa Thiên – Huế trở vào.

Chủ tọa Hội nghị

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Phát biểu khai mạc, đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh, từ Nghị quyết 49-NQ/TW đến nay đã có 7 năm triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp, đã làm được nhiều việc tạo điều kiện cho người dân tiếp cận công lý tốt hơn; chất lượng hoạt động tố tụng từng bước được nâng cao, khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của cơ quan tư pháp trong bộ máy Nhà nước, góp phần vào việc giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế và phục vụ tích cực cho công cuộc đổi mới đất nước… Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế: đó là việc nhận thức một số nội dung chưa thống nhất, ý kiến còn khác nhau nhưng chậm được nghiên cứu làm rõ để báo cáo Bộ Chính trị. Do đó, hội nghị này cần tập trung thảo luận, đề xuất ý kiến về việc tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, VKSND khu vực và góp ý kiến cho bản dự thảo Báo cáo trình Bộ Chính trị. Xác định rõ tính ưu việt và hạn chế, những thuận lợi, khó khăn đồng thời đưa ra những kiến nghị về mô hình tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, VKSND khu vực cùng lộ trình tổ chức thực hiện. Trên cơ sở kết quả Hội nghị này (và Hội nghị khu vực phía Bắc), Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương sẽ tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Báo cáo trước khi trình Bộ Chính trị.
Báo cáo tóm tắt của Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương do đồng chí Lê Thị Thu Ba, Phó Trưởng Ban Thường trực trình bày đã nêu ra nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn. Báo cáo khẳng định, việc tổ chức TAND sơ thẩm khu vực và VKSND khu vực ở nước ta là rất cần thiết và cấp bách. Tính ưu việt của nó hơn hẳn mô hình hiện nay là góp phần nâng cao vị trí, vai trò của TAND sơ thẩm khu vực, VKSND khu vực, khắc phục được quan niệm TAND,VKSND thuộc hệ thống cơ quan hành chính trong phạm vi cấp huyện, bảo đảm tính độc lập, khách quan và tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng. Tạo điều kiện để chuyên môn hóa hoạt động của TAND, VKSND ở cấp cơ sở, từng bước khắc phục tình trạng án oan, sai, quá hạn luật định. Qua đó cũng góp phần thu gọn đầu mối các cơ quan TAND, VKSND  để Nhà nước tập trun nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc cho các cơ quan này có hiệu quả, tiết kiệm; tạo điều kiện tăng cường biên chế, nâng cao chất lượng cán bộ, phân công nhiệm vụ chuyên sâu theo từng lĩnh vực cho Thẩm phán, Kiểm sát viên. Bảo đảm cho TAND sơ thẩm khu vực có đủ điều kiện, năng lực xem xét, giải quyết các loại vụ việc có yếu tố nước ngoài theo trình tự sơ thẩm, phù hợp với xu hướng chung của các nước trên thế giới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; tạo điều kiện cho TAND cấp tỉnh tập trung giải quyết, xét xử theo trình tự phúc thẩm; TAND cấp cao giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị; TAND tối cao tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật đạt hiệu quả. Tuy nhiên báo cáo cũng đã đề cập, trong thực tế có thể phát sinh một số vướng mắc cần được khắc phục, cụ thể là: Vai trò của cấp ủy đối với các TAND sơ thẩm khu vực, VKSND khu vực không để ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương? Cơ chế giám sát của Hội đồng nhân dân đối với TAND sơ thẩm khu vực, VKSND khu vực để kịp thời phát hiện sai sót nếu có? Việc đi lại của người dân ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa có diện tích tự nhiên rộng, địa hình phức tạp, giao thông khó khăn nếu sáp nhập thành khu vực có bất tiện cho dân? Cơ quan điều tra vẫn được tổ chức theo cấp huyện, VKSND khu vực sẽ khó khăn trong thực hiện các nhiệm vụ kiểm sát điều tra, giam giữ, thi hành án…? Yêu cầu về diện tích đất tối thiểu để xây dựng trụ sở TAND sơ thẩm khu vực, VKSND khu vực là 5.000m2 có tính khả thi đối với nhiều địa phương?

Đại biểu dự Hội nghị

Báo cáo của Ban Cán sự Đảng Tòa án Nhân dân tối cao cho biết, tính đến nay đã có 58 tỉnh thành phố đã phê duyệt đề án chuẩn bị thành lập TAND sơ thẩm khu vực, VKSND khu vực. Còn 5 địa phương đang chờ xem xét phê duyệt đề án là Quảng Ninh, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái và Đồng Nai. Theo phương án dự kiến sẽ tổ chức 427 TAND sơ thẩm khu vực, VKSND khu vực trên cơ sở 695 TAND, VKSND cấp huyện, hiện nay giảm 268 đầu mối (chiếm tỉ lệ 38,5%).

Đồng chí Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSNDTC báo cáo tại hội nghị
Tiến sĩ Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, thay mặt Ban Cán sự Đảng VKSNDTC đã đọc Báo cáo về việc thực hiện chủ trương thành lập Viện kiểm sát nhân dân khu vực trong Hội nghị. Báo cáo có những đề xuất, kiến nghị được các đại biểu đặc biệt quan tâm. Đó là, đối với việc thành lập Viện kiểm sát nhân dân khu vực, ngoài yêu cầu phù hợp với Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, cũng phải đảm bảo thực hiện tốt chủ trương của Đảng là “…tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra…”. Thành lập Viện kiểm sát nhân dân khu vực trước mắt chỉ thực hiện đối với vùng đồng bằng và có điều kiện thuận lợi; đối với vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn nên thực hiện khi có đủ điều kiện cần thiết. Để ngành Kiểm sát thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng cao, hạn chế và loại trừ hành vi tiêu cực của cán bộ, đề nghị Đảng và Nhà nước quan tâm cải cách chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức ngành Kiểm sát; quy định bảng lương riêng, phản ánh đầy đủ, rõ nét hơn tính chất đặc thù về công việc và tương xứng với trách nhiệm được giao. Về lâu dài, chủ trương thành lập TAND sơ thẩm khu vực, VKSND khu vực cần được xem xét đồng bộ với việc đổi mới tổ chức và hoạt động các cơ quan tư pháp như Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án.
Hầu hết các phát biểu của địa phương đều tán đồng chủ trương thành lập TAND sơ thẩm khu vực và VKSND khu vực nhưng đề nghị nên làm từng bước và có lộ trình chặt chẽ bởi đây là chủ trương lớn, việc tổ chức thực hiện sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến việc đầu tư kinh phí cơ sở vật chất, trang thiết bị và việc điều chỉnh bộ máy, cán bộ của toàn bộ hệ thống TAND, VKSND cấp huyện…

Tin, ảnh: Nhã Tú

Nguồn tin: tapchikiemsat.org.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây