Kế hoạch trọng tâm công tác thông tin, tuyên truyền của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2013

Thứ ba - 18/12/2012 16:12 2.324 0
Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-VKSTC-TCKS ngày 23/8/2012 của Viện trưởng VKSNDTC về một số biện pháp tăng cường công tác tuyên truyền trong ngành KSND, ngày 02/11/2012, Tiến sĩ Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC, Trưởng ban chỉ đạo công tác tuyên truyền ngành Kiểm sát nhân dân đã ký ban hành Kế hoạch số 121/KH-VKSTC về trọng tâm công tác tuyên truyền năm 2013. Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu những nội dung trọng tâm chủ yếu của Kế hoạch này.
Toàn cảnh Hội nghị công tác thông tin tuyên truyền của ngành kiểm sát nhân dân năm 2012
Toàn cảnh Hội nghị công tác thông tin tuyên truyền của ngành kiểm sát nhân dân năm 2012


I.  NỘI DUNG TRỌNG TÂM TUYÊN TRUYỀN

1. Tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là: Nghị quyết Đại hội XI, Nghị quyết Trung ương 4; Trung ương 5; Trung ương 6 và các Nghị quyết, kết luận về cải cách tư pháp của Đảng; Nghị quyết, Luật của Quốc hội; chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với Ngành, chỉ đạo của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao về định hướng, chủ trương công tác kiểm sát từng quý, từng năm và cả năm 2013; tuyên truyền theo chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin - truyền thông về định hướng công tác thông tin…
2. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật; xây dựng và áp dụng pháp luật trong ngành Kiểm sát nhân dân, trọng tâm là: Hiến pháp, Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi, bổ sung), Luật tố tụng hành chính... Trong đó, cần tập trung tuyên truyền những luật do Viện kiểm sát nhân dân tối cao được giao chủ trì xây dựng như: Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi).
3. Thông tin về khoa học nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn hoạt động công tác kiểm sát, trọng tâm là: Thực hiện cải cách tư pháp trong Ngành; tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra; vai trò của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong hoạt động tư pháp, công tác phối hợp phòng ngừa vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực hoạt động tư pháp và các chủ  trương công tác lớn mà Ngành đang triển khai.
4. Tuyên truyền về kết quả các mặt hoạt động, công tác của các đơn vị trong Ngành, trọng tâm là: Kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ; kết quả thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với việc làm theo lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ ngành Kiểm sát "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn"; cuộc vận động ”Xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm"; kết quả kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 trong toàn ngành Kiểm sát nhân dân, từ Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự các cấp; tuyên truyền về cuộc thi Kiểm sát viên giỏi, Điều tra viên giỏi, Hội nghị Kiểm sát viên tiêu biểu; kết quả các phong trào thi đua, nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt để xây dựng hình ảnh người cán bộ Kiểm sát; Hội nghị toàn quốc về tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 tổ chức vào đầu tháng 12 năm 2012; hoạt động của tổ chức Đảng, đoàn thể, các phong trào; việc thực hiện chủ trương "Đổi mới, Chất lượng, Kỷ cương, Hướng về cơ sở" của ngành Kiểm sát nhân dân.

II. CÁC BIỆN PHÁP VÀ PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban chỉ đạo công tác tuyên truyền của Ngành
- Mỗi quý họp 01 lần nghe báo cáo tình hình, kết quả thực hiện và ra các Thông báo gửi đến các đơn vị để chỉ đạo, phổ biến kinh nghiệm; bổ sung điều chỉnh nội dung chương trình trọng tâm.
- Tổ chức kiểm tra tại một số đơn vị ở 3 miền Bắc, Trung, Nam. Về thời gian và đơn vị được kiểm tra sẽ có kế hoạch riêng thông báo cụ thể sau.
- Làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin- truyền thông, Hội nhà báo Việt Nam, Đài truyền hình, Đài tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, các báo của Trung ương để phối hợp công tác tuyên truyền. Chú trọng việc phối hợp với các cơ quan báo chí thực hiện các chương trình lớn về công tác tuyên truyền của ngành Kiểm sát nhân dân và thực hiện các chuyên mục phóng sự, phim tài liệu... trên báo, đài tiếng nói, đài truyền hình để tuyên truyền sâu rộng về ngành Kiểm sát nhân dân.
- Chỉ đạo các cơ quan báo chí của Ngành và các đơn vị trong toàn ngành Kiểm sát nhân dân tổ chức tập huấn về công tác tuyên truyền, nghiệp vụ báo chí, kết hợp sơ kết 01 năm thực hiện Chỉ thị số 05/CT-VKSTC-TCKS ngày 23 tháng 8 năm 2012 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
- Thường trực Ban Chỉ đạo phối hợp cùng các đơn vị chức năng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao xây dựng các phương án dự trù kinh phí để đảm bảo các điều kiện về kinh phí, trang thiết bị, chế độ, chính sách... cho công tác tuyên truyền.
2. Các cơ quan báo chí của Ngành.
Tạp chí Kiểm sát, báo Bảo vệ pháp luật, Trang thông tin điện tử ngoài việc thực hiện tốt tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình cũng như công tác tuyên truyền thường xuyên, cần tập trung làm tốt, có hiệu quả những nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
- Xây dựng kế hoạch công tác năm 2013 trình lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê duyệt để triển khai trong đơn vị và thông báo cho các Viện kiểm sát các địa phương, các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao biết để phối hợp thực hiện.
- Duy trì ổn định các chuyên trang, chuyên mục đã có, mở thêm các chuyên mục mới trên báo Bảo vệ pháp luật, Tạp chí Kiểm sát, Trang thông tin điện tử của Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo sát yêu cầu chính trị của Ngành và chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin - truyền thông. Mở cuộc vận động viết về ngành Kiểm sát nhân dân, trong đó chú ý phản ảnh những tấm gương, điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, những tồn tại, hạn chế trong công tác nghiệp vụ để rút kinh nghiệm chung.
- Củng cố, phát triển đội ngũ Cộng tác viên; tăng cường phối hợp với các đơn vị trong Ngành, các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương để tuyên truyền về Ngành. Cần chủ động triển khai các chương trình, kế hoạch công tác của đơn vị mình và bám sát chương trình, kế hoạch mà Ban Chỉ đạo đã đề ra để phối hợp tuyên truyền sâu rộng, hiệu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Trong Quý IV/2012, cần bám sát các nội dung trọng tâm chương trình công tác Quý của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao để tập trung tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm về: Kết quả thi Kiểm sát viên giỏi ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Viện kiểm sát cấp tỉnh; tổng kết Hiến pháp năm 1992 trong ngành Kiểm sát nhân dân, Hội nghị toàn quốc ngành Kiểm sát về tổng kết thi hành Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003...
- Trong năm 2013, cần chuẩn bị tốt nội dung, xây dựng kế hoạch tập huấn công tác tuyên truyền, nghiệp vụ báo chí và sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị số 05. Tham gia Đoàn kiểm tra theo quyết định của Trưởng Ban Chỉ đạo. Tham mưu cho Ban Chỉ đạo xây dựng Quy chế phối hợp với cơ quan báo chí ở Trung ương, cơ quan hữu quan để cung cấp thông tin, họp báo trong và ngoài Ngành.
Báo Bảo vệ pháp luật, Tạp chí Kiểm sát cần xây dựng các số chuyên đề, số đặc biệt về các nội dung nêu trên và theo yêu cầu đột xuất của Lãnh đạo Ngành.
Tạp chí Kiểm sát chủ trì, phối hợp với Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo Bảo vệ pháp luật, Vụ Kế hoạch - Tài chính tham mưu cho Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch quản lý, sử dụng kinh phí cho hoạt động tuyên truyền.
3. Các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao
- Phối hợp với các cơ quan báo chí trong và ngoài Ngành để cung cấp thông tin, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền về ngành Kiểm sát nhân dân; động viên cán bộ, Kiểm sát viên của đơn vị tham gia làm Cộng tác viên viết tin, bài cho các cơ quan báo chí của Ngành và các cơ quan báo chí khác.
- Thực hiện các nhiệm vụ cụ thể theo yêu cầu của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao cà của Ban Chỉ đạo để phục vụ công tác tuyên truyền.
- Vụ Kế hoạch – Tài chính nghiên cứu và có văn bản hướng dẫn việc thực hiện kinh phí hỗ trợ tuyên truyền của Ban Chỉ đạo cho các Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan báo chí của Ngành.
4. Viện kiểm sát nhân dân các địa phương, Viện kiểm sát quân sự các cấp
Viện kiểm sát quân sự Trung ương, các Viện kiểm sát tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể từ nay đến hết năm 2013 của đơn vị để thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền. Trong đó, cần tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm, cụ thể là:
- Phân công 1 đồng chí Lãnh đạo đơn vị phụ trách công tác tuyên truyền; hoàn thành việc thành lập hoặc kiện toàn Tổ tuyên truyền; xây dựng quy chế hoạt động của Tổ tuyên truyền (hoàn thành trong Quý IV/2012); xây dựng đội ngũ Cộng tác viên tại đơn vị.
- Xem xét, phê duyệt Kế hoạch tuyên truyền do Tổ tuyên truyền đề xuất.
- Phối hợp với các cơ quan báo chí của Ngành để làm tốt công tác phối hợp thông tin, tuyên truyền; chấp hành sự hướng dẫn, kiểm tra, yêu cầu báo cáo, tập huấn, triển khai rút kinh nghiệm, triển khai các chỉ thị, chương trình công tác... về thông tin tuyên truyền của Ban Chỉ đạo; chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí ở địa phương, ở các đơn vị báo chí thuộc Bộ Quốc phòng làm tốt công tác tuyên truyền.
- Nghiên cứu xây dựng và duy trì hoạt động của Trang thông tin điện tử, cung cấp tin, bài về nội dung của Viện kiểm sát các cấp thuộc đơn vị mình quản lý để đăng tải trên cổng thông tin điện tử của địa phương, làm các ấn phẩm, kỷ yếu... tuyên truyền.
Các Viện kiểm sát cấp tỉnh, cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự các cấp cần linh hoạt, áp dụng nhiều phương thức tuyên truyền phù hợp, đa dạng, đúng và sát về nội dung, có hiệu quả cao như: Tuyên truyền qua các phiên tòa xét xử lưu động, các hoạt động đoàn thể, giao lưu, văn hóa, xã hội, các đợt công tác đến các cơ sở vùng sâu, vùng xa thuộc các địa bàn Viện kiểm sát được phân công phụ trách...
- Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp cần quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền; tạo điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí, thực hiện chế độ chính sách đối với Cộng tác viên, cán bộ tham gia thực hiện công tác tuyên truyền.
5. Các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Viện kiểm sát quân sự Trung ương căn cứ Kế hoạch này để xây dựng kế hoạch cụ thể của từng đơn vị; trong báo cáo sơ kết, tổng kết công tác hàng năm của đơn vị phải có nội dung báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị 05 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác tuyên truyền gửi về thường trực của Ban Chỉ đạo (Tạp chí Kiểm sát). Thường trực của Ban Chỉ đạo có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch này với Trưởng Ban Chỉ đạo và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Nguồn tin: Kiểm sát Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây