Tôi còn nhớ, cuối năm 1989 đến đầu năm 1990, chúng tôi được Trường đại học Pháp lý Hà Nội phân công về thực tập tốt nghiệp tại Toà Hình sự, Toà án nhân dân tỉnh Thanh Hoá. Hồi đó, ngoài các chú lãnh đạo Toà án tỉnh, như: Chú Liệu, chú Bích... chúng tôi còn được làm việc trực tiếp với bác Bảo, các anh Thanh, Đính, Được, chị Tâm... ở Toà Hình sự. Tuy thời gian thực tập không nhiều nhưng những gì học được ở đó, trong cuộc sống, sinh hoạt và công tác, cho đến nay và mãi về sau, tôi không bao giờ quên.
Trước khi kể về những ngày thực tập ở nơi này, tôi xin phép trở lại quá khứ của mình một chút.
Lúc còn đi học phổ thông, mỗi khi nghe mọi người nói: Làm gì cũng phải “có lý, có tình”, tôi chẳng hiểu nội dung câu nói đó là như thế nào. Có lần, tôi đi xem Toà án huyện xét xử lưu động ở làng tôi, mấy vụ án về tội: “Trộm cắp tài sản” và “Cố ý gây thương tích”. Trên đường về, nghe mọi người nói chuyện với nhau: “Xử như vậy là có lý, có tình”. Tôi hỏi: “ Có lý, có tình” là gì? Họ cũng không trả lời được. Lúc đó, tôi không trách được họ. Vì, họ là người dân lao động, có học Luật đâu mà trả lời cho tôi hiểu được?
Thế rồi thời gian ở bộ đội, tôi cứ phân vân, suy nghĩ mãi câu nói cửa miệng “có lý, có tình” là gì? Muốn biết thì hỏi ai? Muốn học thì học ở đâu? Tại sao các cụ thời xưa lại đúc kết thành câu nói đó?.... Thú thực, hồi ấy, tôi chưa biết có Trường đại học Pháp lý Hà Nội, nên tôi có ý định thi vào Khoa văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội học, để xem có hiểu được nghĩa của câu nói trên hay không? Nhưng, dịp may đã đến với tôi, trong một lần đơn vị tôi đi công tác, khi vào một nhà dân ở huyện Gia Viễn, tỉnh Hà Nam Ninh (nay là tỉnh Ninh Bình) xin nấu cơm trưa thì gặp một cô gái xách va ly ở trong nhà đi ra. Cô có nước da trắng, mịn, vóc người nhỏ nhắn, trông rất xinh. Cô nở nụ cười tươi, chào chúng tôi rồi đi bộ ra phía đường Quốc lộ. Chúng tôi chào đáp lại và nhìn theo cô một đoạn. Mẹ cô thấy vậy bảo: “Nó là con gái tôi đấy. Cháu mới đi học đại học Pháp lý ở bên Liên Xô về. Hôm nay, cháu ra Hà Nội công tác ở Trường đại học Pháp lý. Còn bố cháu là Chánh án ở huyện này, đến cuối tuần mới về nhà”.
Tôi như chết đuối vớ được cọc, liền vội vàng hỏi bà: “ Ở Hà Nội có Trường đại học Pháp lý thật à Bá (mẹ)? Con thấy cô ấy còn nhỏ thế kia, mà học xong đại học ở Liên Xô, giỏi thật Bá nhỉ?”
Bà nhìn tôi cười, nói: “Chú không biết thật à? Ở Hà Nội có Trường đại học Pháp lý mấy năm rồi. Bố cháu trước cũng học ở ngoài đó. Còn cháu năm nay đã hai bốn tuổi rồi, chú bảo còn nhỏ gì nữa?” Tôi cảm thấy vui và xấu hổ, không hỏi gì thêm.
Thế là, sau này tôi quyết định thi và đỗ vào Trường đại học Pháp lý Hà Nội. Sau khi nhập học, một điều may nữa đến với tôi là: Tôi được nhà trường phân vào học tại khoa Tư pháp. Sau đó, khoa này được đổi tên thành khoa Đào tạo cán bộ Toà án. Thế mới oai chứ! Ngày ấy, tôi nghĩ: Vào đây, nhất định mình không chỉ học được nhiều ngành luật, mà còn sẽ hiểu cặn kẽ câu “Có lý, có tình”. Thế nhưng, tôi đã nhầm. Sau hơn bốn năm học ở trường, qua bài giảng của các thầy cô và nghiên cứu sách vở; trên phương diện lý thuyết, tôi cũng mới nhận thức được một phần nào đó của câu nói trên. Cho đến khi đi thực tập tại Toà án tỉnh Thanh Hoá, qua các vụ việc thực tế, tôi mới có dịp nhận thức đầy đủ hơn về vấn đề này.
Những ngày đầu thực tập, các bác, các chú, các anh, các chị ở Toà án tỉnh Thanh Hoá căn dặn chúng tôi rằng: Bước đầu, các cậu phải nghiên cứu kỹ các hồ sơ đã xử lý; để từ đó, mới rút ra được những kinh nghiệm trong việc xây dựng hồ sơ vụ án; cách thức tiến hành tố tụng, việc thu thập, bảo quản các tài liệu chứng cứ; việc ban hành các văn bản pháp lý... của các cơ quan tiến hành tố tụng như: Công an, Viện kiểm sát, Toà án. Sau khi nắm vững những vấn đề trên, các cậu bắt đầu trích cứu hồ sơ và tập viết (dự thảo) các văn bản như: Phiếu đề xuất; Biên bản phiên toà; Bản án... Rồi, ngồi làm Thư ký (tập sự) tại phiên toà...
Ngày ấy, tôi và đồng chí Hiền (nay là Phó Chánh Toà Hình sự, Toà án nhân dân tỉnh Hưng Yên) ở nhờ bên cơ quan Thanh tra tỉnh Thanh Hoá (cạnh Toà án tỉnh), nên ngoài việc chăm chỉ nghiên cứu ra, chúng tôi có rất nhiều thời gian để làm việc. Sau khi kiểm tra thấy chúng tôi nắm được một số nội dung cơ bản trong các vụ án, bác Bảo giao cho chúng tôi viết dự thảo một số bản án có tính chất đơn giản; rồi đến những vụ án mang tính chất phức tạp. Tôi còn nhớ, khi được giao dự thảo bản án vụ Nguyễn Văn T cùng đồng bọn phạm tội: “Trộm cắp tài sản XHCN”. Vụ án có hơn 10 bị cáo tham gia và phạm tội nhiều lần, với trên 20 vụ, ở các thời gian khác nhau. Khi đọc bản Kết luận điều tra và Cáo trạng dài hơn 50 trang, tôi và Hiền cảm thấy bối rối và lúng túng; nhưng chúng tôi không dám từ chối. Lúc đầu, chúng tôi chọn những vụ trộm có bị cáo tham gia nhiều và số tài sản chiếm đoạt lớn để đưa lên những phần đầu của nội dung vụ án, chứ không tính đến thời gian phạm tội trước hay sau. Tiếp đến, chúng tôi phân vai trò các bị cáo cũng tương tự như trên, không chú ý đến những kẻ chủ mưu, cầm đầu...
Sau khi hoàn thành bản dự thảo với 56 trang, chúng tôi “ thở phào nhẹ nhõm và có phần đắc ý” đưa đến cho bác Bảo xem (vì bác Bảo là chủ toạ phiên Toà vụ án đó). Bác Bảo đọc xong, đến chỗ chúng tôi nhẹ nhàng nói: “ Về cơ bản là các cậu viết được. Nhưng, việc xếp sắp thứ tự nội dung và vai trò của từng bị cáo có chỗ còn chưa hợp lý. Ví như, hành vi phạm tội của lần cuối cùng bị bắt quả tang, các cậu phải đưa lên phần đầu của nội dung vụ án. Tiếp đến là các lần phạm tội theo thứ tự thời gian từ trước đến sau. Có như vậy, mới lô gíc và khoa học, phản ánh đúng quá trình tiến hành tố tụng, cũng như diễn biến nội dung của vụ án. Còn việc đánh giá vai trò đồng phạm của từng bị cáo trong vụ án, các cậu phải đưa vai trò của kẻ chủ mưu, cầm đầu, thực hành tích cực... lên trên. Như vậy, mới có lý và đúng với qui định của pháp luật”.
Nghe bác nói, tôi mới phần nào vỡ lẽ ra “có lý” là ở chỗ sắp xếp nội dung bản án cũng phải theo thứ tự luật định. Và, chúng tôi đã viết lại nội dung đúng như bác Bảo đã chỉ dẫn. Đồng thời, rút ra được bài học kinh nghiệm cho các vụ án sau.
Qua những lần dự phiên Toà, chúng tôi còn băn khoăn với kết quả xét xử của một số vụ án. Theo suy nghĩ của chúng tôi, có vụ Toà xử còn chưa thoả đáng. Thế là, một hôm, chúng tôi “mạnh dạn” hỏi bác Bảo và các anh chị trong Toà Hình sự về hai vụ án; để được nghe quan điểm cụ thể.
Vụ thứ nhất là một bị cáo nữ, tên là M, hơn 50 tuổi, phạm tội: “Vô ý làm chết người”. Một hôm M đi làm đồng về, ra ao rửa rau để nấu cơm, thì ông chồng (lười biếng, hay say rượu và thường xuyên chửi đánh M) đi uống rượu về la hét, chửi mắng M. Khi thấy M đang rửa rau ở dưới ao, ông chồng lội xuống để đánh, thì bị M tức giận cầm đầu ấn một cái xuống ao, làm ông chồng bị ngạt nước chết. Tại phiên toà, bị cáo M khai nhận hành vi phạm tội như trên và cho rằng, dù chồng bị cáo có như thế nào, bị cáo cũng không nỡ nào “giết chồng”. Sau khi nghị án, Toà tuyên phạt M 05 năm tù, cho hưởng án treo.
Vụ thứ hai là một bị cáo nam, tên là Đ, hơn 30 tuổi, phạm tội: “Huỷ hoại tài sản của công dân” (xử phúc thẩm). Do vợ chồng Đ có mâu thuẫn với nhau nên vợ Đ đưa con nhỏ về nhà bố mẹ đẻ ở. Một hôm, Đ đến nhà bố vợ để thăm con và động viên vợ trở về nhà mình nhưng không gặp vợ. Trong lúc ngồi chơi với bố vợ, Đ bị ông la mắng là có học mà đối xử không tốt với vợ, nên vợ phải bỏ về nhà cha mẹ đẻ ở. Đồng thời, ông kiên quyết không cho Đ đưa vợ con về. Nghe vậy, Đ tức giận, cầm cái ghế (loại nhỏ) đang ngồi, ném vào cánh tủ đứng bên cạnh, làm cửa kính tủ bị vỡ. Thế là, ông bố vợ tố cáo hành vi của Đ ra công an. Đ bị khởi tố xử lý bằng hình sự về tội nêu trên. Tại phiên toà, bị cáo Đ cho rằng, vì vợ bị cáo không quan tâm đến gia đình, nên bị cáo có nói “dạy” vợ đôi lời, nhưng vợ bị cáo đã không nghe, mà còn bỏ về nhà bố mẹ đẻ ở. Trong việc này, chính bố mẹ vợ đã dung túng cho con thêm hư, lại còn đổ tội cho bị cáo. Vì vậy, bị cáo mới bức xúc ném vỡ kính tủ của gia đình bố mẹ vợ. Bị cáo đã nhận thấy sai và xin cắt lắp lại tấm kính hoặc bồi thường theo giá hiện nay (lúc đó tấm kính khoảng 85.000 đồng) cho bố vợ. Ông bố vợ bị cáo lại cho rằng, bị cáo là người có học, nhưng đối xử không tốt với vợ, còn ngang nhiên ném vỡ tấm kính của ông. Vì thế, ông không đồng ý bị cáo cắt lại tấm kính hay bồi thường theo giá trị hiện tại, mà bị cáo phải bồi thường cho ông số tiền trên 750.000 đồng. Ông lý giải, đây không phải là tấm kính bình thường, nó có từ năm 1953, nên đối với ông, đó là vật có nhiều kỷ niệm sâu sắc. Nghe ông nói, mọi người trong phòng xử án chỉ biết bấm bụng mà cười. Sau khi nghị án, Toà tuyên phạt bị cáo Đ 09 tháng tù, cho hưởng án treo và phải bồi thường cho bố vợ 90.000 đồng. Toà tuyên xong, bố vợ bị cáo Đ hùng hồn nói: “Tôi sẽ kháng cáo lên Toà án tối cao”. Mọi người lại được một lần nữa cười đến vỡ bụng.
Quan điểm của chúng tôi về việc xử lý hai vụ án trên là: Mức án của M nhẹ, của Đ nặng. Sau khi nghe xong, bác Bảo và các anh chị trong trong Toà Hình sự đều thống nhất chung quan điểm cơ bản là:
Về vụ án của bị cáo M:
- Nói về lý, bị cáo có hành vi phạm tội : “Vô ý làm chết người”, nên đã bị xử lý bằng hình sự, với một bản án và mức án tương xứng với hành vi đó. Như vậy, đã thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.
- Nói về tình, bị cáo và bị hại là hai vợ chồng. Họ đã chung sống với nhau lâu năm, có cả đàn con. Tuy, bị hại đã nhiều lần chửi mắng, đánh đập vợ; nhưng chưa có lần nào bị cáo đánh lại, mà chỉ nhẫn nhục chịu đựng. Lần này, do bị hại đã uống rượu, còn lội xuống ao đánh vợ. Vì quá bức xúc, bị cáo mới cầm đầu chồng ấn một cái xuống nước, dẫn đến chồng bị ngạt thở chết. Hành vi đó của bị cáo chỉ nhất thời phạm tội và không mong muốn chồng chết. Bây giờ, chồng đã chết, nếu xử bị cáo tù có thời hạn là không thoả đáng... Vì vậy, xử bị cáo 05 năm tù cho hưởng án treo là có lý, có tình, không nhẹ và đảm bảo tính giáo dục cao.
Về vụ án của bị cáo Đ:
- Nói về lý, bị cáo Đ phạm tội: “Huỷ hoại tài sản của công dân”, cũng đã bị xử lý bằng hình sự, với một bản án và mức án tương xứng với hành vi đó.
- Nói về tình, tuy bị cáo có bị bố vợ nói nặng lời, nhưng bị cáo là con rể, nhẽ ra phải nhẹ lời giải thích cho bố vợ hiểu mới đúng. Ngược lại, bị cáo còn nóng giận, ném vỡ kính của bố vợ, làm như vậy là không phù hợp với đạo làm con. Vì thế, xử bị cáo 09 tháng tù, cho hưởng án treo là có lý, có tình và không nặng.
Nhân có đợt các Bác ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao về xét xử phúc thẩm, chúng tôi có nêu lại nội dung xử lý hai vụ án trên, các Bác cũng cho rằng, Toà án tỉnh xử như vậy là “thấu tình, đạt lý”.
Chúng tôi không chỉ “tâm phục, khẩu phục” về các quan điểm xử lý trên, mà còn lấy đó làm bài học cho bản thân.
Ngoài ra, chúng tôi còn được chứng kiến Toà án nhân dân tối cao xử phúc thẩm hai vụ án hình sự. Một vụ về tội “hiếp dâm” có 08 bị cáo tham gia, các bị cáo đe doạ dùng vũ lực, hiếp dâm một phụ nữ vào lúc nửa đêm, tại một bãi ngô bên sông; phạm tội trong trường hợp đồng phạm, phạm tội nhiều lần và nhiều người hiếp một người. Toà sơ thẩm xử bị cáo mức án cao nhất là 14 năm tù, thấp nhất là 07 năm tù. Sau đó, các bị cáo kháng cáo kêu oan. Lý do là nạn nhân đồng tình, không chống cự.
Tại phiên toà, Luật sư bào chữa cho các bị cáo cũng cho rằng các bị cáo không phạm tội. Nghe vậy, gia đình các bị cáo đồng tình ủng hộ. Nhưng khi nghe đại diện Viện kiểm sát kết luận các bị cáo có tội và đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo, thì gia đình các bị cáo có thái độ quá khích, gây rối tại phiên toà, dẫn đến việc phải hoãn xét xử.
Một vụ bị cáo phạm tội “giết người”, Toà án cấp sơ thẩm xử bị cáo 20 năm tù. Gia đình bị hại kháng cáo đề nghị xử tử hình bị cáo. Tại phiên toà phúc thẩm, Luật sư bào chữa cho phía bị hại cũng đề nghị như kháng cáo của gia đình bị hại. Sau khi nghe đại diện Việm kiểm sát kết luận không chấp nhận kháng cáo, diễn biến tại phiên toà lại như vụ án ở trên.
Chứng kiến cảnh tượng hai phiên toà trên, tôi mới hiểu ra được, người cán bộ Toà án, Kiểm sát viên và Hội thẩm nhân dân ngồi trên “công đường” phải chịu đựng gian khổ và vất vả cũng như những nguy hiểm và áp lực như thế thế nào.
Sau sự việc này, bác Bảo và mọi người trong cơ quan nói với chúng tôi là, Toà xử các bị cáo mức án như vậy là “có lý, có tình”. Nhưng, sự việc xảy ra không hay cũng một phần do luật sư bào chữa, chỉ biết nghiêng về phía thân chủ, mà không tuân thủ đúng nguyên tắc “pháp chế XHCN”.
Qua đợt thực tập đó, tôi không chỉ học được nhiều điều bổ ích trong cuộc sống, mà còn hiểu: Xử “có lý, có tình” là giải quyết vụ việc phù hợp với các qui định của pháp luật, hợp với lòng người và có tính thuyết phục, giáo dục cao... Và tôi cũng đã và đang vận dụng những bài học trên cho công việc của mình.
Đã hơn 20 năm qua đi, thế mà tôi cứ nghĩ là mới ngày hôm qua thôi. Bằng ấy thời gian, do công tác ở xa nên tôi không có dịp về thăm lại nơi tôi đã thực tập. Song, trong tâm trí của mình, tôi thực sự biết ơn các bác, các chú, các anh chị ở Toà án nhân dân tỉnh Thanh Hoá và ngành Toà án đã đào tạo, rèn luyện nên những con người như thế; đã tận tình giúp đỡ và hướng cho chúng tôi một con đường vững bước vào tương lai.
Tin, ảnh: Lê Đức Khanh (VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế)