Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị về việc quản lý cho vay của các tổ chức tín dụng ngân hàng

Thứ sáu - 10/08/2012 07:50

(Minh họa)

(Minh họa)
Qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án kinh tế, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế tổng hợp một số nguyên nhân và điều kiện do các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội chiếm đoạt tiền của các tổ chức tín dụng để có biện pháp ngăn chặn; ngày 17/7/2012, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành kiến nghị số 922/KN-VKS đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế cần có biện pháp ngăn ngừa.
          Tính đến năm 2011 hệ thống tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 22 ngân hàng và 07 tổ chức tín dụng hợp tác (Quỹ tín dụng nhân dân); trong đó có 05 Ngân hàng thương mại nhà nước; 15 Ngân hàng thương mại cổ phần; 01 Ngân hàng chính sách xã hội và 01 Ngân hàng phát triển. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử 05 vụ/ 18 bị can liên quan đến hoạt động của ngân hàng về các tội: cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; làm giả tài liệu của cơ quan, tố chức; tham ô tài sản; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
          Điển hình một số vụ án đã phát hiện và xử lý:
* Vụ Trần Thị Quỳnh Phương và đồng bọn phạm tội “ Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “Tham ô tài sản” quy định tại các Điều 165, 179, 278 Bộ luật hình sự. Phương và đồng bọn đã chiếm đoạt của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Thừa Thiên - Huế 8.004.708.900 đồng và 8.000 USD.
* Vụ Nguyễn Thị Thu Hằng, Nguyễn Thị Kim Oanh phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” quy định tại Điều 139 và 267 Bộ luật hình sự. Hằng và Oanh lập thủ tục gian dối chiếm đoạt số tiền 1.240.000.000 đồng của Chi nhánh Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Chợ Mai.
* Vụ Thái Ngọc Hùng phạm tội “ Tham ô tài sản” quy định tại Điều 278 Bộ luật hình sự; Hùng đã chiểm đoạt của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế số tiền 1.441.579.121 đồng để sử dụng cá nhân.
* Vụ Nguyễn Minh Kỳ phạm tội “ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức” quy định tại Điều 139 và 267 Bộ luật hình sự: Kỳ đã chiếm đoạt của Ngân hàng TMCP Công thương chi nhánh Phú Bài và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Chi nhánh Huế số tiền 2.045.648.891 đồng. Bằng các hành vi: lập khống chứng từ vay vốn; lập khống hồ sơ thế chấp vay vốn: lấy cắp hóa đơn giá trị gia tăng rồi ghi khống số tiền trong hóa đơn, tẩy xóa sửa chữa hóa đơn trong hợp đồng kinh tế….để chiếm đoạt tiền chi tiêu cá nhân.
* Vụ Võ Phúc Thịnh và Nguyễn Văn Dũng phạm tội “ Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”; “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” quy định tại Điều 140, 179 và 267 Bộ luật hình sự: Thịnh cùng đồng phạm đã chiếm đoạt của Ngân hàng TMCP Đông Á - Chi nhánh Huế số tiền 3.499.400.000 đồng.
Thời gian qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra một số vụ án trong lĩnh vực ngân hàng là do các đối tượng lợi dụng sở hở trong quản lý của hệ thống ngân hàng và cán bộ ngân hàng cũng lợi dụng sự sơ hở này đề chiếm đoạt tài sản bởi những nguyên nhân sau:
- Ngân hàng không phát hiện được thủ đoạn gian dối của các đối tượng là do không xem xét, kiểm tra thực tế mà chỉ xem xét, kiểm tra trên hồ sơ, tài liệu; không xem xét, đánh giá tính khả thi, hiệu quả của dự án đầu tư; không kiểm tra và giám sát chặt chẽ quá trình vay vốn, sử dụng tiền vay và khả năng thanh toán trả nợ vay của các đối tượng vay.
- Lợi dụng sự sơ hở, thiếu trách nhiệm của cán bộ ngân hàng trong việc thẩm định, xét duyệt cho vay và kiểm tra việc sử dụng tiền vay nên các đối tượng lợi dụng lập giả hồ sơ vay vốn như: làm giả hồ sơ thế chấp tài sản, làm giả hồ sơ sử dụng tiền vay; sửa chữa hóa đơn, chứng từ tài liệu có liên quan…
- Lãnh đạo Ngân hàng buông lỏng quản lý, không kiểm tra việc chấp hành quy định quản lý của Nhà nước, của ngành và quy chế nghiệp vụ về cho vay và huy động vốn của các tổ chức tín dụng; khi ký duyệt chứng từ không kiểm soát tính hợp pháp, hợp lệ của chứng từ.
- Đối tượng vay khi ngân hàng giải ngân đã dùng số tiền vay được sử dụng vào mục đích khác hoặc trốn tránh, gian dối nhằm làm cho ngân hàng không thu hồi được các khoản đã cho vay.
- Phần mềm quản lý tín dụng IPCAS của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn bộc lộ nhiều sơ hở; cán bộ ngân hàng lợi dụng việc khách hàng trả nợ trước hạn quy định trong hợp đồng để lấy tiền gốc sử dụng chi tiêu cá nhân nhưng tiền lãi vẫn nộp vào hệ thống, không phản ánh dư nợ gốc trên máy tính nên phía ngân hàng không phát hiện ra và sơ hở trong công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ, quản lý thu chi tiền mặt tại ngân hàng. Mặt khác do lượng khách hàng lớn, địa bàn nông thôn xa ngân hàng không thường xuyên kiểm tra, cân đối tồn dư tiền mặt của giao dịch viên với hồ sơ tín dụng khách hàng.
Để khắc phục và hạn chế việc xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của Ngân hàng, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và đồng chí Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện một số nội dung sau:
- Cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, quản lý tài chính, kế toán, quy trình cho vay, thế chấp, cầm đồ … đối với các ngân hàng; phải có biện pháp xử lý đúng mức đối với đơn vị để xảy ra vi phạm, tội phạm.
- Chỉ đạo các ngân hàng rút kinh nghiệm và yêu cầu thực hiện đầy đủ quy trình “Xét duyệt cho vay, kiểm tra việc sử dụng tiền vay” quy định tại Luật các tổ chức tín dụng; kiểm tra thực tế và xem xét đầy đủ, chính xác về điều kiện vay vốn, thẩm định và quyết định cho vay theo quy định tại Quy chế cho vay được ban hành theo Quyết định số 1627/2001/QĐ - NHNN ngày 31/12/2001 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được sửa đổi, bổ sung theo Quyết định số 127/2005/QĐ - NHNN ngày 03/02/2005 nhằm loại trừ việc người phạm tội lợi dụng sơ hở, thiếu sót của Ngân hàng để chiếm đoạt tài sản thông qua các hợp đồng tín dụng; đồng thời để bảo toàn vốn ngân hàng, góp phần cùng các cơ quan bảo vệ pháp luật ngăn ngừa tội phạm.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhất là các luật về phòng, chống tham nhũng đối với cán bộ nhân viên Ngân hàng để nâng cao ý thức pháp luật, rèn luyện phẩm chất đạo đức, góp phần ngăn ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật.
- Tội phạm ngân hàng ngày càng tinh vi, xảo quyệt … không chỉ có chống rủi ro mà cần có sự phối hợp thống nhất trong các Ngân hàng cùng các bộ, ngành liên quan, đặc biệt tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Nguồn tin: www.vksndtc.gov.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây